Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp

Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp
Tác giả: Phương Phương - Triêu Nhân
Ngày đăng: 17/11/2018

Trên đất Điện Hồng (Điện Bàn), nhờ biết tận dụng lợi thế từ các giống vật nuôi, nắm bắt kỹ thuật, tạo đầu ra ổn định... nhiều nông dân ở khu chăn nuôi tập trung của xã có thu nhập từ vài trăm tới hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi gà lấy trứng thương phẩm của bà Phan Thị Thanh Vân, thôn Cẩm Văn Bắc, xã Điện Hồng. Ảnh: P.PHƯƠNG

Hiệu quả

Nhiều năm nay, xã Điện Hồng đã tích cực trong công tác quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn thôn Cẩm Văn Bắc, tạo điều kiện về mặt bằng cho các nông hộ chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư. Nhiều mô hình chăn nuôi gà, heo kết hợp đào ao thả cá theo hướng gia trại, trang trại của các ông Nguyễn Văn Tàu, Phan Thị Thanh Vân, Võ Văn Đức, Phạm Hồng Quý… đã giúp nông dân thu về từ vài trăm đến 700 triệu đồng/năm.

Trước đây, ông Nguyễn Văn Tàu chăn nuôi tổng hợp gà, cá, heo, sau một thời gian dài heo thương phẩm bị rớt giá, nên giảm đàn, chỉ đầu tư nuôi gà lấy trứng kết hợp nuôi cá thương phẩm. Ông Tàu chia sẻ, từ một ao nuôi cá nhỏ ban đầu, thấy có hiệu quả, ông đã tìm đất đào ao để mở rộng mô hình dần dần. Trên diện tích trang trại 7.000m2, ông đầu tư 3 trại chăn nuôi gà trứng thương phẩm với số lượng 5.000 con và đào 3 ao thả cá với số lượng 20.000 con, bao gồm cá trê lai, cá chim trắng, cá trôi, rô phi, rô, cá đầu vuông, cá chép, cá mè. Ngoài công việc làm thủy lợi, ông Tàu tranh thủ thời gian còn lại cùng với vợ con chăm sóc đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh, xử lý môi trường.

Hệ thống chuồng trại gà được xây cao, nằm trên ao cá, trang bị hệ thống nước tự động, giảm thiểu sức người và thời gian. Thức ăn cho gà xen kẽ phụ phẩm nông nghiệp và bột công nghiệp, nguồn thức ăn rơi vãi từ chuồng trại được tận dụng cho các ao cá. Phân gà cũng được sử dụng làm một phần thức ăn cho cá, cũng góp phần giảm thiểu mùi hôi, ô nhiễm từ quá trình chăn nuôi, giảm chi phí mua thức ăn cho đàn vật nuôi. Với 5.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm tiền bán trứng gà thương phẩm giúp ông thu về vài trăm triệu đồng. Các lứa gà mái đẻ trứng được nuôi luân phiên đảm bảo thời điểm nào cũng có sản phẩm để bán. Với 3 ao cá, cứ 6 - 7 tháng xuất bán một lứa, thu về 300 triệu đồng. Mỗi năm, sau khi trừ tất cả khoản chi phí, ông Tàu thu lãi 300 triệu đồng.

Nếu trước đây, do chăn nuôi nhỏ lẻ, không chủ động tìm kiếm thị trường, đầu ra nên vợ chồng ông phải chở cá ra các chợ để bán lấy tiền, tốn nhiều công sức, giờ chỉ cần điện thoại, tư thương có mặt để thu gom đưa đi các nơi tiêu thụ. “Có sẵn mối quen nên đầu ra không lo nữa mà chỉ lo chuyện giá cả thị trường có lên xuống thất thường. Tuy nhiên, nhờ chủ động được nhiều khâu, từ thức ăn, kỹ thuật, nhân công, cách phòng bệnh… nên dù khó khăn đến mấy tôi cũng có thể cầm cự để vượt qua. Hai năm gần đây, giá cả và thị trường tốt nên người chăn nuôi rất an tâm và có lãi” - ông Tàu nói.

Nhân rộng

Từ những mô hình thành công, nhiều người dân xã Điện Hồng đã đầu tư nhân rộng mô hình nuôi gà kết hợp đào ao thả cá cho thu nhập cao. Đến nay, 5 hộ chăn nuôi ở thôn Cẩm Văn Bắc đã chủ động liên kết sản xuất, thời điểm thả cá giống... nhằm tạo đầu ra ổn định, đảm bảo lượng đầu ra hợp lý. Các chủ gia trại, trang trại cũng thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong cách thức phòng và điều trị bệnh, thông tin về giá cả thị trường, liên kết đầu ra, hướng tới phát triển bền vững. Nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả cao cũng được hình thành, nhân rộng ở nhiều địa phương của xã Điện Hồng.

Ông Nguyễn Nho Trung - Phó ban Nông nghiệp xã Điện Hồng cho biết, mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại tổng hợp ở Cẩm Văn Bắc nói riêng, xã Điện Hồng nói chung đang ở thời kỳ phát triển ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện đời sống. Cũng theo ông Trung, trước đây các hộ nuôi khá riêng lẻ, không đảm bảo môi trường. Nay, nhờ làm tốt khâu quy hoạch vùng chăn nuôi, bà con đã vào hết vùng chăn nuôi tập trung, nhờ đó giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, công tác quản lý, phòng trừ dịch bệnh cũng tốt hơn. Xã cũng tiếp tục tạo điều kiện, vận động nông dân chủ động học tập, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi như áp dụng mô hình đệm lót sinh thái, cung cấp một số chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đến nông hộ. Nhiều mô hình khuyến nông được triển khai cũng phần nào giúp bà con tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, nâng hiệu quả kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Trồng tía tô xuất khẩu qua Hàn Quốc Trồng tía tô xuất khẩu qua Hàn Quốc

Nhờ có mối quan hệ với nhiều người Hàn Quốc, một người dân ở Đồng Nai đã được hỗ trợ giống và xuất khẩu loại lá tía tô qua Hàn Quốc, mang lại lợi nhuận cao.

16/11/2018
Nữ giám đốc HTX 9X sản xuất cà gai leo, mở ra hướng mới trên vùng đất cằn Nữ giám đốc HTX 9X sản xuất cà gai leo, mở ra hướng mới trên vùng đất cằn

Trồng 5 sào cây dược liệu cà gai leo. Với giá trị đầu tư thấp (chỉ hơn 12 triệu đồng), sau 6 tháng, lứa cắt đầu tiên đã cho gia đình Ngân nguồn thu 100 triệu

16/11/2018
Bò lai giống ngoại lấn át bò lai Sind Bò lai giống ngoại lấn át bò lai Sind

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã thực hiện các mô hình nuôi bò thịt lai giống ngoại và có được những kết quả đáng ghi nhận.

17/11/2018