Làm gạo sạch thâm nhập thị trường khó tính
Agricam (Cần Thơ) đang là công ty số 1 về XK gạo Japonica ở nước ta. Đó là thành quả sau nhiều năm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn, chất lượng cao.
Thu hoạch lúa ở vùng nguyên liệu của Agricam (Ảnh: Sơn Trang - TS)
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trước đây, không ai nghĩ Việt Nam sẽ XK được gạo Japonica. Nhưng trong mấy năm qua, Việt Nam đã bắt đầu XK gạo Japonica với số lượng ngày càng tăng. 9 tháng đầu năm nay, gạo Japonica đã chiếm 4,12% tổng lượng gạo XK. Đây là một tỷ trọng còn khá khiêm tốn, nhưng là một bước tiến lớn của gạo Japonica trong cơ cấu các loại gạo XK của Việt Nam.
Góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ấn tượng của XK gạo Japonica của cả nước là Cty CP Nông sản Vinacam (Agricam). Bởi Agricam đang là nhà XK lớn nhất loại gạo Japonica với thị phần chiếm gần 90%.
Điều đáng chú ý là để XK thành công gạo Japonica, Agricam đã sớm quan tâm tới việc xây dựng vùng nguyên liệu. Từ năm 2013, Agricam đã tổ chức sản xuất gạo Japonica theo yêu cầu của khách hàng để tiêu thụ tại các thị trường Úc và các đảo Nam Thái Bình Dương. Đến nay, Agricam đã xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích 20.000ha, tập trung chủ yếu tại An Giang và Kiên Giang. Hiện đã có 4 HTX nông nghiệp tham gia vào việc xây dựng vùng nguyên liệu của Vinacam, trong đó có 2 HTX nông nghiệp kiểu mới do Agricam tham gia thành lập, gồm: HTX Vinacam Tri Tôn với 31 thành viên, diện tích 500ha; HTX Vinacam Hòn Đất với 106 thành viên, 450ha.
Trước khi vào vụ sản xuất, Agricam phối hợp với các nhà cung ứng vật tư đầu vào, cung ứng giải pháp kỹ thuật, tổ chức hội thảo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật và cách thức canh tác lúa Japonica DS1. Qua đó, nông dân được cung ứng giống xác nhận, phân bón chất lượng tốt, cung ứng giải pháp canh tác và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, chính xác, đảm bảo yêu cầu về dư lượng cho các thị trường khó tính… Mỗi vụ sản xuất, nông dân được Agricam đầu tư trọn gói, đến cuối vụ mới thanh toán với các vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời được hỗ trợ chi phí canh tác là 500.000 đ/công (1.296m2).
Nông dân tham gia vùng nguyên liệu không phải lo đầu ra vì sản phẩm được Agricam bao tiêu. Đặc biệt, để khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sạch, Agricam đã đưa ra giá thu mua cao hơn cho họ. Cụ thể, nông dân sản xuất theo đúng quy trình gạo an toàn thì mức giá sẽ cao hơn giá thị trường. Nếu đạt được tiêu chuẩn gạo hữu cơ, sẽ được mua với giá cao hơn lúa thường 150%. Với mức giá thu mua hiện nay từ 5.700 đ/kg lúa tươi trở lên, mức lợi nhuận bà con có thể đạt khoảng 150% vốn đầu tư bỏ ra (khoảng trên 25 triệu đ/ha).
Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…, Agricam đang hướng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP. Hiện tại, Agricam đang triển khai thí điểm 450ha theo chuẩn GlobalGAP, dự kiến sẽ có chứng nhận vào vụ ĐX 2017 - 2018.
Định hướng của Agricam là xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn theo mô hình canh tác chuẩn mực để kiểm soát dư lượng, tăng hiệu quả sản xuất và quan trọng hơn là tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp mới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Agricam cũng đang từng bước kết hợp chuyển đổi sang sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ sinh thái kết hợp theo mô hình tôm - lúa, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con, vừa góp phần xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Định hướng đó cũng phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng thế giới, ngày càng chú trọng đến an toàn, chất lượng, phát triển bền vững, cân bằng sinh thái.
Mong muốn của Agricam là cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm 3 không (không biến đổi gen, không dư lượng thuốc trừ sâu, không hóa chất bảo quản).
Agricam sẽ tiếp tục tìm kiếm vùng nguyên liệu đạt chuẩn để phát triển các dòng sản phẩm này cho thị trường nội địa và xuất khẩu các thị trường khó tính, tạo giá trị cao nhất cho hạt gạo Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Xã hội càng phát triển mạnh mẽ công nghiệp, dịch vụ thì con người càng có xu hướng tìm về với những sản phẩm mang tính tự nhiên.
Chị Nguyễn Thị Na (TP Cần Thơ) là một trong những người đi tiên phong trong phong trào trồng nấm bào ngư xám đạt được hiệu quả kinh tế cao
Vùng cát Duy Xuyên, nơi không chủ động được nước tưới, nông dân phải canh tác cây lúa dựa vào kinh nghiệm là chính và hoàn toàn lệ thuộc vào thời tiết