Làm gì để khôi phục cây trồng sau bão?
Khôi phục lúa bị ngập úng như thế nào?
Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: Để khắc phục hậu quả sau bão được đúng, nhằm hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất, chính quyền địa phương và bà con nông dân cần dựa vào hiện trạng thực tế của lúa, hoa màu, cây ăn quả để có phương pháp làm cho phù hợp.
Cụ thể: Đối với lúa, bà con cần khắc phục theo hiện trạng phù hợp. Như diện tích lúa bị ngập 1-2 ngày, khả năng phục hồi khá thì bà con cần thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2 bằng phân kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa.
Đặc biệt các địa phương cần tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài trên 3 ngày không có khả năng phục hồi, chính quyền cần hướng dẫn bà con cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng còn lại hoặc san tỉa lúa từ những chân ruộng lúa gieo thẳng hoặc ruộng cấy không bị ảnh hưởng ngập úng.
“Để hiệu quả, nông dân nên khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp IRi 352, PC6, HN6, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Việt lai 20, TH3-3… ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời; kết thúc gieo cấy trước 10.8” – ông Khởi khuyến cáo.
Áp dụng các biện pháp tổng hợp khôi phục rau màu
Đối với các diện tích rau màu bị ảnh hưởng sau bão, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng khuyến cáo: Cần nhanh chóng triển khai công tác khắc phục theo hiện trạng từng diện tích. Trong đó, cần khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở những ruộng bị hại nặng. Đồng thời tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
Ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay trong tuần này, gần 900 tấn giống lúa, màu sẽ được cấp cho các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 1 gây ra. Cụ thể, ngày 1.8, Bộ NNPTNT đã đề nghị Chính phủ xuất cấp hỗ trợ cho 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình với tổng số 620 tấn lúa giống, 230 tấn ngô giống và 24 tấn hạt rau.
Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi, cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng... để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân... chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước.
Đối với các loại cây ăn quả bị ảnh hưởng sau bão, bà con cần phân loại các loại cây để có phương pháp khắc phục cho hợp lý. Đối với cây chuối, với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gãy thân, bà con cần khai rãnh ở mặt luống để nước thoát nhanh, giúp rễ mau thông thoáng hơn. Đồng thời triển khai ngay công tác cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
Ngoài ra, bà con cần cung cấp ngay các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Đặc biệt, với những vườn chuối bị gãy thân chính, bà con cần chọn và xử lý tàn dư cây gãy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ. Đồng thời cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây. Khi đất se mặt có thể bón phân với liều lượng thích hợp để tạo điều kiện cây con sinh trưởng khỏe.
Riêng với cây nhãn, cây có múi khác, bà con cần làm ngay việc đào rãnh, thoát nước nhanh trong vườn, nhất là với những vườn đất thấp chuyển đổi từ đất lúa, giúp rễ mau thông thoáng. Cùng với đó là cắt bỏ những cành gãy, cành bị tổn thương nặng. Đồng thời xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 - 10cm) để phá váng khi đất đã se mặt, giúp đất được thông thoáng. Và việc không thể thiếu là cần cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.)
Riêng đối với cây nhãn sắp cho thu hoạch thì bà con không nên bón phân, việc chăm sóc sẽ thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để giúp cây nhanh phục hồi.
Có thể bạn quan tâm
Từ một thôn xóm nghèo, nhờ được hỗ trợ kinh phí sản xuất rau an toàn, đến nay người dân xóm Ruộng (phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã vươn lên thoát nghèo, có hộ “mua được xe hơi nếu muốn”…
Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam nhập khẩu gần 100% thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm nhập khẩu 6-7 triệu tấn ngô, 60- 65% thức ăn chăn nuôi được nhập ngoại, chưa kể các giống cây, con, vật tư nông nghiệp khác.
Gần đây, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Đồng Nai… xuất hiện tình trạng thương lái vào tận vườn thu gom hoa quả. Thậm chí, một số doanh nghiệp (DN) trong nước còn chịu làm “bình phong” để các DN Trung Quốc núp bóng hoạt động, trục lợi, gây thất thu cho Nhà nước.