Làm giàu với cá rô phi đơn tính
Là đối tượng có nhiều tiềm năng để phát triển, những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính cho hiệu quả kinh tế khá, cải thiện đời sống cho người dân.
Nuôi cá rô phi đơn tính cho hiệu quả kinh tế khá, cải thiện đời sống cho người dân
Cá rô phi đơn tính nuôi theo GAHP
Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng đã triển khai dự án nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình chăn nuôi an toàn trong nông hộ (GAHP). Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Trường Giang (tổ 5, P Hoàng Trung, TP Cao Bằng) cho biết, cá được nuôi và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên lớn nhanh và không bị dịch bệnh. Chi phí thức ăn nuôi cá rô phi đơn tính cao hơn các giống cá truyền thống nhưng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng. Nếu như nuôi cá theo phương pháp truyền thống mỗi năm cho thu hoạch một lứa thì nuôi cá rô phi đơn tính mỗi năm gia đình ông thu hoạch hai lứa. Năm ngoái, gia đình ông Giang thả hơn 1.300 con cá rô phi đơn tính, cung cấp cho thị trường trên 2 tấn cá thương phẩm, đạt doanh thu 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí... lãi gần 40 - 50 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình GAHP là sản xuất phải bảo đảm an toàn thực phẩm, áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu sản xuất giống, cách chăm sóc đến khi thu hoạch. Ao nuôi được xây dựng ở khu vực không bị ô nhiễm bới chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt; pH đất từ 6,5 - 8,5 và chủ động nguồn nước. Nguồn nước phải sạch không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải từ trại chăn nuôi chưa qua xử lý, nước thải sinh hoạt, nước thải các nhà máy, khu công nghiệp.
Đại diện Trung tấm Khuyến nông Cao Bằng cho biết, hiện có rất nhiều hộ tại đại phương tham gia mô hình, hiệu quả bước đầu khẳng định phát triển nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình GAHP phù hợp với điều kiện của địa phương. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng sẽ trực tiếp chuyển giao các thiết bị kỹ thuật và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, xây dựng mô hình trình diễn cho những hộ, nhóm hộ có nhu cầu về thủy sản nói chung, cá rô phi đơn tính theo GAHP.
Cá rô phi đơn tính công nghệ biofloc
Là một trong những địa phương có phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển, Hà Nội cũng đã ứng dụng và triển khai nhiều mô hình cho các hộ dân; trong đó phải kể đến hiệu quả của mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo công nghệ biofloc tại HTX Nông nghiệp Cổ Đô, huyện Ba Vì.
Mô hình được thực hiện từ giữa tháng 6/2016, với mật độ thả 5 con/m2 ao. Sau 50 ngày thả nuôi, cá giống 140 - 160 con/kg phát triển đạt ngưỡng 8 - 10 con/kg. Ông Nguyễn Trọng An, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cổ Đô cho biết, tốc độ cá tăng trưởng nhanh và đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình nuôi cá rô phi đơn tính theo công nghệ biolfloc kỹ thuật quan trọng và không thể thiếu là nạo vét bùn, lót bạt nền đáy và sử dụng hệ thống quạt khí. Quạt khí giúp đảo môi trường nước, cân bằng nhiệt độ toàn ao và tăng ôxy cung cấp cho cá. Đồng thời, hệ thống nước tạo dòng chảy tuần hoàn, bắt buộc cá vận động, giúp cá ăn khỏe hơn. Đến giai đoạn cá phát triển lớn, mật độ cá trong ao nhiều thì quạt khí phải sử dụng 24/24 giờ. Thay vì xử lý thức ăn cặn bã qua hệ thống hầm biogas trong thâm canh truyền thống, công nghệ biofloc với lượng men vi sinh vật xử lý môi trường nước trực tiếp, làm môi trường nước sạch, trong, màu nước đẹp.
Theo các hộ nuôi, quá trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là quá trình ủ men vi sinh. Men vi sinh ủ liên tục 24 - 48 giờ rồi cho vào hệ thống ao xử lý với tỷ lệ 3.000 m2 ao tương ứng với 30 lít men vi sinh mỗi ngày. Thay vì sử dụng phân bón để xử lý nước ao như trước đây thì nay biofloc giúp môi trường nước sạch hơn và cá sinh trưởng tốt. Nước sao trong, xanh và không có tảo lam gây độc cho cá.
Với những hiệu quả mà mô hình nuôi cá rô phi đơn tính mang lại đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện kinh tế của các hộ dân; đáp ứng được yêu cầu thị trường với sản phẩm cá rô phi đơn tính chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi thử nghiệm cá lồng bè trên biển bằng công nghệ nhập từ Vương quốc Na Uy (châu Âu), mở ra hướng phát triển nghề nuôi biển quy mô lớn tại địa phương
Đây là Đề tài do Trường cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (tại Bắc Ninh) thực hiện nhằm đa dạng hóa đối tượng cũng như cung cấp cho người nuôi mô hình tốt
Để thúc đẩy phát triển, vài năm gần đây các ban ngành và địa phương đã nỗ lực cải cách, cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà vô lý, tạo môi trường thuận lợi