Kỹ thuật trồng bưởi Diễn
Bưởi diễn có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng, được đưa về trồng đầu tiên tại xã Phú Diễn - huyện Từ Liêm - TP Hà Nội. Giống có quả tròn, vỏ quả nhẵn, khi chín màu vàng cam; khối lượng trung bình từ 0,8 - 1kg, ăn giòn, ngọt. Với vườn cây từ 7 tuổi trở lên, năng suất đạt từ 25 - 28 tấn/ha trong điều kiện chăm sóc trung bình. Thời gian thu hoạch thường trước Tết Nguyên đán khoảng 15 - 20 ngày. Đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng thích ứng rộng rãi. Những năm gần đây, cây bưởi Diễn được nhiều địa phương coi là cây trồng chính trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển thành những vùng trồng bưởi Diễn với những diện tích lớn và tập trung. Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi diễn bà con cần lưu ý một số biện pháp chính như sau:
1. Thời vụ: Vụ Xuân trồng tháng 2 - 4. Vụ Thu trồng tháng 8 - 10.
2. Chuẩn bị giống: cây giống sản xuất bằng phương pháp ghép phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có ít nhất 2 cành cấp 1 và không nhiều quá 3 cành. Đường kính cành ghép cách điểm ghép đạt từ 0,5 - 0,7 cm; dài từ 50 cm trở lên; có bộ lá xanh tốt, không sâu, bệnh.
3. Chọn đất và làm đất: Đất trồng bưởi tốt nhất có tầng dầy từ 1 m trở lên, kết cấu xốp để giữ mầu và thoát nước tốt, giàu mùn. Trước khi trồng cần phát quang, san mặt bằng; đào hố; bón phân lót và lấp hố...
- Đối với những đồi rừng chuyển sang trồng bưởi Diễn đều phải phát quang, thậm chí phải đánh bỏ toàn bộ rễ cây rừng và san ủi tạo mặt phẳng tương đối để cho việc thiết kế vườn được dễ dàng.
Tuỳ theo từng vùng đất xấu tốt mà bố trí mật độ khác nhau: Khoảng cách trung bình (5m x 6m), mật độ 333 cây/ha. Vùng đồi có thể trồng với khoảng cách (6 - 7m), mật độ 240 - 300 cây/ha.
4. Bón lót/hố:
- Phân chuồng hoai mục: 20 – 30 kg
- Super lân: 0,5 – 0,7 kg
- Vôi bột: 0,3 – 0,5 kg
(Nếu không có phân chuồng thì bón thay bằng 5 – 7 kg phân vi sinh).
5. Cách trồng: Hố phải đào trước khi trồng khoảng 1 tháng với kích thước hố rộng 0,6 - 0,8 m sâu 0,6 - 0,8 m. Trộn đều toàn bộ lượng phân ở trên với lớp đất trên mặt, sau đó cho xuống đáy hố, tiếp theo lấp đất thành ụ cao so với mặt hố 15 – 20 cm. Vét một hố nhỏ đặt bầu rồi lấp đất cho chặt. Sau đó cắm cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh làm lay gốc làm chết cây chết cây.
6. Tưới nước: Sau khi trồng xong cần phải tưới nước ngay. Nếu trời nắng hạn tưới 1 lần /ngày đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tuỳ điều kiện sinh trưởng và thời tiết để tưới.
7. Bón phân thúc: Hàng năm cần bón thúc vào thời điểm:
+ Bón cơ bản (tháng 8 – tháng 11): Phân hữu cơ + lân Super + vôi.
+ Bón đón hoa, cành xuân từ 15/1 – 15/3: Đạm urê + kali.
+ Bón thúc tăng trọng quả vào tháng 5 – tháng7: Đạm urê + kali
Ngoài ra bón cho cây sau khi thu hoạch làm cây chóng phục hồi, lượng bón thúc như sau:
+ Ure: 0,1 – 0,2 kg/cây
+ Super lân: 0,2 – 0,5 kg/cây
+ Kali: 0,1 - 0,3kg/cây.
