Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng
Diện tích trồng cây đinh lăng ngày càng tăng mạnh bởi ngoài công dụng làm rau gia vị, cây cảnh thì các bộ phận khác của cây còn dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Vì vậy cây đinh lăng hiện nay được coi là cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Để cây sinh trưởng phát triển tốt cần lưu ý một số biện pháp sau:
1. Giống
Nên chọn giống Đinh lăng nếp có lá nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, củ to, rễ mềm, vỏ bì dày và phát triển mạnh sẽ cho chất lượng, năng suất cao và dễ tiêu thụ. Không nên trồng loại Đinh lăng tẻ có bản lá to, vỏ sần, mỏng, rễ ra ít, rễ cứng và khó tiêu thụ.
+ Chuẩn bị cành giâm: Để cây phát triển tốt, đạt tỷ lệ cây sống cao nên giâm cành vào bầu. Chọn cành bánh tẻ, dùng dao hoặc kéo sắc cắt vát 45 độ thành từng đoạn với chiều dài cành giâm khoảng 15-20cm hoặc 40-50cm; đường kính 1 -1,5cm tùy thuộc vào lượng cành giống và mục đích sử dụng.
Lưu ý: Tránh làm dập 2 đầu của cành để khi giâm vào bầu bộ rễ phát triển tốt hơn. Khi tỉa hom cần để lại khoảng từ 3 đến 4 lá, mỗi lá cần tỉa nhỏ lại, chỉ nên để khoảng 1/3 phiến lá. Phần phía dưới cần tỉa sạch lá để khi cắm vào bầu không bị chôn vùi trong đất sẽ gây thối lá. Sau khi cắt xong nên nhúng 1 đầu cành vào dung dịch kích thích ra rễ rồi mới cắm vào bầu.
+ Kỹ thuật làm bầu: Đất làm bầu cần chọn đất tơi xốp như đất ải, đất vườn đập nhỏ. Vỏ bầu bằng túi nilon có chọc thủng góc, cạnh. Tuỳ thuộc thời gian cây con ở trong bầu và kích thước cành giâm để chọn kích cỡ bầu khác nhau, thông thường có 2 kích cỡ bầu khoảng 9x10cm hoặc 16x18cm. Cho đất vào khoảng 3/4 túi bầu rồi tra giống vào sau đó xếp bầu vào luống rộng khoảng 0,8 đến 1m để tiện chăm sóc.
+ Chăm sóc bầu: Nên dùng lưới đen để che nắng và nilon trắng che mưa cho bầu. Thường xuyên tưới đủ ẩm bằng bình dạng phun sương để cây nhanh ra rễ và nảy chồi.
Sau giâm 45 – 50 ngày, các lá già đã rụng hết, cây giống nảy chồi mới có thể đem trồng.
2. Thời vụ
Cây Đinh lăng là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều điều kiệu khí hậu khác nhau, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất trồng vào mùa xuân, từ tháng 2-4 dương lịch.
3. Kỹ thuật trồng cây
+ Chuẩn bị đất trồng:
Đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng chịu hạn, chịu bóng nhưng không chịu úng ngập. Cây có thể trồng được ở nhiều chân đất nhưng tốt nhất là trên đất pha cát, tơi xốp, thoát nước tốt. Việc chuẩn bị đất cần tiến hành trước thời điểm xuống giống khoảng 15-30 ngày để đất ổn định, hệ vi sinh phát triển cân bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho cây con phát triển.
Sau khi cày bừa cho đất tơi tiến hành trồng theo băng rộng khoảng 2,5 – 3,5 m, mỗi băng trồng 4 - 6 hàng đơn, hàng cách hàng 50cm, luống cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 20 – 25 cm. Trồng một hàng đơn ở giữa luống sao cho cây x cây 45 -50 cm, đảm bảo mật độ khoảng xung quanh 1000 cây/sào (360 m2).
Xung quanh luống nên đào rãnh sâu để để chủ động cho việc tiêu thoát nước tránh được ngập úng khiến cây bị chết hoặc sinh trưởng chậm.
Cây đinh lăng là cây chịu bóng nên để cây sinh trưởng tốt, mùa đông ít bị ảnh hưởng của sương muối, giá rét có thể trồng xen với các loại cây ăn quả, cây bóng mát có tán rộng; hoặc che lưới đen cao để thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc.
