Kỹ thuật trồng cây đước
Cây Đước (Đước đôi) có tên khoa học là (Rhizophora apiculata B.L). Ở Việt Nam Đước phân bố tự nhiên trên diện rộng từ Quảng Trị đến đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng phát triển mạnh nhất ở bán đảo Cà Mau. Trong năm không có tháng lạnh (nhiệt độ không khí < 20ºC), nhiệt độ của nước biển quanh năm luôn ≥ 25ºC. Lượng mưa khá cao từ 2.500 - 2.800 mm/năm.
Là loài cây gỗ ngập mặn thường xanh, cây có thể cao tới 30 m, đường kính đến 0,7 m. Thân tròn thẳng, với từng đôi, ba cặp mấu cành nằm cách đều nhau khoảng 0,5 - 0,7 m, tán lá xanh đậm, rễ chân nơm cao tới 3 m, vỏ cây mầu xám nâu đến nâu đen với nhiều vết nứt dài. Tại rừng Sát - Cà Mau, mùa ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1, quả chín vào tháng 7 đến tháng 9 ở ven biển Đông và thay đổi ngược lại ở ven biển phía Tây (vịnh Thái Lan).
Gỗ cây mầu trắng hồng, cứng, nặng có công dụng làm củi, đốt than, làm vật liệu xây dựng, vỏ cây chứa nhiều tanin.
Rừng Đước 20 tuổi tại Cà Mau
1. Kỹ thuật tạo cây con
a. Vườn ươm
- Vườn ươm phải gần nơi trồng rừng và thuận lợi cho việc vận chuyển cây con.
- Vườn ươm bố trí và lựa chọn cẩn thận ở nơi ngập triều trung bình trong năm, có bờ ao xung quanh để bảo vệ.
- Vườn phải đặt xa nơi nguồn bệnh và tách rời xa khu canh tác nông nghiệp, nơi chăn thả gia súc, tránh nơi thuỷ triều rút quá nhanh, nơi hay bị phù sa bồi lắng.
b. Giống
* Kỹ thuật thu hái
- Quả Đước được thu gom từ những rừng Đước sinh trưởng tốt có tuổi từ 10 - 30 tuổi, cây có đường kính 8 - 20cm và chiều cao trên 12m, cây sinh trưởng khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh.
- Quả Đước bao gồm cả trụ mầm bắt đầu chín từ tháng 7 - 12, nhưng thời gian thu vớt quả Đước tốt nhất từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch (thời gian sau quả đước bị sâu nhiều).
Thu lượm quả chín trên mặt nước, khi thuỷ triều đưa ra biển rồi dạt vào những bờ biển thoai thoải hoặc thu hái trực tiếp từ cây mẹ bằng cách rung cho quả rụng xuống.
Một số thông số cơ bản:
- Quả phải còn nguyên vẹn, không có rễ ở trụ mầm, không bị sâu hại.
- Quả dài 20 - 25 cm.
- 1 kg chứa khoảng 40 quả.
* Phân loại, bảo quản
- Quả sau khi thu hái về phải tiến hành phân loại. Loại bỏ những quả còn non, những quả bị sâu bệnh, bị cua, còng cắn ngang thân.
- Quả giảm tỷ lệ nảy mầm rất nhanh khi ở điều kiện bình thường, do đó sau khi thu hái về phải cấy vào bầu ngay, khi không cấy kịp thời cần bảo quản bằng cách:
- Để quả giống ở nơi có dòng nước chảy, dưới bóng râm.
- Nếu để ở nơi khô ráo, thì phải rải đều thành một lớp mỏng, dày không quá 20 cm, mỗi ngày phải tưới nước 2 lần cho trái Đước giống, một lần vào sáng sớm, một lần vào buổi chiều.
- Thời gian bảo quản không quá 15 ngày.
c. Tạo bầu
* Vỏ bầu
- Loại vỏ bầu PE mầu trắng đục hay đen. Bảo đảm độ bền cao để khi đóng bầu, chịu được ngâm trong nước biển hoặc quá trình chăm sóc vận chuyển cây con đi trồng rừng không bị hư hỏng.
- Sử dụng túi bầu có đáy, kích thứơc D = 15cm, H = 20cm, đục các lỗ nhỏ có D = 0,5cm xung quanh để thoát nước.
* Thành phần hỗn hợp ruột bầu
- Sử dụng 95% loại đất cát pha ngập thuỷ triều hàng ngày để đóng bầu (đất được lấy ở tầng mặt có độ sâu từ 0 - 20cm, pH = 6,5 - 7,0; tổng muối tan 1 - 2%.
- Sử dụng supe lân Lâm thao 3% tính theo trọng lượng bầu.
- Sử dụng 1 - 2% phân chuồng hoai tính theo trọng lượng bầu.
* Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu
- Trang mặt luống cho phẳng, nhặt sạch cỏ. Kích thước luống đặt bầu (1,0m x1,0m) hai luống cách nhau 50 cm, có rãnh thoát nước khi thủy triều rút.
- Xếp bầu theo hàng, cứ hai hàng để cách một hàng, lấp đất xung quanh luống để giữ bầu.
- Từ tháng thứ hai cứ 2 tháng đảo bầu một lần, bằng cách dịch chuyển bầu để tránh rễ cắm sâu vào đất. Tiến hành đảo bầu kết hợp với phân loại cây vào thời gian thuỷ triều rút.
d. Cấy cây
- Trụ mầm cấy trực tiếp 1/3 chiều dài quả (5 - 7cm) vào bầu đất.
