Kỳ vọng 2 giống sắn kháng bệnh khảm lá
2 giống sắn đã khẳng định khả năng kháng bệnh khảm lá là HN3 và HN5 đang được nông dân rất nóng lòng chờ đợi nguồn giống để đưa ra sản xuất trên diện rộng.
Ngoài chống được bệnh khảm lá, giống HN3 và HN5 còn cho thấy năng suất cao, trữ bột đảm bảo. Ảnh: Trần Trung.
HN3, HN5 năng suất cao, kháng khảm lá tốt
Từ khi xuất hiện bệnh khảm lá vào năm 2017, sau đó lan rộng khắp cả nước, ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn tại “thủ phủ” sắn Tây Ninh bị tác động rất mạnh
Để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh khảm lá, giữ vững ổn định khâu sản xuất, từ năm 2018 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã triển khai chương trình nghiên cứu và thử nghiệm khoảng 250 dòng/giống sắn sạch bệnh, có tính kháng hoặc chống chịu tốt với bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh thực tế trên đồng ruộng.
Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay đã xác định được 2 giống sắn là HN3 và HN5 có khả năng kháng được bệnh khảm lá tốt nhất. Hiện 2 giống này cũng đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho phép trồng đại trà tại khu vực Đông Nam bộ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, với nhiều nỗ lực, hiện 2 giống sắn này đã được đưa vào sản xuất thí điểm tại một số vùng trồng sắn của tỉnh với tổng diện tích gần 50 ha. Bước đầu cho thấy, cả 2 giống thích nghi tốt với vùng đất của tỉnh, năng suất tương đương với các giống sắn cao sản và đặc biệt kháng tốt với bệnh khảm lá.
Là một trong những hộ đầu tiên được tiếp cận với giống mới, anh Bùi Công Ngọc ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu cho biết, hiện anh đang sở hữu trên 100 ha đất trồng sắn rải khắp các huyện thị trong tỉnh. Trước đây, anh chủ yếu canh tác các giống sắn bản địa. Sau khi dịch khảm lá xảy ra, anh may mắn được tiếp cận các giống sắn chống chịu khá tốt với bệnh khảm lá do CIAT hỗ trợ. Đặc biệt, năm vừa qua, anh là người đâu tiên của tỉnh được tiếp cận và trồng thử nghiệm 2 giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5.
Theo anh Ngọc, sau hơn 3 tháng chăm sóc, anh nhận thấy giống sắn này có khả năng kháng 100% đối với bệnh khảm lá thường bị trên các giống sắn địa phương. Bên cạnh đó, giống sắn này cũng khá thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển vượt trội, cây to cao, phân nhánh sớm, lá lớn, củ phát triển to khoẻ. Đến nay, anh chưa phải dùng đến bất kỳ loại thuốc BVTV nào để diệt trừ bọ phấn trắng, đồng thời, tiết kiệm được chi phí nhân công diệt cỏ.
Anh Nguyễn Ngọc Viên ở Thị trấn Tân Châu cũng may mắn được trồng thử nghiệm 1 ha giống sắn HN3 và HN5, dù mới chỉ hơn 4 tháng tuổi nhưng ruộng sắn của anh Viên phát triển xanh tốt, cây cao bằng đầu người lớn (hơn 160cm), cuống lá to, lá xoè rộng kín hết mặt đất.
“Bước đầu cho thấy hai giống này có ưu điểm vượt trội hơn các giống khác về năng suất, nếu thâm canh tốt năng suất đạt 55 – 60 tấn/ha, lượng phân bón cũng giảm nhiều so với canh tác các giống bị khảm lá. Trong khi đó, giống sắn khác được trồng xen kẽ để đối chứng lại bị khảm lá khá nặng” anh Viên nói.
Nhân nhanh giống kháng, nghiên cứu thêm các giống mới
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã có quan điểm chỉ đạo sẽ đáp ứng được vai trò là "cái nôi" để đưa nhanh được các giống sắn kháng bệnh khảm lá tốt nhất cho người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nối chung.
Với vai trò đơn vị tham mưu, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh thời gian qua cũng đã tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Hưng Lộc (Đồng Nai), Viện Di truyền nông nghiệp để liên tục thực hiện các đề tài, dự án nhằm tìm ra những bộ giống sắn mới thích nghi với vùng đất Tây Ninh và kháng được bệnh khảm lá, có năng suất và trữ bột tốt để đảm bảo việc sản xuất có lợi nhuận cho người dân.
