Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ luân canh với trồng lúa

Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ luân canh với trồng lúa
Ngày đăng: 09/05/2015

Yêu cầu địa điểm

Để nuôi tôm lúa hiệu quả thì nơi tiến hành nuôi tôm phải thỏa mãn một số yêu cầu như: Có nguồn nước lợ, mặn. Độ mặn dao động từ 8 - 20‰ với thời gian thích hợp cho một chu kỳ nuôi; pH đất từ 5,5 trở lên; có hệ thống cấp và thoát nước tốt, nguồn nước không bị ô nhiễm.

 

Mùa vụ nuôi

Từ tháng 1 (DL) đến tháng 5, 6 (DL) là thời vụ thả nuôi tôm sú chính, tháng 7 (DL) tiến hành rửa mặn, tháng 8 đến tháng 11 thì trồng lúa và có thể thả cá bổ sung.

Giữa 2 vụ tôm - lúa nên giữ nước ngập chân ruộng, tránh để chân ruộng bị khô và nứt chân chim có thể dẫn đến hiện tượng xì phèn làm cho pH thấp.

Chuẩn bị ruộng

Diện tích của ruộng không nên > 1 ha, diện tích mương chiếm từ 25 - 40% so với mặt ruộng. Mương bao rộng từ 2,5 - 3m, độ sâu từ 0,8 - 1,2m. Bờ mương rộng từ 3 - 4m, chắc chắn, không rò rỉ nước.

Mỗi ruộng nuôi nên có ao lắng để cung cấp nước cho ruộng những lúc cần thiết (có thể sử dụng mương vườn làm ao lắng).

Đối với những vùng đất phèn không nên đào mương quá sâu chạm đến tầng phèn. Ruộng mới đào nên ngâm nước từ 2 - 3 ngày rồi xả ra để rửa ruộng, làm lặp lại từ 2 - 3 lần.

Với ruộng cũ: Vét bùn đối với ruộng đã nuôi nhiều vụ, loại bỏ bớt gốc rạ, cày xới mặt ruộng làm cho đất tơi xốp giúp loại bỏ khí độc và làm tăng dinh dưỡng cho ruộng. Phơi khô mặt ruộng, tránh phơi khô nứt gây xì phèn.

Cải tạo ruộng và gây màu

Dùng vôi bột bón khắp mương và bờ ruộng, sau 2 - 3 ngày thì cấp nước vào ruộng nuôi. Sử dụng vôi CaCO3 để khử phèn và diệt khuẩn với liều lượng 7-10 kg/100m2. Đối với vùng bị nhiễm phèn nặng thì tăng liều lượng từ 10 - 20 kg/100m2.

Sau khi bón vôi từ 2-3 ngày, cấp nước vào ruộng, nước cấp cần được lọc qua lưới lọc để hạn chế cá và địch hại. Dùng 50 kg urê + 30 kg lân/1 ha để gây màu nước (ngâm urê và lân vào nước sạch 24h trước khi sử dụng để gây màu).

Khi các yếu tố về chất lượng nước đạt các thông số như: độ trong từ 30 - 40 cm (nước có màu xanh vỏ đậu); pH từ 7,5 - 8,5… thì có thể tiến hành thả tôm.

Chọn và thả giống

Tôm giống phải khỏe mạnh, cùng kích cỡ, màu sắc tươi sáng, bơi lội linh hoạt, không mắc bệnh hoặc dị hình. Con giống phải được kiểm dịch đảm bảo chất lượng.

Cần ương giống trước khi thả nuôi, mật độ ương dao động từ 20 - 50 PL/m2, sau 10 - 15 ngày thả ra ruộng nuôi với mật độ 1 - 2 con/m2.

Khi ương tôm sử dụng thức ăn với lượng 100 - 200 g/10.000 PL cho tuần đầu tiên kết hợp với bón phân tạo thức ăn tự nhiên. Có thể dùng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp cho ăn với lượng 3 - 5% trọng lượng thân từ tháng thứ 2 trở đi.

Trong quá trình nuôi cần duy trì các yếu tố thủy lý thủy hóa ổn định, nếu màu nước không tốt có thể bón thêm urê và NPK. Theo dõi sự phát triển của tôm cũng như dấu hiệu dịch bệnh để phòng trị kịp thời.

Tags: nuoi tom luan canh, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm