Kỹ Thuật Phát Hiện Động Đực Bò Cái
Khi phát hiện bò cái động dục, cần chú ý quan sát các triệu chứng hoặc hiện tượng sau:
- Bò hay đi lại, ăn ít, hay kêu rống, có xu thế tìm gặp con khác (tìm đực), có con muốn tách khỏi đàn.
- Bò cái tỏ ra thân thiện theo đuổi nhau, hay tụ lại thành nhóm, húc liếm vờn nhau, tỏ ra thích nhau, nhảy chồm lên lưng nhau.
- Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.
- Nếu là bò vắt sữa thì lượng sữa trong ngày động dục sẽ giảm chút ít so với các ngày liền kề trước đó.
- Phần lông ở mông, lưng có để lại các dấu vết do bò cái bị các con khác nhảy lên hay bị con khác liếm.
- Âm hộ sưng, căng phồng, hơi ướt bóng, các lông xung quanh âm hộ cách xa nhau và dựng đứng lên so với các ngày thường.
- Niêm dịch chảy ra dính xung quanh âm hộ, loãng, trong suốt hay đục keo dính, đứt đoạn; nhiều khi dính xung quanh âm hộ, khấu đuôi, mông, tùy theo pha động dục. Niêm dịch là dấu hiệu thường được dùng để xác định chính xác giai đoạn động dục đang ở pha nào để xác định thời điểm phối giống tốt nhất.
- Chịu nhảy là hiện tượng mà bò cái khi con khác nhảy lên lưng thì đứng lại. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết và để xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Cần nhớ rằng con đứng dưới mới là con động dục, còn con nhảy chồm lên thì có thể là con sắp động dục hoặc đã qua pha động dục.
- Có trường hợp về cuối kỳ động dục, thấy có máu chảy ra. Dấu hiệu này cho biết là bò vừa động dục trước đấy vài ba ngày, cần phải để ý phát hiện động dục bò cái đó sau 15-18 ngày.
Hiện nay, tuy có nhiều dụng cụ để hỗ trợ cho việc phát hiện động dục ở bò cái, nhưng chưa có dụng cụ nào thay thế được việc quan sát bằng mắt hàng ngày của chính người chủ nuôi bò.
Việc phát hiện động dục cần phải tiến hành ít nhất 4 lần trong 1 ngày (sáng sớm – buổi trưa – chiều tối – đêm). Tùy theo số lượng cái trong đàn mà phát hiện hàng ngày hay phát hiện theo chu kỳ động dục. Để phát hiện động dục dễ dàng, không bỏ sót bò cái động dục, không tốn công, nên đeo số cho bò và tổ chức phân đàn bò cái như sau, nhất là khi có nhiều bò cái:
- Đàn bò đã có chửa: Đã được khám thai xác định để nuôi riêng, không phải phát hiện động dục.
- Đàn bò bị bệnh sinh sản: Để điều trị riêng và tránh lây nhiễm sang con khỏe.
- Đàn bò chưa có chửa: Để theo dõi riêng biệt hoặc có thể sử dụng đực thí tình để phát hiện động dục; cần tổ chức phát hiện động dục riêng.
Chú ý cần tạo cơ hội tốt cho bò cái thể hiện các hiện tượng động dục như cho bò ăn uống đủ no, che nắng, che mưa, che rét, tránh vật lạ; cho tiếp xúc với bò cái khác. Bò cái cột buộc phải được thả ra để bò có cơ hội tiếp xúc con khác và thể hiện các hiện tượng động dục tự nhiên, dễ nhận biết.
Khi phát hiện được bò cái động dục, cần phải xem số hiệu, đánh dấu đưa về nơi phối giống; xác định rõ ràng hiện tượng động dục và bò cái đang động dục ở pha nào, đồng thời báo ngay cho người phối giống biết càng sớm càng tốt.
Cách xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất
Trong điều kiện của nông hộ chăn nuôi bò ở Việt Nam, do trình độ phát hiện động dục bò cái còn yếu, chưa có kinh nghiệm và chưa có ý thức đầy đủ về việc phát hiện động dục, nên cán bộ kỹ thuật phải từng bước đào tạo, hướng dẫn chủ bò phát hiện động dục. Mặt khác khi được báo có bò động dục, cần phải khẩn trương đến ngay để tiến hành khám lâm sàng (bò cái chịu nhảy, trạng thái niêm dịch…) để xác định pha mà bò cái đang động dục và xác định thời điểm phối thích hợp nhất.
Trong thực tế, thời điểm phối giống thích hợp nhất là từ nửa sau của pha chịu nhảy cho đến sau pha chịu nhảy 6 tiếng đồng hồ (trước thời điểm rụng trứng 6-12 tiếng).
Việc áp dụng nguyên tắc “sáng - chiều hay chiều - sáng” chỉ sử dụng được khi phát hiện được bò cái động dục ở pha trước động dục hay lúc bò cái chưa chịu nhảy, niêm dịch còn rất trong và loãng. Vì thế phải chú ý phát hiện được bò cái động dục ở ngay pha đầu (pha trước động dục) thì phối giống mới có chửa.
Có thể bạn quan tâm
Việc phát triển, tăng đàn trong chăn nuôi trâu bò nói chung, chăn nuôi bò sữa nói riêng là yếu tố quan trọng góp phần tăng sản lượng cũng đồng nghĩa với tăng sản lượng thịt, sữa vì nếu bò cái thịt không sinh sản thì không có con để nuôi lấy thịt, bò cái sữa không sinh sản sẽ không cho sữa.
Bệnh loét da quăn tai (LDQT) còn gọi là bệnh viêm màng mũi, thối loét của trâu bò. Bệnh gây ra do virus, thể hiện viêm thối loét niêm mạc và da, nhất là niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa và kết mạc mắt.
Ủ chua là kỹ thuật bảo quản thức ăn thô xanh nhờ quá trình lên men yếm khí, những phần cứng của thân cây bị mềm ra và làm cho nó trở nên dễ dàng đồng hóa. Thức ăn ủ chua được sử dụng cho gia súc nhai lại, làm tăng tỷ lệ tiêu hóa của thức ăn.
Rối loạn sinh sản là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn hoặc đình chỉ tạm thời hay lâu dài chức năng sinh sản. Những nhân tố gây nên bao gồm: chế độ nuôi dưỡng không thích hợp, khiếm khuyết di truyền, bệnh lý hoặc những dị thường về đường sinh dục, sự tiết không bình thường của một số hóc môn và thoái hoá giống do quản lý giống không tốt.
Phương pháp phòng ngừa tình trạng nhiễm vi sinh sữa ở bò sữa.