Các năm sau lượng phân tăng theo tuổi cây, năng suất quả và tuỳ thuộc loại đất.
Cách bón: Bón phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Hoặc có thể đào 3 rãnh theo hình vành khăn xung quanh tán để bón, năm sau bón tiếp phần còn lại.
Bón phân vô cơ: khi đất ẩm chỉ cần rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán cách xa gốc 20 - 30 cm, sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi trời khô hạn cần hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
+ Lần 1 (sau khi thu hoạch): bón theo vành mép tán, đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm.
+ Bón thúc vào lần 2 và 3: trộn đều các loại phân hóa học rải đều trong vòng tán cây, với đảo sâu 4-5cm vùi đất lấp kín, tủ rơm rác giữ ẩm.
Bón phân xong tưới nước đều đặn, vừa phải cho phân tan để cây hấp thụ từ từ. Chú ý không nên tưới quá nhiều nước cho cây vì nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa.
8. Cắt tỉa tạo hình
Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ chưa mang quả: Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng. Để có được dạng hình hợp lý, cần thực hiện theo các bước sau:
- Tạo cành cấp 1: Khi cây con đạt chiều cao 45 - 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ để lại 3 - 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn cành khoẻ, ít cong queo, cách nhau 7 - 10 cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc xấp xỉ 450 - 600 để khung tán đều và thoáng.
- Tạo cành cấp 2: Khi cành cấp 1 dài 25 - 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Thông thường trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng.
- Tạo cành cấp 3: Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt.
- Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ mang quả
Cắt tỉa sau thu hoạch: Được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1(nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày.
Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dầy, dị hình.
Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.
* Biện pháp tăng khả năng đậu quả
+ Trước khi nở hoa: dùng các loại phân bón lá: Atonic, Mastrer - Grow, kích phát tố thiên nông (theo chỉ dẫn trên bao bì) phun 2 lần, lần 1 khi mới xuất hiện nụ, lần 2 cách lần 1 là 15 ngày.
+ Sau khi đậu quả: khi quả non có đường kính 1 - 2 cm, phun Atonic, Mastrer - Grow, kích phát tố thiên nông 2 - 3 lần với nồng chỉ dẫn, các lần phun cách nhau 10 - 15 ngày.
9. Phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh kịp thời.
Sử dụng các biện pháp canh tác (xén tỉa cành lá sâu bệnh…) sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc, không dùng thuốc cấm và chú ý sử dụng thuốc theo nguyên tác 4 đúng và chú ý một số loại sâu bệnh…
- Bọ xít, nhện chích hút, rầy, rệp phun: Sherpa 25 EC, Trebon 2,5 EC, Pegasus 500 EC, Actara 25 WG, Danitol 10 EC…
- Sâu đục thân, ruồi đục quả, dòi hại lá (sâu vẽ bùa), hại hoa phun: Sumicidin 20 EC, Padan 95 SP…
- Bệnh loét sẹo, đốm lá thân và cành lớn, thân quả cần phun: RhidomilMZ, 72WP, Score 250 EC, thuốc gốc đồng…
Ngoài ra có thể dùng Basudin 10 G để trị kiến, mối, bọ cánh cứng: Trộn tỷ lệ 1 thuốc + 10 cát rắc xung quanh gốc và hố.
* Chú ý: Sử dụng thuốc theo nồng độ ghi ở nhãn thuốc.
10. Thu hoạch bảo quản:
Khi quả già, vỏ quả hơi vàng màu đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).
Có thể bạn quan tâm
Bưởi da xanh là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác.
Cây bưởi ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 5,5 - 6,5. Mưa lớn khiến lớp rễ tơ của bưởi, rễ ăn màng trên lớp đất mặt bị hư hại đã ảnh hưởng lớn
Các nơi trong vùng lộc lá đã xanh, hoa đã rụng hết nhưng hầu như không có quả hoặc có nhưng rất ít, báo hiệu lại một năm mất mùa bưởi Diễn.