Làm giàu nhờ con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ
Đến khu phố Hải Đăng (phường 12, TP. Vũng Tàu) hỏi anh Trần Văn Vỵ nuôi hàu sữa (hàu Thái Bình Dương), ai cũng biết. Anh nổi tiếng vì là nhà cung cấp con giống hàu cho người nuôi tại xã Long Sơn và khu vực Hội Bài thuộc xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ). Trại giống hàu của anh ở địa chỉ 136 Chi Lăng, thu lãi hàng tỷ đồng/năm.
Anh Trần Văn Vỵ thành công với mô hình nuôi con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Anh Vỵ cho biết, năm 2014, anh xin nghỉ việc ở Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam Bộ và khởi nghiệp bằng cơ sở sản xuất hàu sữa giống. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong sản xuất giống hải sản, nhưng khi chuyển sang sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ban đầu anh cũng gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ sống của ấu trùng hàu sữa còn thấp, ấu trùng hàu bám vào giá thể ít. Sau vài lần thất bại, anh mới nắm được quy trình sản xuất ổn định, trong đó có cả quy trình cấy giống và nuôi sinh khối tảo đơn bào làm thức ăn cho ấu trùng hàu.
Theo anh Vỵ, quy trình sản xuất hàu giống không phải như nuôi các đối tượng trên cạn. Hàu bố mẹ được tuyển chọn phải cách xa vùng địa lý để tránh sự trùng huyết và phải bảo đảm chất lượng về ngoại hình, tuyến sinh dục có màu trắng sữa chứa đầy nội tạng thì mới cho kích thích sinh sản. Trứng sau khi thụ tinh được chuyển vào các bể, có dung tích 5m3 để ương ấu trùng từ giai đoạn đỉnh vỏ thẳng đến giai đoạn đỉnh vỏ lồi có điểm mắt và chuẩn bị bám. Mật độ ương trong những ngày đầu 15-20 ấu trùng/ml nước, sau 5-7 ngày san thưa xuống còn 10-12 ấu trùng/ml nước và sau 20 ngày ương với mật độ 5 -7 ấu trùng/ml nước. Khi thấy ấu trùng ở giai đoạn hậu ấu trùng đỉnh vỏ, trên 80% lượng ấu trùng trong bể đã có điểm mắt và chân đã hoạt động, kích thước trên 300 µm thì sử dụng vỏ hàu làm mảnh bám đã được vệ sinh, sát trùng, xâu thành chuỗi, mỗi chuỗi 100 mảnh treo hết vào toàn bộ diện tích mặt nước bể cho ấu trùng hàu bám. Sau khoảng 20 ngày, kể từ khi treo mảnh bám là có thể xuất bán con giống cho người nuôi thương phẩm.
Anh Vỵ hướng dẫn, mỗi ngày cho ấu trùng hàu ăn 2 lần. Thức ăn giai đoạn đầu là tảo hiển vi. Từ ngày thứ 5 trở đi, thức ăn là các loài tảo lớn hơn như Chaetoceros sp và Skeletonema có dạng chuỗi. Tảo được nuôi trong các túi ni lông hoặc các bể có dung tích 2m3. Bằng mắt thường thấy tảo có màu khuê đậm (mật độ tế bào trong khoảng 500.000-1.000.000tb/ml) là có thể bơm vào bể ương để làm thức ăn cho ấu trùng hàu.
Khởi nghiệp chỉ một cơ sở với 8 bể ương ấu trùng hàu, đến nay, anh Vỵ đã mở rộng quy mô lên 160 bể. Mỗi năm cơ sở của anh cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 triệu mảnh có hàu giống bám. Mỗi mảnh có giá 2.000 đồng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Thành công từ sản xuất hàu giống là động lực để anh tiếp tục nghiên cứu sản xuất con giống nghêu hai vòi - một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân đưa vào nuôi lồng bè. Theo anh Vỵ, nghêu hai vòi khi ở giai đoạn ấu trùng sống trôi nổi, nhưng khi phát triển thành con giống cấp 1, chúng chuyển dần xuống tầng đáy và vùi mình trong cát. Nắm bắt được đặc điểm sinh trưởng này, cuối năm 2018, anh đã mua 15kg nghêu bố mẹ (loại 30con/1kg) từ Cam Ranh và Ninh Thuận về cho đẻ và ương nuôi thành con giống cấp 1.
Hiện nay, cơ sở của anh có khoảng 3 triệu con giống nghêu cấp 1 đang chờ cung cấp cho thị trường. Anh Vỵ tính toán, sau khi trừ chi phí, anh sẽ thu lãi 35 triệu đồng. “Sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu là tốn chi phí mua bố mẹ, còn thức ăn của chúng là tảo thì mình tự sản xuất nên ương tỷ lệ sống càng cao thì lợi nhuận càng lớn”, anh Vỵ thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi tại huyện Bố Trạch. Đây là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Số liệu của ngành điện lực, điện năng cung cấp cho nuôi tôm công nghiệp ở ĐBSCL những năm gần đây tăng rất cao: năm 2016 tăng 77,29%
Gần đây, thị trường xuất khẩu ngành hàng tôm ở Cà Mau có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc với mức tăng khá, trong đó riêng thị trường Trung Quốc tăng 15,86%.