Điển hình như năm 2021, Viện Di truyền nông nghiệp cũng đã phối hợp các đơn vị của ngành nông nghiệp Tây Ninh tìm ra được 2 giống sắn HN3, HN5 cơ bản kháng được bệnh khảm lá. Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện cần để tiếp tục theo dõi, đánh giá tính ổn định và khắc phục những tồn tại hạn chế nên công tác nhân giống vẫn còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá phục vụ sản xuất trên diện rộng, bên cạnh 50 ha đang tiếp tục nhân giống theo cách truyền thống, các đơn vị gồm Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc và Viện Di truyền Nông nghiệp cũng đã và đang triển khai thực hiện nhân giống trong nhà màng. Theo đó, công tác xây dựng nhà màng đã hoàn tất và đang chuẩn bị đưa vào vận hành 5 nhà màng tại các vùng sắn trọng điểm.
Với diện tích 40 m2/nhà màng, có thể trồng 1.000 hom (2 mắt), với chu kì cắt khoảng 2 tháng/lần trong điều kiện khí hậu lí tưởng như Tây Ninh có nhiệt độ trung bình cao và nhiều nắng. Với 1 nhà màng, sau 1 năm số cây có thể lên tới 1ha. Ngoài ra, các đơn vị cũng đang có kế hoạch phối hợp thực hiện nhân giống bằng giá thể, từ đó có thể tận dụng triệt để những cây sắn non, mắt sắn đẹp để nhân giống.
Song song đó, trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Hưng Lộc tìm kiếm những bộ giống mới có triển vọng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài 2 giống sắn HN3, HN5, đã có khoảng 8 giống sắn khác có triển vọng tương tự đang được đánh giá, đây là tín hiệu mừng cho người trồng sắn. Dự kiến khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong vòng 5 năm tới, tỉnh sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống cho đại phương.
Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, để có được một giống chuẩn được công nhận đối với lĩnh vực nông nghiệp là một vấn đề rất khó khăn bởi 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất phải mất một thời gian khá dài, từ khi chọn tạo, tìm ra được giống sau đó qua khâu thí nghiệm rồi đến các giai đoạn thực nghiệm với các mốc thời gian khác nhau để đánh giá được tính ổn định của giống.
hứ hai, khi giống mang tính ổn định, phải tiếp tục chọn những giống có tính ưu việt trước rồi xây dựng được một quy trình canh tác chuẩn, trong khi thời gian sinh trưởng của một cây giống phải mất gần 1 năm. Muốn đảm bảo quy trình ổn định, bền vững, cần phải theo dõi thêm 2 vụ nữa mới đánh giá loại bỏ được những hạn chế của giống trước khi đưa ra sản xuất đại trà…
“Chúng ta không thể nóng vội, phải khảo sát kỹ xem ngoài bệnh khảm lá, giống sắn mới đưa vào sản xuất diện rộng có bị nhiễm bệnh gì khác như bệnh chổi rồng, thối củ, xì mủ ở thân... để khi cung ứng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bà con. Trong thời gian chờ đợi giống HN3, HN5, hiện tại người dân Tây Ninh đang canh tác những giống sắn như KM 49, KM 05, KM 94, KM 140…
Nhờ có hệ thống kênh thủy lợi đảm bảo nước tưới quanh năm, người dân Tây Ninh có bề dày kỹ thuật canh tác nên năng suất trung bình sắn vẫn đạt trên 35 tấn/ha, cho thấy hiệu quả kinh tế vẫn đạt so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Những cây dừa 20 - 40 năm tuổi sau khi được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, đã ra rễ nhiều hơn và năng suất trái tăng gấp đôi.
Anh là nông dân trẻ, rất yêu vườn tược và siêng năng, cần cù. Trong sản xuất, anh luôn tìm giống mới để đa dạng hóa cây trồng, không phụ thuộc vào một nguồn thu
Nhờ thụ tinh nhân tạo, chất lượng con giống xuất ra đồng đều, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, mở ra cơ hội phát triển hàng hóa giống gà đặc sản của Hưng Yên.