Làm giàu từ mô hình nuôi rắn ri voi
Những năm qua, ông Kiều Công Sơn (Tên thường gọi là ông Chín Sơn) ở ấp 2A, xã Vị Tân, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang miệt mài đeo đuổi và đã thành công với việc nuôi rắn ri voi – một loài động vật hoang dã hiện sinh sống trong môi trường tự nhiên ở vùng ĐBSCL không còn nhiều.
Không chỉ cung cấp rắn thương phẩm cho thị trường, ông còn tìm tòi, nghiên cứu cho rắn sinh sản để bán giống. Mô hình này đang mở ra một hướng đi mới giúp ông và nhiều hộ dân trong vùng phát triển kinh tế gia đình.
Ông Chín Sơn kể, ông có hơn 10 công đất trước đây hết làm lúa chuyển qua lập vườn trồng mía, trồng cây ăn trái, rồi nuôi heo, gà, vịt, cá đều thua lỗ do giá cả lên xuống bấp bênh.
Ông Chín Sơn với bầy rắn ri voi giống
Cách nay khoảng 10 năm, tình cờ thấy người cháu cạnh nhà đánh bắt ngoài đồng được gần 80 con rắn ri voi con đem về nuôi nhưng không hiệu quả, định làm thịt ăn nên ông xin mua lại với giá 100.000 đồng đem về thả nuôi thử. Không ngờ sau đó một năm khi vét mương ông phát hiện đàn rắn của mình còn hơn 40 con, với trọng lượng mỗi con hơn 1 kg.
“Khi phát hiện còn lại 41 con rắn ri voi, lại đang trong thời gian sắp đẻ nên gia đình quyết tâm nuôi lại cho rắn đẻ. Chính những con rắn tự mình cho sinh đẻ nên có phần dễ hơn những loài rắn hoang dã”, ông Chín Sơn cho hay.
Qua gần 8 năm nhân giống, phát triển đàn rắn, đến năm 2012 ông Sơn mới bắt đầu chọn những con rắn đực để bán thương phẩm, rắn con được bán cho người dân trong vùng nuôi. Kết quả năm 2012 ông thu về gần 200 triệu đồng; Năm 2013 thu về gần 400 triệu đồng và dự kiến năm nay ông sẽ có thu nhập hơn 500 triệu đồng từ việc bán rắn các loại.
Hiện tại ông Sơn còn gần 2.500 con rắn, trong đó có 650 con có trong lượng từ 1,2 đến 3 kg/con; từ 0,8 kg – 1,2 kg là hơn 1.000 con, còn lại là rắn con từ 3 – 5 tháng tuổi.
Ông Sơn chia sẻ: Nuôi rắn ri voi cũng không khó lắm, ngoài chi phí xây bồn xi măng cao từ 1 mét trở lên, đảm bảo mực nước tối thiểu là 0,5 m, có hệ thống van để cấp, xả nước, ở đáy bể lót một lớp bùn đất dày khoảng 20 – 30 cm, trên thả cỏ, lục bình tạo môi trường tự nhiên để rắn sinh sản và phát triển thì điều quan trọng là giữ cho môi trường nước không ô nhiễm.
Riêng thức ăn cho rắn là các loại cá da trơn còn sống như cá trê, cá chốt, cá tra.. nhưng cách 10 ngày mới cho ăn một lần. Trong thời gian qua, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các kỹ sư nông nghiệp, ông Sơn đã biết áp dụng phương pháp làm cho cá trê lai sinh sản rồi từ đó nuôi cá con trong các ao, bồn dùng làm mồi cho rắn. Với cách làm này qui trình nuôi rắn ri voi của ông Sơn đã được khép kín.
“Thức ăn là cá trê khi cho rắn ăn sống không cắt ngạnh luôn mà để nguyên như môi trường hoang dã, cho rắn ăn bữa nay ăn không hết thì ăn 2 – 3 bữa rắn sẽ ăn hết. Rắn ri voi ít bệnh, chủ yếu do nguồn nước không sạch, không trồng cỏ rác để khi phân rắn thải ra bị bẩn. Bồn nuôi rắn chủ yếu trồng lục bình để hút hết phân hữu cơ tạo nên môi trường sạch, rắn mình không bệnh”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Chín Sơn, nuôi rắn ri voi không tốn nhiều diện tích đất. Chính vì vậy đây là mô hình khá lý tưởng cho người dân tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Qua kinh nghiệm nhiều năm ông Chín Sơn nhận thấy, một con rắn ri voi cái có thể đẻ 7 lứa. Ở lứa đầu chỉ có 6 – 8 con, tuy nhiên ở những lứa sau số con tăng lên dần cho đến lứa cuối cùng rắn có thể đẻ đến 40 con.
Để tiếp tục phát triển đàn rắn mạng lại thu nhập cao, trong tương lai ông sẽ vận động bà con chỉ bán con giống. Riêng rắn thương phẩm thì tập trung nuôi cho đến khi đạt loại I tức là có trọng lượng từ 1,1 kg trở lên mới bán. Vì rắn ri voi loại này có giá khá cao từ 800.000 đồng/kg trở lên.
Riêng ông khẳng định, ngoài việc cung cấp rắn giống vài ngàn con mỗi năm để người dân trong vùng nuôi, khoảng 3 năm nữa, ông sẽ cung cấp cho thị trường hơn 3 tấn rắn thương phẩm loại I .
Mô hình chăn nuôi rắn ri voi của ông Chín Sơn đã được người dân ở các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đến tham quan, tìm hiểu để thực hiện. Riêng đối với các hộ dân trong xóm, ông Chín Sơn đã tận tình giúp đỡ bằng cách hỗ trợ mỗi hộ 100 con rắn giống với giá rẻ để cho các hộ này nuôi và sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm trong chăm sóc rắn.
Ông Nguyễn Văn Khương ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh cho biết, nhờ sự giúp đỡ của ông ông Chín Sơn mà giờ đây đàn rắn của các hộ trong ấp phát triển khá tốt và đang hứa hẹn mang lại thu nhập cao.
Nhằm tạo điều kiện để mô hình nuôi rắn ri voi tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cao, cách nay vài năm các hộ nuôi rắn ở xã Vị Tân đã liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác nuôi động vật hoang dã Quyết Thắng và hiện nay Tổ hợp tác này đã hoàn tất thủ tục để nâng lên thành hợp tác xã với gần 30 thành viên.
Ông Đào Minh Khanh- Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân, TP Vị Thanh cho biết, qua kiểm tra đánh giá, tổ hợp tác rắn hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, UBND xã đã vận động tổ Hợp tác này phát triển lên mô hình Hợp tác xã để tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo công ăn việc làm cho các tổ viên trong hợp tác.
Từ mô hình nuôi rắn ri voi thành công của ông Kiều Công Sơn đã cho thấy, mỗi nông dân nếu chí thú làm ăn cộng với bản tính năng động, sáng tạo chắc chắn con đường làm giàu từ đồng đất quê hương sẽ không phải là quá khó.
Tags: lam giau tu nuoi ran ri voi, ky thuat nuoi ran ri voi, nuoi ran, ran ri voi, chan nuoi
Có thể bạn quan tâm
1. Tổng quan về khoáng chất: * Khoáng được chia làm 2 loại: – 7 khoáng đa lượng bao gồm: Canxi (Ca), Chloride (Cl), Magie (Mg), Phốt-pho (P), Kali (K) và Lưu huỳnh (S).
Hiện nay, protein thực vật đang được sử dụng để thay thế dần bột cá trong khẩu phần thức ăn thủy sản nói chung và thức ăn tôm nói riêng. Tuy nhiên các chất kháng dinh dưỡng đặc biệt là phytate có trong nguyên liệu thực vật có khả năng liên kết chặc chẽ với các muối khoáng canxi, magiê, sắt và kẽm làm giảm độ tiêu hóa các khoáng chất gây thiếu khoáng cho tôm nuôi.
Tôm giống sạch bệnh EMS chỉ đóng góp 50% khả năng thành công nhưng tôm giống nhiễm bệnh EMS có thể tạo ra gần 100% khả năng thất bại. Chính vì thế, siết chặt chất lượng con giống sẽ là bước đầu tiên quyết định sự thành công của vụ nuôi.
Bài viết cung cấp thông tin về các loại hóa chất sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản như vôi, zeolite, chlorine, formaldehyde, BKC, Iod, thuốc tím, rotenon, saponin, các chế phẩm sinh học probiotic, men vi sinh, vitamin C và sắc tố carotenoid…
Cùng với sự phát triển chung của ngành nuôi trồng thủy sản, trong những năm gần đây nghề nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là nuôi cá tra, basa ao, bè đã thực sự có những bước phát triển, nông dân đã chuyển dần từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh, con giống được thả nuôi với mật độ dày, thức ăn chế biến tổng hợp được sử dụng.