Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Kỹ thuật ương tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn

Kỹ thuật ương tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn
Tác giả: Minh Nhật
Ngày đăng: 12/08/2021

Ương tôm siêu thâm canh giúp tôm tăng trưởng nhanh trong điều kiện ương có tính an toàn sinh học cao. Đồng thời, tôm giống có kích thước lớn khi thả, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm.

Chuẩn bị ao ương

Ương tôm 3 giai đoạn là quy trình phù hợp sự phát triển của tôm giai đoạn nhỏ. Hệ thống ao ương được bố trí hoàn toàn trong nhà kín, và các bể ương theo các giai đoạn được thiết kế gần nhau, thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Địa điểm xây dựng hệ thống ương gần nơi nuôi tôm tập trung hoặc nằm trong hệ thống nuôi thương phẩm.

Nước biển đưa vào ương đã được khử trùng qua túi lọc bông, rồi bổ sung EDTA 10 ppm và sục khí trong thời gian ít nhất 24 giờ, bổ sung EP600 để chống sốc trước khi thả ấu trùng Naplius vào ương.

Kỹ thuật ương

Giai đoạn 1: Ương tôm từ giai đoạn nauplius đến PL7. Ở giai đoạn này sử dụng các bể có đáy hình chữ U hoặc chữ V.

Mật độ ương: 300 - 350 Nauplius, ương trong 12 - 14 ngày. Khi tôm đạt PL7, kích cỡ 1,5 - 2 mg/con thì tiến hành thu hoạch, chuyển sang ương giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Ương tôm từ cỡ PL7 với mật độ ương 80 PL/lít, trong các bể ương có đáy bằng, thời gian ương 7 - 8 ngày, đến khi tôm đạt cỡ PL14, có kích cỡ 3 - 5 mg/con, chuyển sang ương giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Ương trong các ao lót bạt, với mật độ 16 PL14/lít. Ương đến khi đạt yêu cầu để phục vụ nuôi thương phẩm. Thường thu hoạch khi tôm đạt kích cỡ 200 mg/con, thời gian ương khoảng 15 - 17 ngày.

Thức ăn và cách cho ăn

Ở đầu giai đoạn Nauplius, ấu trùng dinh dưỡng bằng noãn hoàng, không cho ăn. Khi trên 50% ấu trùng chuyển Nauplius 5, thì bổ sung tảo tươi làm thức ăn với lượng khoảng 100 lít/1.000.000 ấu trùng.

Giai đoạn Zoea, tỷ lệ thành phần thức ăn của mỗi công ty áp dụng khác nhau, nhưng tảo tươi luôn là thành phần thức ăn chính, chiếm 60 - 80%, tảo khô chiếm 10% và thức ăn tổng hợp chiếm 10 - 30%. Cuối giai đoạn Zoea 3 có thể bổ sung thêm ấu trùng Artemia.

Giai đoạn Mysis, giảm lượng tảo tươi xuống còn 100 lít/1.000.000 ấu trùng/ngày, đồng thời cho ăn 8 cữ/ngày, 4 cữ sử dụng thức ăn tổng hợp và 4 cữ sử dụng Artemia.

Sang giai đoạn Postlarvae, dừng cung cấp tảo tươi, thức ăn thích hợp cho ấu trùng tôm giai đoạn này là Artemia và thức ăn tổng hợp. Nên sử dụng Artemia sau khi ấp nở (Nauplius Artemia) và bỏ vỏ để đảm bảo vệ sinh trong môi trường ương. Cho ăn 8 cữ/ngày, 4 cữ sử dụng thức ăn công nghiệp và 4 cữ sử dụng Artemia, đan xen nhau.

Chọn thức ăn tổng hợp đảm bảo chất lượng, ít bụi, hạn chế tan rã vào môi trường nước. Thức ăn sử dụng để ương tôm có hàm lượng protein tối thiểu chiếm 45% và có khả năng hấp thu trong 2 giờ. Khi ương, không nhất thiết phải tuân thủ một bảng cho ăn cố định. Nên điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát khả năng bắt mồi, chất lượng nước và sự tăng trưởng của tôm

Chăm sóc, quản lý

Để duy trì điều kiện chất lượng nước tối ưu, đảm bảo sức khỏe cho tôm ương, nên định kỳ bổ sung men vi sinh. Tùy thuộc chất lượng nguồn nước và sức khỏe tôm nuôi mà có chế độ xử lý bằng vi sinh cho phù hợp. Với nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, xử lý định kỳ 3 ngày/lần, bằng vi sinh có bản chất probiotics nồng độ 3 ppm. Trong trường hợp kiểm soát khí độc, định kỳ 2 ngày/lần, với nồng độ 2 - 5 ppm. Để phòng bệnh cho tôm ương định kỳ xử lý 3 ngày/lần với nồng độ 2 ppm.

Trong giai đoạn ương từ Nauplius đến giai đoạn Mysis 3 thì ít thay nước hoặc không thay nước, đồng thời tăng sục khí để hạn chế Mysis chìm đáy. Cuối giai đoạn Mysis 3 tiến hành xi phông đáy và thay 10 - 20% lượng nước.

Khi tôm ở giai đoạn PL, định kỳ bổ sung chế phẩm xử lý nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất kết hợp thay nước 2 ngày/lần, mỗi lần 30 - 50% lượng nước trong bể ương.


Có thể bạn quan tâm

Tầm quan trọng của bổ sung enzyme cho tôm cá Tầm quan trọng của bổ sung enzyme cho tôm cá

Bài viết cung cấp cách nhìn về tầm quan trọng của bổ sung emzyme cho tôm cá và những giai đoạn nuôi thủy sản cần thiết bổ sung enzyme.

10/08/2021
Lưới lọc sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng Lưới lọc sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Một nghiên cứu mới đây vừa cho thấy vai trò của lưới lọc sinh học trong việc tăng năng suất và cải thiện môi trường nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

11/08/2021
Kết hợp chitosan và zeolite khi nuôi cá Kết hợp chitosan và zeolite khi nuôi cá

Nghiên cứu này cung cấp một thông tin bổ ích cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam khi muốn áp dụng các hỗn hợp có thành phần chitosan.

11/08/2021