Kỹ thuật nuôi cá linh đơn giản giúp người nông dân làm giàu không khó
Cá linh là loài cá có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay sản lượng đang giảm đi rõ rệt vì khai thác nhiều. Vì vậy, việc nuôi cá linh sẽ rất hiệu quả.
Cá linh được coi là món đặc sản ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Thanh Niên
Cá linh hay còn gọi là linh ngư là chi cá thuộc họ Cá chép. Chúng là các loài cá trắng nên chỉ thích hợp môi trường nước chảy. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá linh là loài cá phổ biến vào mùa nước nổi, chúng bơi khắp các đồng rộng, sông dài, kinh to, rạch nhỏ (nhưng lại rất hiếm đối với các tỉnh vùng hạ lưu.
Hiện nay, sản lượng cá Linh ngày càng giảm sút rõ rệt, cần phải có biện pháp để bảo vệ. Vì vậy, nếu mở mô hình nuôi cá linh có thể cho hiệu quả kinh tế cao vì thị trường đang rất ưa chuộng loài cá này. Trung tâm Giống Thủy sản An Giang đã đưa ra những kỹ thuật nuôi cá linh giúp bà con nông dân phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Chuẩn bị ao:
Diện tích ao nuôi khoảng từ 1000 đến 1.500 m2 trở lên. Độ sâu từ 0.8 m trở lên. Ao cần được tát cạn, bắt hết cá tạp, vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn ..... Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao để tránh địch hại vào ao trong giai đoạn đầu thả cá giống. Sử dụng vôi để bón ao, lượng vôi dùng để rải và bón từ 7-10 kg/ 100m2 ao, sau khi rải vôi, ao được phơi nắng từ 2-3 ngày.
Cấp nước vào ao và tạo thức ăn tự nhiên: Cấp nước vào phải lọc qua túi lưới thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,... Gây thức ăn tự nhiên: sử dụng 3-5 kg bột đậu nành (loại 40% đạm) hoặc phân Urê 2-3 kg cho 1.000 m2 ao. Bổ sung vi sinh cho ao bằng các chế phẩm sinh học như Zeofish,… Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương sao cho: pH nước: 7-8, T0 : 26-300C, Oxy: >= 3 mg/l; NH3 < 0.01 mg/l.
Quản lý và chăm sóc:
Kích cỡ giống thả nuôi: 1.500 con/kg (cá linh giống được ương trong ao khoảng 40 ngày tuổi). Mật độ thả nuôi: 100 con/m2
Thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm dao động từ 28-30% phối hợp cám gạo có hàm lượng đạm từ 13-14%, trong quá trình nuôi phải gây và giữ được màu nước tốt để tạo nguồn tảo phong phú cho cá linh ống.
Thức ăn được chia đều thành 2 phần, buổi sáng cho ăn lúc 8h30-9h00, chiều cho ăn lúc 16h, định kỳ 7-10 ngày bón phân Ure với liều lượng dao động từ 1-2 kg tùy theo màu nước để tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Định kỳ 15 ngày cân mẫu cá một lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Hình thức cho ăn: trộn thức ăn công nghiệp với cám gạo và đặt vào sàn ăn.
Trong quá trình nuôi có bổ xung vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn 2 lần/tuần, giúp cá tăng sức đề kháng. Thời gian sau khi cá lớn (từ 3g trở lên), thời gian này lượng thức ăn cung cấp hằng ngày tăng nên lượng chất thải do cá thải ra là rất nhanh làm bẩn nước nuôi, vì thế chế độ thay nước là rất cần thiết để đảm bảo cho cá không bệnh và thịt cá không bị hôi rong, hôi bùn.
Một số biện pháp phòng và trị bệnh
Chú ý vệ sinh ao hầm tốt thì cá ít bệnh. Biện pháp tốt nhất là cho cá ăn đầy đủ cả về lượng và chất, giữ cho môi trường nuôi sạch không bị nhiễm bẩn cá sẽ khỏe mạnh và tăng trưởng tốt. Để tăng sức đề kháng cho cá cần bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn 2 lần/tuần.
Trộn thêm men tiêu hoá hoặc men vi sinh 1-2 lần/ tuần để giúp cá tiêu hoá tốt thức ăn và phòng một số bệnh trên hệ tiêu hoá. Định kỳ xử lý môi trường nước ao bằng các chế phẩm sinh học như Zeofish, Eco Marine, NB-25,… Cứ 10 – 15 ngày/lần, đảm bảo các yếu tố môi trường nước: pH nước: 7.0-8.5; T0: 26-300C; Oxy: > 2 mg/lít
Để khắc phục hiện tượng thiếu oxy cũng như bổ sung thêm dưỡng khí cho cá, hộ nuôi lắp đặt ống nước để bơm đảo nước, thời gian máy hoạt động từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bơm nước để đảm bảo đủ oxy cho cá. Trong trường hợp cúp điện hay hệ thống bơm nước hư hỏng đột xuất có thể sử dụng zeolite tạo oxy đáy cho ao.
Thu hoạch
Việc thu hoạch cá linh không giống như các đối tượng khác, cá linh nhảy rất nhanh nên không thể nào kéo hết ao trong 1-2 lần đi lưới, thông thường phải hạ thấp nước và kéo từ 3-4 lưới/ao. Khi kéo cá cũng chú ý nhiều đến sức khỏe của cá, cá dễ bị chết khi dồn cá trong lưới với mật độ cao.
Có thể bạn quan tâm
Cá chạch là loài cá hiện đang được thị trường rất ưa chuộng, những mô hình nuôi cũng đang phát triển rất khả quan vì loài dễ nuôi, bán tốt.
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà kính, lót bạt đáy ao, vận hành máy xử lý nước và sục khí oxy...
Nhiều nông dân xã Tân An (TX. Tân Châu - An Giang) đã thực hiện mô hình nuôi lươn trong bồn ủ bằng cây bắp (ngô) khô, thu lợi nhuận cao, cải thiện đời sống