- Mỗi bầu chỉ cấy 1 quả.
- Cấy quả vào ngày râm mát, tránh ngày mưa bão.
e. Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh
- Hàng ngày gỡ bỏ rong, rêu, vật cản bám vào quả.
- Sau khi cấy quả thường bị một số loài giáp xác, thân mềm, chân bụng, cua còng, ốc biển, hà sun,… tấn công. Vì vậy, thường xuyên theo dõi bắt bỏ các loài động vật này đề phòng cắn nát trụ mầm.
2. Trồng rừng
a. Khu vực trồng rừng
- Đất thích hợp cho trồng rừng Đước là đất phù sa ngập mặn, hoặc đất phù sa ngập mặn phèn tiềm tàng, dạng trầm tích giàu bùn, cát phấn và sét. Đất có độ thành thục từ dạng bùn chặt đến sét mềm và sét, thích hợp nhất là dạng đất sét mềm (chân đi lún sâu từ 5 - 30 cm, thích hợp nhất là 15 - 20 cm). Đất ngập triều khi triều cao trung bình và số giờ ngập nước triều 3 - 4 giờ/ngày.
- Độ mặn nước biển thích hợp nơi trồng rừng từ 1 - 2%.
- Trên dạng đất sét rắn chắc, đi không lún mà chỉ ngập nước khi thuỷ triều cao bất thường hay đất nhiều cát, mặt đất có nhiều cỏ chịu mặn trồng rừng cây sinh trưởng và phát triển rất kém.
b. Phương thức trồng rừng
- Trồng thuần loài, bố trí theo hình vuông hay nanh sấu.
- Trồng hỗn loài với Dà quánh, Đưng, Mắm trắng, Vẹt.
c. Mật độ trồng rừng
- Mật độ trồng rừng thuần loài 10.000 cây/ha. Cự ly trồng 1,0m x 1,0m.
- Trên đất thích hợp có thể trồng với mật độ 20.000 cây/ha. Cự ly trồng 0,7m x 0,7 m.
d. Thời vụ và kỹ thuật trồng rừng
- Trồng bằng cây con có bầu vào tháng 7 đến 15 tháng 10 dương lịch, tốt nhất là tháng 7 - 9 dương lịch.
- Kỹ thuật trồng: Trồng cây khi thuỷ triều rút. Dùng dây nilon thắt nút chia thành các đoạn 1m, kéo thẳng hàng để trồng đúng khoảng cách. Biện pháp dễ làm nhất là dùng một đoạn tre bương hoặc luồng dài 3m. Lắp răng dài 10 cm với khoảng cách 1m x 1m (giống như một cào cỏ). Một người cầm cào này kéo theo một đường thẳng trên mặt bùn. Sau đó lại dùng cào kéo theo chiều vuông góc tạo thành những ô vuông thẳng hàng ngang dọc.
- Đối với cây có bầu thì bóc vỏ bầu trước khi trồng. Không làm đứt rễ để tránh xâm nhập mặn, cây dễ bị chết.
e. Chăm sóc bảo vệ rừng
- Trong 4 năm đầu khi rừng đước chưa khép tán, tiến hành chặt bỏ các cây gỗ tạp và thực bì tự nhiên mọc xen lẫn với rừng Đước (nếu có). Từ năm thứ 5 trở đi rừng Đước hoàn toàn khép tán bắt đầu tiến hành tỉa thưa.
- Sau khi trồng rừng từ 2 - 6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá nếu có tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.
- Bắt cua, còng, ốc ăn lá cây. Khi phát hiện sâu non dùng tay bắt giết, hoặc rung cây cho sâu rơi để giết.
Bảo vệ các loài ký sinh, thiên địch như chim ăn sâu, một số loài côn trùng có lợi như bọ ngựa, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngập mặn.
Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium,…
Chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hoá chất trong trường hợp sâu hại xuất hiện lan tràn với mật độ cao, có nguy cơ bùng nổ thành dịch. Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide,…
f. Tỉa thưa và khai thác rừng trồng
Sau khi rừng trồng khép tán 4 - 5 năm, chậm nhất là 1 năm sau phải tiến hành chặt nuôi dưỡng như sau:
- Ở tuổi 5 - 6, cường độ tỉa 35 - 50%.
- Ở tuổi 11 - 12, cường độ tỉa 30 - 35%, số cây còn lại 5.000 - 6.000 cây/ha.
- Ở tuổi 20 - 21, cường độ tỉa 30 - 35%, số cây còn lại 2.500 - 3.000 cây/ha.
- Đến khi khai thác chính ở tuổi 30, với mật độ còn lại khoảng 2.000 cây/ha, trữ lượng trung bình là 300 - 320 m3/ha.
- Việc khai thác rừng phải thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định tại quyết định số 02/1999-QĐ/ BNN/ PTLN, ngày 05 tháng 01 năm 1999.
Có thể bạn quan tâm
Khẩu phần ăn cho gà cần bổ sung đầy đủ khoáng và vitamin vì chúng có vai trò lớn trong việc hình thành cấu trúc cơ thể, từ cấu trúc của xương đến việc tạo thành
Vụ Hè Thu, thời tiết thường có nhiều bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây rau màu (nắng nóng, mưa nhiều).
Rau là nguồn thực phẩm không thể thiếu được trong khẩu phần ăn của mọi người và cũng là loại thực phẩm không thể thay thế được.