Kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa cây ăn quả
Trong những năm qua, việc phát triển vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chưa được người dân chú trọng về kỹ thuật đốn tỉa cành, tạo tán cho cây. Do đó, các vườn cây tập trung phát triển chiều cao gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, để vườn cây ăn quả phát triển, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa cây ăn quả như sau:
1. Một số nguyên tắc về tỉa cành tạo hình cây ăn quả
- Điều tiết hình dạng, kích cỡ cây sao cho đạt hiệu suất quang hợp tối ưu, tăng số cành hữu hiệu (cành có khả năng mang quả), giảm cành vô hiệu, cành khô chết, cành sâu bệnh trong tán, dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác khác vào chăm sóc và thu hoạch quả.
- Tạo cho tán cây phát triển tán theo chiều ngang để tăng hiệu suất đơn vị diện tích lá/đơn vị diện tích đất canh tác.
- Cải thiện hiệu suất quang hợp của lá, tận dụng tối ưu nguồn ánh sáng, tăng năng suất/đơn vị diện tích và tăng phẩm chất quả.
- Luôn giữ ổn định số cành có khả năng cho quả ở mức độ tối ưu/ tán lá.
2. Kỹ thuật tạo hình
- Tạo hình hay còn gọi là tạo tán là kỹ thuật rất cần thiết đối với cây ăn quả, tiến hành trong suốt cả chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây nhưng ở giai đoạn đầu cần đặc biệt chú ý vì nó quyết định cấu trúc bộ khung tán của cây về sau. Tạo hình là việc làm cần thiết ngay trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ năm thứ 1 đến năm thứ 3) với mục đích:
+ Nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.
+ Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đỗ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây.
+ Tăng diện tích lá hữu hiệu cho quang hợp của bộ lá. Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và kết quả. Luôn luôn duy trì khả năng cho quả ở mức cao.
- Các bước tiến hành:
+ Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, kỹ thuật tạo hình được chú trọng và chủ yếu áp dụng hai kiểu tạo hình chính là: Kiểu mở tâm (ở giữa thoáng) và kiểu một trục chính. Theo đó, trên một cây thường chỉ để từ 3- 4 cành chính (cành cấp 1) phân bố đều ra các hướng làm khung cho các cành cấp 2 phát triển về sau. Thao tác cắt tỉa phụ thuộc vào tình trạng sinh trưởng cụ thể của từng loại cây, nhưng nói chung nên cắt các cành cong queo, cành nhỏ yếu, cành ở nơi quá dày… để tạo độ thông thoáng trong tán lá.
Chú ý: Việc cắt tỉa được thực hiện vào thời gian trước khi ra lộc.
+ Các bước tiến hành cụ thể như sau:
Sau khi trồng, cây được tưới nước đầy đủ để phục hồi sinh trưởng. Khi cây xuất hiện mầm non đầu tiên (chứng tỏ bộ rễ đã phục hồi và đã thích nghi với môi trường mới, bộ rễ bắt đầu hấp thụ các chất dinh dưỡng) thì tiến hành bấm ngọn để các mầm ngủ và cành bên phát triển (từ vị trí mắt ghép hướng lên trên khoảng 50-60cm).
Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1, dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-400. Sau khi cành cấp 1 phát triển, có độ dài từ 50- 80 cm thì cắt ngọn để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2.
Khi cành cấp 2 phát triển, trên mỗi cành cấp 1 chỉ để từ 2-3 cành cấp 2. Các cành cấp 2 trên 1 cành cấp 1, cách nhau khoảng 15- 20cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30 – 350. Sau đó, tiến hành cắt mầm ngọn cành cấp 2 với phương pháp như bấm ngọn cành cấp 1 để từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3. Các cành cấp 3, cấp 4… không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thuận tiên cho quá trình thu hoạch quả.
3. Kỹ thuật tỉa cành
Tỉa cành có liên quan mật thiết với tạo hình, mục đích của tạo hình và tỉa cành là làm cho các cành chính và cành nhánh phân bố đều, khung cành có kết cấu vững chắc phù hợp với đặc tính vốn có của cây và điều kiện ngoại cảnh cũng như trình độ canh tác của địa phương, làm cơ sở cho việc nâng cao và ổn định năng suất.
Tỉa cành là công việc được tiến hành hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch nhưng để việc tỉa cành có hiệu quả cao cần phải xem xét đến đặc thù của từng loại cây, đến vị trí hình thành chùm hoa, chùm quả mà quyết định tỉa cành tạo tán cho phù hợp như:
- Tạo cho cây có bộ khung, tán khoẻ mạnh.
- Tạo những cành mang quả trẻ, có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh và phân bố giống nhau trên khung (sườn) và cành mẹ (cành chính).
- Thay thế những cành già, loại bỏ cành sâu bệnh, cành chết, cành vô hiệu… không có khả năng cho quả bằng những cành non trẻ trong những năm tiếp theo.
- Loại bỏ những cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.
Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán không đòi hỏi vốn đầu tư và lao động chuyên môn cao. Tuy nhiên, cần có kiến thức căn bản và kinh nghiệm áp dụng qua thời gian cho từng loại cây là rất cần thiết. Việc quản lý, điều tiết bộ khung, tán của cây trồng cần phải được quan tâm, áp dụng như là một trong những biện pháp căn bản hài hòa cùng với các biện pháp bắt buộc khác như: Làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…
Có thể bạn quan tâm
Rét đậm rét hại gây ảnh hưởng bất lợi đối với đàn gia súc, gia cầm, khiến vật nuôi tốn nhiều năng lượng chống rét và làm giảm sức đề kháng của cơ thể
Tỉa cành nhánh đúng kỹ thuật sau mỗi vụ thu hoạch để kích thích cây ra chồi mới. Để khắc phục cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
TS Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, qua những khảo sát về cây cam xoàn sau khi thu hoạch, bộ phận suy yếu đầu tiên là rễ cây.