Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và bao trái cho cây ăn quả
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và bao trái trước thu hoạch được xem là một trong các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất cây ăn trái tại nhiều nước trên thế giới.
Bao trái chống sâu hại trên cây mãng cầu xiêm. Ảnh: NVC.
Tại nước ta các kỹ thuật trên tuy đã được áp dụng nhưng mức độ chưa nhiều và chưa đúng kỹ thuật nhất là tỉa cành, tạo tán nên chưa đem hiệu quả cao như nhà vườn mong muốn. Các cán bộ kỹ thuật trồng trọt khuyến cáo, mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung và cây ăn quả nói riêng.
Tuy nhiên mùa mưa cũng có những điều kiện bất lợi đối với cây trồng như giông bão làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, sâu bệnh tấn công mạnh, gây thiệt hại về năng suất và làm giảm chất lượng quả.
Vừa qua SOFRI đưa ra khuyến cáo hướng dẫn nông dân làm vườn về kỹ thuật tỉa cành tạo tán và bao trái để cho trái đẹp, ngon và vẫn giữ được màu sắc tự nhiên hấp dẫn.
Tỉa cành, tạo tán là việc làm trong thời kỳ xây dựng cơ bản (năm thứ 1 - 3) với mục đích nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ; Khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát, thuận lợi quản lý vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh. Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đỗ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây; Tăng diện tích lá hữu hiệu cho quang hợp của bộ lá.
Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và kết trái. Luôn luôn duy trì có khả năng cho trái ở mức tối hảo, đồng thời khống chế mối tương quan giữa sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh sản, đạt được một chỉ số lá/số trái tối ưu làm cơ sở cho việc tỉa bớt cành lá hoặc tỉa bớt trái.
Đối với cây có múi, sau khi trồng, cây cần được tưới nước đầy đủ để phục hồi sinh trưởng. Khi cây xuất hiện tượt non dầu tiên (chứng tỏ bộ rễ đã phục hồi đồng thời thích nghi với môi trường mới và bắt đầu hấp thu dinh dưỡng để phát triển tượt non) thì tiến hành bấm ngọn.
Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50-60 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển. Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1.
Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-40o. Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50-80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2-3 cành. Cành cấp 2 này cách cành cấp 2 khác khoảng 15 - 20cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30- 350. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2 như cách làm ở cành cấp 1.
Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3. Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.
Tỉa cành, tạo tán cho cây xoài: Bấm ngọn sau 1 năm tuổi ở vị trí cách mặt đất khoảng 0,6-0,8cm. Chỗ cắt ngọn sẽ ra nhiều chồi, chỉ giữa lại 3-4 chồi, theo 3 hướng khác nhau. Đối với một số giống có cành mọc thẳng đứng, dùng đoạn cây buộc vật nặng treo trên cành. Cho cành mọc ngang ra. Tiếp tục tỉa cành cấp 1 khi ra được 3 tầng lá.
Chú ý giữ lại 3-4 chồi mọc ra các hướng tạo cân đối tán cây. Sau mỗi vụ thu hoạch tỉa bỏ các cành sâu, cành già, cành vượt mọc trong tán. Cành nhỏ dùng kéo cắt, cành lớn dùng cưa.
Đối với cây nhỏ tỉa cành, tạo tán cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8-1 m và những cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây. Tuyển chọn lại 3-4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10-20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50-80 cm. Sau khi trồng 12-18 tháng tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thẳng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc,… nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.
Kỹ thuật bao trái
Những năm gần đây, việc bao trái trước thu hoạch bắt đầu được nhiều nhà vườn áp dụng và phát triển mạnh với việc sử dụng các bao vật liệu có sẵn trong nước và nhập khẩu. Một số kết quả nghiên cứu của SOFRI cho thấy việc bao trái có hiệu quả tốt trong việc hạn chế được tổn thương cho vỏ trái, giảm tỷ lệ bệnh, tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế nám nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, trái được an toàn.
Hiện nay trên thị trường có các loại bao trước thu hoạch cho cây ăn trái như: Bao PE (poplyethylene ), bao vải không dệt (polypropylene spunbonded non-woven fabric), bao giấy Đài Loan (lớp giấy màu vàng ở ngoài và lớp giấy đen bên trong), bao vi lỗ BOPP (Biaxially oriented polypropylene film).
Tùy thuộc vào đặc tính giống và loại vật liệu bao trái, thường áp dụng bao trái khi trái vào giai đoạn phát triển ổn định, qua giai đoạn rụng quả sinh lý hoặc tỉa trái, có trường hợp phải áp dụng mở bao giai đoạn trước khi thu hoạch để tăng chất lượng màu sắc vỏ quả.
Đối với bưởi năm roi thì thời điểm để bao trái là 10 đến 16 tuần sau khi đậu trái sẽ có tác dụng tốt trong việc cải thiện màu sắc vỏ trái. Trước thu hoạch khoảng 2 tháng cần tháo bỏ các túi bao trái để quả có màu sắc hấp dẫn hơn.
Trên xoài Cát chu bao trái lúc 35 ngày sau khi đậu quả bằng bao xuyên thấu ánh sáng, có đục lỗ nhỏ (100 µm)(bao vi lỗ) làm tăng độ sáng màu vỏ tạo sự bóng đẹp và không thay đổi phẩm chất của trái khi thu hoạch. Ngoài ra có thể bao giấy Đài Loan ở giai đoạn 42-45 ngày sau khi đậu trái.
Bao trái mít bằng túi PE trong hoặc túi giấy dầu ở thời điểm khi quả đạt đường kính 5-7cm (sau hoa nở 20 ngày, khi trái đã thụ phấn xong, không còn lớp phấn trên quả) giúp hạn chế sâu đục quả, bệnh thối quả, làm cho mẫu mã bên ngoài đẹp hơn và không làm thay đổi chất lượng quả bên trong.
Có thể bạn quan tâm
Giá gạo của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam có mức chênh lệch không nhỏ, trong đó gạo Việt đứng "bét bảng" với mức giá thấp nhất trong vòng 12 năm qua.
Dự báo, thời gian tới để bù đắp sự thiếu hụt các loại hạt nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam.
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm tiếp tục gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.