Làm nên cơ ngơi nhờ lươn đồng
Từ ý tưởng bị cho là 'khùng' khi mua lươn đồng về thuần hóa, đôi vợ chồng ở Hà Tĩnh đã làm nên cơ ngơi chỉ sau 4 năm khởi nghiệp.
Cơ sở thuần hóa lươn đồng của gia đình anh Hà, chị Thủy mỗi năm thu lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.
Vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh vốn nổi tiếng cả nước với các món ăn đặc sản chế biến từ lươn như: Súp lươn, cháo lươn, lươn om chuối đậu, lươn xào sả ớt…
Việc khai thác triệt để lươn đồng đã khiến nguồn lợi lươn tự nhiên bắt đầu khan hiếm, cạn kiệt. Với mong muốn góp phần nhỏ công sức của mình vào việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời giải quyết bài toán việc làm, thu nhập cho gia đình, vợ chồng anh Trần Văn Hà (46 tuổi) và chị Đỗ Thị Thanh Thủy (45 tuổi), ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã thu mua lươn đồng nhỏ về “thuần hóa” để bán.
Năm 2015 anh Hà kết duyên với chị Thủy, tài sản khi ra ở riêng là 2 sào ruộng, mảnh đất bạc màu rộng 2.000 m2 bố mẹ chồng để lại và số tiền vài chục triệu đồng anh chị tích góp được khi lấy nhau.
Theo chia sẻ của anh Hà, ngày trẻ anh từng ấp ủ ý định xây bể xi măng bắt lươn đồng về nuôi, sau đó xuất con giống cho dân nhưng vì vướng nhiều việc nên chưa thể thực hiện. Sau ngày cưới, anh bàn với vợ về kế hoạch dang dở và nhận được sự ủng hộ.
“Vợ chồng tôi vay mượn hơn 100 triệu đồng xây 24 bể nuôi, mỗi bể 4 m2. Thời gian đầu, hai vợ chồng ra đồng thả trúm (làm bằng ống tre) tự bắt hoặc mua lươn nhỏ của dân về nuôi thử nghiệm. Lúc đó nhiều người nói vợ chồng tôi khùng nhưng vì đam mê nên gạt bỏ lời dèm pha sang một bên để làm”, chị Thủy nhớ lại.
Lứa lươn đầu tiên vợ chồng anh Hà mua hơn 5 tạ lươn đồng với giá 50 triệu đồng và 60 kg lươn giống nhân tạo với giá 21 triệu đồng từ miền Bắc về nuôi để so sánh tập tính hai loại.
Lươn đồng nuôi tại cơ sở của anh Hà màu vàng đẹp, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều nhà hàng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.
Quá trình nuôi, lươn đồng phát triển song mỗi ngày chết khoảng 0,5 kg; riêng lươn nhân tạo nuôi mãi không lớn nên hai vợ chồng mở nắp cống xả nước cho trôi hơn 60 kg lươn nhân tạo ra sông.
Thất bại vụ đầu tiên, anh chị trăn trở nhiều ngày liền, dành thời gian lên mạng tìm hiểu, phát hiện nguồn nước trong bể hiện tại chưa đủ độ pH.
Các bể nuôi lấy nước từ giếng ngoài ruộng về. Nước này không có phèn, thiếu độ pH khiến lươn chết. Sẵn trong vườn có ao rộng 200 m2, sâu hơn 1,5 m, anh Hà mua đường ống, bơm nước từ con sông cách nhà khoảng 500 m về tích trữ tại ao, cứ một ngày thì đổ nước này vào bể nuôi lươn thay hai lần. Các vụ nuôi sau lươn ít chết, phát triển tốt.
“Trầy trật 2 năm, vợ chồng tôi thua lỗ mất khoảng 400 triệu đồng. Những lúc ấy tôi nói với vợ làm ăn lúc được lúc mất, nếu thắng lợi cả thì tiền bỏ đâu cho hết. Thế rồi hai vợ chồng đâm lao phải theo lao đến cũng”, anh Hà trải lòng. Đồng thời cho biết, nhờ sự kiên trì mà anh học được cả cách phòng tránh bệnh nấm cho lươn.
Từ năm 2018 trở đi, vợ chồng anh Hà bắt đầu thu lợi nhuận từ nghề nuôi lươn. Trung bình mỗi năm lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng từ bán lươn giống và lươn thịt, nợ nần do thua lỗ ngày trước đã trả hết.
Việc thuần hóa lươn đồng của anh chị góp phần bảo vệ nguồn lợi lươn tự nhiên trên địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận. Ảnh: Thanh Nga.
Cơ sở của anh Hà chủ yếu thuần lươn đồng giống, mỗi năm xuất bán hai lần. Vào đầu năm, hai vợ chồng dành một tháng đi gom khoảng 3 tạ lươn về thả nuôi trong 24 bể. Sau 3 - 4 tháng, lươn phát triển thì đem bán cho các cơ sở giống ở miền Bắc hoặc Thừa Thiên - Huế để họ tiếp tục chăm sóc. Xuất hết một lứa, tiếp tục gom nuôi lứa mới cho đến tháng 11 - 12 thì ngừng thuần lươn nhỏ, vì trời rét chúng hay bỏ ăn, dễ chết.
Giá thu mua 1 kg lươn đồng nhỏ (150 con) khoảng 100.000 đồng, đến lúc xuất bán, mỗi kg khoảng 130 con, giá 450.000 đồng. Lươn giống không bán hết sẽ được nuôi thương phẩm. Sau 7 - 8 tháng, vợ chồng anh Hà đem bán cho các nhà hàng trong tỉnh với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Anh Hà chia sẻ, hai năm đầu gặp khó khăn trong kết nối đầu ra, vợ chồng anh phải lên mạng tìm địa chỉ, liên hệ với các cơ sở chăm sóc con giống. Ngoài ra, năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn nên anh không dám thuần lươn đồng số lượng lớn dù đơn đặt hàng nhiều.
Nhờ táo bạo đầu tư nghề nuôi lươn đồng, vợ chồng anh Hà đã tích góp xây dựng được ngôi nhà khang trang. Đồng thời xây thêm một số chuồng trại nuôi hàng chục con bò giống vỗ béo bán kiếm lời.
Có thể bạn quan tâm
Thay vì nuôi cá thịt thương phẩm, anh Trần Văn Ngọc ở huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) lại chọn cá Koi, loại cá có xuất xứ từ Nhật để khởi nghiệp làm giàu.
Mô hình nuôi cá linh kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa của anh Bùi Chí Nhân đang triển khai, cho thu nhập lên tới hàng tỷ đồng ngay từ vụ đầu tiên.
Năm qua ngành tôm đã gặt hái được nhiều thành quả và để lại dấu ấn trên trường quốc tế. Để đạt được điều này là sự đóng góp không nhỏ của các mô hình nuôi tôm