Lai Ghép Nhãn Xuồng Cơm Vàng
Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc nhãn tiêu da bò, mô hình này đang được nhân rộng trên các vùng trồng nhãn.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 4.491 ha đất trồng nhãn, trong đó hai giống nhãn được trồng chủ yếu là nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng.
Giống nhãn tiêu da bò trước đây được nông dân trồng với diện tích khá lớn, nhưng do giá cả thị trường không ổn định, nhiều vườn cây không được đầu tư chăm sóc dẫn đến bị nhiễm bệnh, trong đó bệnh xù ngọn là một trong những loại bệnh gây hại nhiều nhất, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vườn cây.
Theo khảo sát của Sở Khoa học và công nghệ, hiện nay, 100% chồi non của nhãn tiêu da bò đều bị mắc triệu chứng bệnh này và nếu cây đến giai đoạn phát bệnh khó có khả năng chữa bệnh và phục hồi. Trong khi đó, trên cùng một vùng đất, nhãn xuồng cơm vàng vẫn sinh trưởng và phát triển khỏe. Tuy nhiên, nếu phá bỏ cả vườn nhãn tiêu da bò để chuyển sang trồng giống nhãn xuồng cơm vàng sẽ gây thiệt hại về kinh tế và lãng phí thời gian công sức của bà con nông dân. Vì nếu trồng giống cây mới thì phải mất thời gian từ 3-4 năm mới cho quả, trong thời gian đó, nông dân không có thu nhập.
Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng giống nhãn xuồng cơm vàng có khả năng kháng được bệnh xù ngọn trên cây nhãn tiêu da bò, nên đã thực hiện ghép chuyển đổi giống trên gốc cây cũ bằng cách cưa bỏ nhánh của cây nhãn tiêu da bò rồi ghép giống nhãn xuồng cơm vàng. Với cách làm này, qua một thời gian thử nghiệm cây nhãn xuồng ghép trên nhãn tiêu da bò không những không bị bệnh mà còn phát triển mạnh, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Trong khi đó, những nhánh nhãn tiêu da bò mới mọc ra sau này từ gốc cây mẹ vẫn bị bệnh xù ngọn.
Ông Nguyễn An Đệ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho biết, nếu trồng một cây nhãn xuồng cơm vàng thì sau 3-4 năm cây mới cho quả, nhưng nếu trồng cây ghép chỉ một năm sau có thể thu hoạch lứa quả đầu tiên. So với nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng dù đạt năng suất thấp hơn, nhưng giá trị lại cao gấp 2-3 lần và cây ghép vẫn cho chất lượng trái giống như nhãn xuồng cơm vàng không ghép. Hiện nay, nhiều vườn nhãn tiêu da bò được áp dụng ghép chuyển đổi và khôi phục lại vườn cây.
Ông Đệ còn cho biết, nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những giống đặc sản có chất lượng vượt trội so với nhãn các nước trong khu vực, nhu cầu tiêu thụ của thị trường là rất lớn. Trong khi đó, do diện tích trồng còn ít, nhiều vườn cây già cỗi và việc nhân giống khó khăn nên việc mở rộng diện tích nhãn xuồng cơm vàng còn chậm. Bên cạnh đó, do chưa tổ chức được đầu mối tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến nghịch lý “thừa và thiếu”, nông dân trồng nhãn không biết bán cho ai, trong khi thị trường thì thiếu sản phẩm để tiêu thụ và chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Việc ghép giữa cây nhãn da bò và nhãn xuồng là một thành công lớn, góp phần thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích trồng và xây dựng thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng cho Bà Rịa-Vũng Tàu.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn thành công một số giống nhãn đặc sản, phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương miền Bắc
Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, sử dụng hóa chất KCLO3 và NaCLO3 xử lý cho những cây nhãn không ra hoa nhưng lộc trên cây đã chuyển màu bánh tẻ hoặc đã già
Loại nhãn độc nhất vô nhị này xuất hiện trong vườn nhà ông Trần Văn Huy (ngụ ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Cuối năm 2017, đầu năm 2018 khí hậu vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) có sự biến động khác thường, phức tạp.
Sau khi thu hoạch quả là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất.