Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Kỹ Thuật Thâm Canh Lúa Lai TH3-3

Kỹ Thuật Thâm Canh Lúa Lai TH3-3
Ngày đăng: 17/07/2013

TH3-3 là giống lúa lai hai dòng do PGS. TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự tại Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) chọn tạo từ tổ hợp lai T1S96/R3, được công nhận là giống quốc gia và được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới.

Cây có khả năng chịu rét khá, đẻ nhánh khỏe, năng suất bình quân 70-80 tạ/ha/vụ, chất lượng gạo thơm ngon. Để canh tác giống lúa này đạt hiệu quả, bà con nên lưu ý một số vấn đề sau:

Chọn đất

TH3-3 thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau nhưng để đạt năng suất cao, nên chọn chân đất vàn chủ động nước, đất có kết cấu từ đất thịt đến cát pha và thịt nhẹ.

Tuyển chọn giống và xác định thời vụ

TH3-3 thích hợp trà xuân muộn và mùa sớm, nên gieo mạ từ 25/01 - 10/02. Cần chọn đúng giống, xem ngày sản xuất, hạn sử dụng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Xử lý, ngâm, ủ và gieo mạ

Để hạn chế nấm bệnh gây hại, bà con nên ngâm thóc bằng nước vôi trong 2% từ 6-8 giờ, sau đó ngâm trong nước sạch 18-24 giờ. Khi ngâm cứ 6-8 giờ thay nước 1 lần.

Khi hạt giống no nước, đãi sạch để ráo nước và ủ trong thúng, giá hoặc bao tải, đảm bảo nhiệt độ đống ủ 28 - 30 độ C. Khi mầm dài bằng 1/3 hạt thóc, rễ mầm bằng 1/2 hạt thóc thì đem gieo.

Trong vụ xuân nên gieo theo phương pháp dày xúc có che phủ nylon hoặc gieo mạ ném bằng khay. Lên luống mạ có chiều rộng 1-1,5m. Nylon che mạ phải trắng, trong, không rách. Gieo 1kg thóc/8-12m2 hoặc 1-1,2kg/25-30 khay, cấy khi mạ có 2-3 lá thật. Vụ mùa gieo 0,8-1kg/8-12m2, cấy khi mạ đạt 14-18 ngày tuổi.

Luyện mạ trước khi cấy

Ngày thứ nhất mở 2 đầu luống, ban đêm đậy lại; ngày thứ hai buổi sáng mở nửa luống phía Tây, buổi chiều mở nửa luống phía Đông, buổi tối đậy lại; ngày thứ ba mở toàn bộ nylon và đến ngày thứ 4 đem cấy. Trong quá trình đậy nylon, nếu nhiệt độ bên ngoài lớn hơn hoặc bằng 20 độ C thì mở nylon, ban đêm đậy lại.

Cấy đúng mật độ, khoảng cách

Đối với giống TH3-3, cần cấy thưa hơn một số giống lúa khác. Vụ xuân cấy mật độ 38-40 khóm/m2, 2-3 dảnh/khóm. Vụ mùa 35-37 khóm/m2, 1-2 dảnh/khóm. Cấy nông tay (1-2cm).

Chăm sóc lúa

Sử dụng phân bón hợp lý và cân đối:

- Dùng phân đơn (áp dụng cho 1 sào Bắc Bộ = 360m2): Vụ xuân bón 300-400kg phân chuồng + 25kg lân + 7-8kg urê + 6-7kg kali + 15-20kg vôi bột. Vụ mùa 300-400kg phân chuồng + 25kg lân + 6-7kg urê + 7-8kg kali + 15-20kg vôi bột.

- Dùng phân hỗn hợp NPK: Bón 300-400kg phân chuồng + 15-20kg NPK 5:10:3 + 17kg NPK 12:5:10 + 3-4kg kali + 15-20kg vôi bột/sào.

Bón phân đúng thời điểm: - Bón phân đơn trong vụ xuân:

Bón lót 100% phân chuồng + 100% lân + 20% urê + 20% kali + 100% vôi bột (nếu đất chua). Khi lúa bén rễ hồi xanh, bón thúc lần 1: 40% urê + 30% kali. Bón thúc lần 2: 30% urê + 40% kali. Bón nuôi hạt: 10% đạm + 10% kali.

- Bón phân đơn trong vụ mùa:

Bón lót 100% phân chuồng + 100% lân + 20% đạm + 20 kali + 100% vôi bột nếu đất chua. Sau cấy 5-7 ngày bón thúc lần 1: 40% đạm + 30% kali. Bón thúc lần 2: 30% đạm + 40% kali . Bón nuôi hạt: 10% đạm + 10% kali.

- Bón phân hỗn hợp trong vụ xuân:

Bón lót: 300-400kg phân chuồng + 15-20kg NPK 5:10:3; + 15-20kg vôi bột (nếu đất chua). Sau khi cấy 10 -12 ngày, bón thúc lần 1: 9kg NPK 12: 5: 10 + 1kg kali. Khi lúa đứng cái làm đòng bón thúc lần 2:8kg NPK: 12: 5: 10 + 2kg kali.

- Bón phân hỗn hợp trong vụ mùa: Bón lót 300-400kg phân chuồng + 25kg NPK: 5: 10: 3 + 15-20kg vôi bột (nếu đất chua). Bón thúc lần 1: 9kg NPK: 12: 5: 10 + 1kg kali. Bón thúc lần 2: 8kg NPK:12: 5: 10 + 3kg kali.

Điều tiết nước hợp lý

Khi cấy chỉ nên để nước xăm xắp mặt ruộng, sau khi cấy 2-3 ngày tháo nước vào ruộng và giữ nước thường xuyên 2 - 3cm đến khi đứng cái làm đòng. Khi lúa đẻ đạt đủ số nhánh hữu hiệu thì rút cạn nước để ruộng nẻ chân chim 5-7 ngày. Sau đó cho nước vào ruộng ngập 3-5cm đến khi lúa trỗ. Trước khi gặt 5-7 ngày tháo nước phơi ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phòng trừ sâu bệnh kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa - tôm hữu cơ Chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa - tôm hữu cơ

ĐBSCL là vùng trọng điểm SX tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90% diện tích và 80% sản lượng.

01/04/2019
Triển vọng lúa đặc sản Triển vọng lúa đặc sản

Đến thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh cánh đồng lúa đặc sản rộng lớn, vàng bông, trĩu hạt.

01/04/2019
Canh tác lúa ứng phó hạn mặn Canh tác lúa ứng phó hạn mặn

Biện pháp tiết kiệm nước cần được thực hiện trong 3 giai đoạn (trước trỗ, lúa trỗ và sau trỗ). Để theo dõi nước trong ruộng ta có thể sử dụng ống đo nước.

01/04/2019
Lưu ý sâu bệnh hại lúa xuân Lưu ý sâu bệnh hại lúa xuân

Để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả, nông dân cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như sau:

01/04/2019
Chế phẩm sinh học nâng năng suất, chất lượng lúa gạo Chế phẩm sinh học nâng năng suất, chất lượng lúa gạo

Sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên để vừa gia tăng năng suất vừa không tồn dư hàm lượng hóa chất độc hại trong nông sản, bảo vệ sức khỏe

03/04/2019