Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Làm giảm ô nhiễm ao nuôi tôm

Làm giảm ô nhiễm ao nuôi tôm
Ngày đăng: 28/09/2015

Chọn công nghệ

Để hạn chế ô nhiễm trong ao nuôi đối với những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, người nuôi có thể chọn công nghệ nuôi truyền thống phù hợp, gồm các loại hình: nuôi tôm sinh thái, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến.

Những loại hình nuôi này thường sử dụng thức ăn tự nhiên là chính, hoặc bổ sung một lượng nhỏ thức ăn.

Vừa hạn chế được ô nhiễm nước vừa có giá bán cao khi thu hoạch, phù hợp khả năng đầu tư của đa số hộ dân.

Đối với những doanh nghiệp nuôi và người dân có kinh nghiệm, có điều kiện kinh tế, có thể chọn những công nghệ nuôi tiên tiến, như: nuôi trải bạt nền đáy, nuôi tôm trong nhà kính, Biofloc, lọc tuần hoàn…

Những công nghệ này đều có điểm chung là vốn đầu tư lớn, tôm được thả nuôi với mật độ cao, các yếu tố môi trường được khống chế, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bên ngoài đến ao nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

Ưu điểm của việc sử dụng các công nghệ này là chất thải của tôm trong quá trình nuôi được xử lý triệt để, không ảnh hưởng đến môi trường nước ao nuôi và xung quanh.

Cải tạo ao

Là khâu kỹ thuật quan trọng, góp phần hạn chế được nguồn ô nhiễm tiềm ẩn ao nuôi cả về môi trường và dịch bệnh. Do vậy trong quá trình cải tạo cần thực hiện các khâu kỹ thuật sau:

Thiết kế ao lắng, chiếm 10 – 15% diện tích ao nuôi. Ao là nơi lắng lọc và sử dụng hóa chất để xử lý nước trước khi cấp nước vào ao, đảm bảo nước khi được cấp vào ao phải trong, sạch và không có vi khuẩn gây bệnh.

Đối với ao mới đào, cần sử dụng vôi nông nghiệp CaO để trung hòa pH và tiêu diệt mầm bệnh, với liều lượng 12 – 15 kg/100 m2.

Vôi được rải đều trên bờ và đáy ao, dùng máy lồng cho vôi và bùn đáy ao lẫn vào nhau, ngâm nước sâu 5 cm từ 5 đến 7 ngày, sau đó bơm cạn, phơi đáy và lấy nước vào ao.

Ao đã nuôi được nhiều vụ cần sên vét hết lớp bùn đen ở đáy ao, dùng vôi rải xuống ao với liều lượng 10 – 12 kg/100 m2. Sau đó nên san phẳng nền đáy, hơi dốc về cống thoát, phơi ao 5 – 7 ngày.

Nếu người dân hoặc doanh nghiệp nuôi tôm có khả năng đầu tư, có thể trải bạt nền đáy hoặc bờ ao để hạn chế ô nhiễm từ đáy ao và thuận lợi cho việc định kỳ hằng tuần xi phông chất thải ra bên ngoài.

Chất lượng giống, mật độ thả

Chất lượng tôm giống có thể quyết định đến 60% tỷ lệ thành công. Để ao nuôi không bị ô nhiễm bởi dịch bệnh do giống kém chất lượng gây ra, người nuôi phải làm tốt khâu chọn giống ngay từ đầu. Giống nên được kiểm dịch bởi cơ quan có thẩm quyền và được cung cấp bởi những công ty có uy tín.

Thực tế nuôi tôm hiện nay, ngoài một số cá nhân và doanh nghiệp có khả năng đầu tư nuôi quy mô lớn, còn lại hầu hết đều các hộ nuôi nhỏ lẻ, khả năng đầu tư thấp.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để nuôi tôm theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm nước ao, người nuôi nên thả với mật độ vừa phải, tôm sú (10 – 20 con/m2), tôm thẻ chân trắng (40 – 60 con/m2).

Quản lý môi trường

Từ lúc cải tạo ao đến khi thả giống và thu hoạch, việc quản lý môi trường nước ao luôn được chú trọng và theo dõi chặt chẽ. Nên áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm sạch, hạn chế sử dụng hóa chất để xử lý môi trường ao nuôi.

Quản lý tốt sự phát triển của tảo trong ao nuôi, tránh hiện tượng tảo tàn, gây ô nhiễm nước ao.

Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học ( men vi sinh ) định kỳ để chuyển hóa các chất gây ô nhiễm thành dạng không độc hại, đồng thời phát triển các vi khuẩn có lợi cạnh tranh nơi sống và thức ăn của vi khuẩn có hại, khống chế không cho chúng bùng phát gây ô nhiễm, dịch bệnh cho ao nuôi.

Đối với nuôi tôm mật độ cao, lượng chất thải lớn, sinh ra nhiều khí độc trong nước; do vậy cần lắp đặt các dàn quạt lông nhím để hàm lượng ôxy từ không khí được cung cấp xuống tận đáy ao, giúp các phản ứng hóa học và quá trình phân hủy hiếu khí của vi khuẩn diễn ra thuận lợi hơn.

Thức ăn và cho ăn

Để tôm nuôi hấp thụ được tối đa lượng dinh dưỡng trong thức ăn, cần chọn loại thức ăn có chất lượng, phù hợp loài nuôi và với từng giai đoạn phát triển của tôm.

Tránh hiện tượng thức ăn kém chất lượng, chẳng những tôm hấp thu không hết chất dinh dưỡng trong thức ăn mà lượng chất thải ra nhiều hơn, làm tăng ô nhiễm nước ao.

Cùng với lựa chọn thức ăn tốt, việc cho tôm ăn đủ không những hạn chế được ô nhiễm của lượng thức ăn thừa gây ra mà còn tiết kiệm được chi phí trong nuôi tôm.

Cho tôm ăn cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời nên dựa theo sức ăn thực tế và những lần lột xác của tôm để có sự điều chỉnh hợp lý.

Nuôi ghép với loài khác

Để hạn chế chất thải trong quá trình nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường nước ao, ngoài các biện pháp kể trên, hộ nuôi có thể sử dụng các mô hình nuôi ghép tôm với các loài khác (như cá rô phi, cá đối, cá dìa, rong câu, ốc hương…).

Mục đích dùng các loài nuôi ghép sử dụng lượng chất thải mà tôm thải ra làm thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường nước ao, đồng thời tăng sản phẩm thu hoạch mỗi vụ nuôi.

Chọn loại hình nuôi hợp lý, cải tạo, quản lý môi trường ao nuôi tốt, sử dụng thức ăn phù hợp và nuôi ghép với những loài khác là những biện pháp cơ bản làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi tôm.

Tags: con tom, nuoi tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ao nuoi tom, che pham sinh hoc, o nhiem ao nuoi tom


Có thể bạn quan tâm