Ngoài ra có thể lên luống trồng thành từng hố lớn với đường kính 1m sâu 40cm, có lót nilon, trồng 3 cây 1 hố theo hình tam giác cân, cây cách cây 30-40cm. Có thể bố trí các hố theo hình dáng tùy thích để kết hợp vừa thu dược liệu vừa làm cảnh.
+ Phân bón lót (Lượng phân bón cho 1 sào): 4 – 5 tạ phân chuồng hoai mục + 20 - 30 kg lân supe. Bón lót trước khi trồng. Phân lót cần được bón xung quanh bầu. Tuyệt đối không bỏ phân sát bầu hoặc đặt bầu trực tiếp lên phân.
+ Kỹ thuật trồng cây ra ruộng: Đặt cây vào chính giữa luống đất hoặc chính giữa hố trồng miệng bầu ngang với mặt đất xung quanh, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh, vun cao ở gốc để tránh đọng nước. Sau trồng nên phủ rơm rạ hoặc bèo tây lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp hoặc che phủ nilon mặt luống để hạn chế cỏ dại.
Khi trồng cần nhẹ nhàng dùng dao cắt lớp nilon bầu, tránh để cây bị đứt rễ. Nên trồng bầu cây chếch 45 độ so với mặt luống nghiêng theo chiều luống sẽ giúp tăng số lượng củ.
4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
+ Bón phân: Sau trồng 5 – 7 ngày nên hòa loãng lân supe với nước để tưới kích thích bộ rễ phát triển.
Bón thúc lần 1: khi cây ra lá mới, chồi ngọn phát triển, với lượng 8 – 10 kg đạm ure/sào.
Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 5 – 6 tháng với lượng 20 – 30 kg lân supe + 8 – 10 kg đạm ure + 4 – 6 kg Kaly. Bón phân cách gốc 15 – 20 cm, sau đó lấy đất phủ kín phân.
Từ năm thứ 2 nên bón bổ sung 3 - 4 tạ phân chuồng và 10-15 kg phân NPK/ lần/ sào.
Ngoài ra có thể sử dụng phân NPK của Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, … theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
+ Tưới nước: Sau trồng thường xuyên tưới đủ ẩm để cây nhanh bám đất. Khi bộ rễ đã phát triển thì tùy theo tình hình mà tưới nước phù hợp. Lưu ý: Không được để ngập úng, nếu gặp mưa lớn phải khẩn trương tháo cạn nước. Khi tưới chỉ nên tưới vừa đủ, không để đọng nước quá lâu, dễ bị nấm bệnh tấn công.
+ Chăm sóc khác: Trồng được 2 năm tuổi trở đi, nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Mỗi gốc chỉ nên để 1 -2 cành to để dinh dưỡng tập trung nuôi củ.
Thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ trong vườn, tránh để cỏ rậm rạp vừa cạnh tranh dinh dưỡng với cây, vừa là nơi cư trú, lan truyền mầm bệnh.
+ Phòng trừ sâu bệnh:
- Giai đoạn đầu: Chú ý phòng trừ sâu xám, rầy, rệp sáp, sâu ăn lá, nấm bệnh… bằng các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn. .
- Từ năm thứ 2 trở đi: Cây dễ bị chuột cắn rễ cần có các biện pháp diệt chuột thường xuyên. Nhìn chung, khi sang năm thứ 2 cây đã khỏe mạnh và rất ít sâu bệnh, công tác chăm sóc chỉ đơn giản là bón phân và tưới nước.
5. Thu hoạch
Thông thường cây Đinh Lăng từ 3 năm tuổi là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch vào tháng 10 -12 hàng năm. Sau khi thu hoạch tiến hành phân loại những thân tốt để làm giống. Các bộ phận khác như rễ, thân, lá có thể bán tươi hoặc chế biến ngay.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng kỹ thuật xử lý hình ảnh để bón phân giúp triển khai đúng liều lượng phân bón theo kích cỡ của cây trồng: các cây nhỏ sẽ nhận được nhiều và các cây lớn
Thực vật thích ứng với việc thu nhận sắt từ rễ theo nhu cầu hiện tại của chúng. Thiếu sắt gây ra các tín hiệu canxi, hoạt hóa protein FIT.
Hơn 750 triệu người không nhận được đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn của họ. Hơn hai phần ba số người sống ở những nơi tiêu thụ nhiều gạo. Chọn tạo giống lúa giàu