Kỹ thuật trồng thâm canh cho cây táo
Thời vụ: Đồng bằng Bắc Bộ trồng tháng 2 - 4 hoặc tháng 9 - 11. Miền Trung và miền núi phía Bắc trồng cuối mùa mưa. Các tỉnh miền Nam có thể trồng quanh năm.
1. Thời vụ: Đồng bằng Bắc Bộ trồng tháng 2 - 4 hoặc tháng 9 - 11. Miền Trung và miền núi phía Bắc trồng cuối mùa mưa. Các tỉnh miền Nam có thể trồng quanh năm.
2. Giống trồng: Tùy mục đích sử dụng để chọn giống táo trồng cho phù hợp. Chế biến thì trồng các giống táo chua địa phương. Để ăn tươi có thể trồng các giống táo ngọt như: Táo Đào tiên, Đào vàng, Đào muộn, Táo số 5, Táo Thái Lan...
Lưu ý, các loại táo Trung Quốc quả rất to đang bán phổ biến ở các chợ nông thôn, không thể trồng được trong điều kiện khí hậu nước ta, vì giống táo này chỉ phân hóa mầm hoa ở nhiệt độ 5 độ C.
3. Đất trồng: Táo là cây trồng khá dễ tính, nên có thể trồng trên mọi loại đất, nhưng phải rãi nắng. Tốt nhất nên trồng táo trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, giàu mùn.
4. Kỹ thuật trồng
Kích thước hố trồng: 40 x 40 x 40cm. Khoảng cách hố 4 x 5m.
Phân lót/1 hố: 1-2kg lân supe + 20-30kg phân hữu cơ mục hoặc 6-8kg phân hữu cơ vi sinh. Trộn đều phân với lớp đất đào mặt hố, rồi đổ xuống hố làm lớp lót dưới, sau lấp đất kín phân cách miệng hố 2-3cm.
Khơi đất giữa hố, trồng chìm gốc cây cách mắt ghép 10-12cm, lấp kín đất, nén chặt, tưới đẫm nước, phủ rơm rạ hoặc cỏ khô giữ ẩm gốc. Có thể pha loãng Ridomil 72MZ tưới cây ngay sau trồng phòng nấm gây thối rễ.
5. Chăm sóc: Sau trồng tưới đẫm nước hàng ngày. Từ khi cây nhú lộc tưới giữ ẩm 7-10 ngày 1 lần, kết hợp tỉa bỏ các mầm dại phát sinh ngoài mắt ghép.
Phân bón/1 gốc: đạm urê 0,7-1kg, kali clorua 0,5kg, lân supe 1,5-2kg, chia lượng phân bón cho 3 lần:
Lần 1 (sau trồng cây 1 tháng hoặc ngay sau khi đốn táo): bón 40% lượng đạm + 50% lượng lân + 20-30kg phân hữu cơ mục.
Lần 2 (trước khi cây ra hoa rộ): Bón 30% lượng đạm + 50% lượng kali + 30% lượng lân.
Lần 3 (khi cây đậu quả xong): Bón nốt số phân còn lại.
Có thể bón phân qua lá để kích lộc, kéo cành và dưỡng quả như: Bón lá siêu kali; Atonik; Seaweed rong biển Cannada…
Cây táo có nhu cầu khá cao về nước, nên phải tưới đủ nước cho cây trong suốt thời kỳ mang quả, giúp khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống.
Trong quá trình phát triển của cây, cần cắt bỏ sớm các cành tăm, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh và các cành giao tán, để cây tập trung dinh dưỡng cho nuôi quả.
6. Thuốc phòng trừ sâu bệnh hại chính:
Ruồi vàng: Thu nhặt tiêu hủy các quả thối, rụng bị ruồi hại. Định kỳ 7 ngày 1 lần (từ sau đậu quả 20 ngày tới kết thúc thu hoạch) phun hỗn hợp bả protein Ento-Pro 150DD và Sofri protein 10DD. Mỗi cây phun 1 điểm. Mỗi điểm phun 1m2 dưới tán lá cách mặt đất 1,5-2m. Cách 1 hàng táo phun 1 hàng. Cách 4-5m/phun 1 điểm. Lượng phun 50ml thuốc/1 điểm. Phun buổi sáng các ngày không mưa. Không phun thuốc trực tiếp lên quả. Hoặc dùng thuốc dẫn dụ “Vizubon-D”: đổ hết chai thuốc diệt ruồi vào chai chất dẫn dụ, rồi lắc đều, lấy miếng vải tẩm 1-2ml hỗn hợp thuốc trên, treo lên cây nơi râm mát cách mặt đất từ 1,5-2m, treo 2-3 bẫy/1.000m2, 7-10 ngày tẩm lại thuốc một lần.
Bệnh sương mai: Boocđô 1% hoặc Ridomill 75WP (0,15-0,2%); Zineb 80WP (0,25%) phun thuốc vào chiều mát.
Bọ xít xanh, rệp dính, sâu gặm quả (thời kỳ cây sinh trưởng mạnh): Sherpa 0,1-0,15%.
Nhện đỏ: Comite 73EC; Otus 5SC; Danitol 10EC... chỉ phun thuốc khi mật độ nhện cao, không phun định kỳ, không để thuốc hóa học rơi rớt vào bẫy bả sinh học.
Bệnh thối quả: gây rụng quả hàng loạt khi quả sắp chín, hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu, nên thu quả sớm khi bệnh chớm xuất hiện.
7. Thu hoạch: Khi quả táo chín đẫy, vỏ quả chuyển từ màu xanh thẫm sang màu xanh nhạt và sáng bóng hoặc màu hơi hanh vàng.
8. Đốn táo: Ở các tỉnh miền Bắc đốn táo vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 (sau thu hoạch quả). Miền nam đốn táo 2 lần cuôi tháng 2-3 và tháng 9-10. Cách đốn:
Đốn đau (với cây dưới 3 năm tuổi): cắt toàn bộ các cành trên cây chỉ để lại thân gốc và 3 cành cấp 1 (dài 30-40cm) ở thế chân kiềng để tạo tán.
Đốn lửng (với cây trên 3 năm tuổi): cắt tỉa để lại 40-50cm đoạn cành cấp 2;3 hoặc cấp 4 (từ gốc cành).
Đốn tỉa: Chỉ cắt bỏ 50% lượng cành cấp 1, còn lại chỉ dóc các cành cấp 2 (cành cấp 1 còn lại sau khi dóc dài khoảng 1,5-2,0m), cách đốn này sẽ thúc đẩy cây táo ra hoa, đậu quả nhiều đợt trong năm, giúp rải vụ thu hoạch và tăng sản lượng quả.
Chú ý, với một số giống tảo quả to như Táo Thái lan, Táo số 5… cần làm giàn đỡ cho cành quả tránh gãy cành.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xà lách cho năng suất bội thu và chất lượng tốt đảm bảo sức khỏe người sử dụng.
Trên cây rau họ thập tự thường xuất hiện một số sâu bệnh hại: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, bệnh thối hạch…
Trồng bắp cải không dễ như trồng một số loại rau khác, song nếu nắm được đúng cách thì bạn hoàn toàn có thể có tự trồng bắp cải tốt um cho khu vườn đông nhà