Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè

Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè
Tác giả: Trọng Hoàng
Ngày đăng: 25/07/2020

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, có thể nuôi công nghiệp trong lồng bè hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh (sau 10 - 12 tháng sẽ đạt cỡ thương phẩm 800 g đến 1 kg), có chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao được nhiều ngư dân chọn nuôi.

Ảnh minh họa

1. Chọn vị trí lồng nuôi

Nằm trong vùng quy hoạch, ít chịu ảnh hưởng dòng nước lưu thông, sóng gió, tốc độ dòng chảy vừa phải (0,2 - 0,6 m/s), chất đáy cát bùn, độ sâu 5 - 10 m. Khi nước thủy triều xuống thấp nhất đáy của lồng phải cách đáy của vùng nuôi 1 m. Hàm lượng ôxy hòa tan từ 4 - 6  mg/l, nhiệt độ 25 - 300C, độ mặn 20 - 33‰, tránh xa những nơi có ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt.

2. Thiết kế và xây dựng lồng

Lồng có dạng hình vuông, kích thước lồng: 3x3x3 m hoặc 4x4x3 m, các lồng nuôi được buộc cố định trong bè. Lưới lồng nuôi làm bằng sợi PE không rút, có thể sử dụng loại lưới đen của Nhật hoặc Trung Quốc sản xuất, kích thước mắt lưới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Phía trên các lồng nuôi cần được che lưới nhằm không cho cá nhảy ra ngoài và hạn chế cường độ ánh sáng.

Bè làm bằng khung gỗ, có size 6x12 cm, phao nổi làm bằng phuy nhựa (loại 200 l) để nâng khung gỗ của lồng, số lượng 6 - 8 phuy/ô lồng. Diện tích bè tùy theo số lượng lồng. Thường mỗi bè có kích thước 10x15 m chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 ô lồng. Trên bè nuôi thường có nhà quản lý, giữa các ô lồng có lối đi lại. Bè được cố định bằng neo ở 4 góc.

3. Chọn giống và thả cá

Chọn giống: Chọn cá giống ở những cơ sở có uy tín, kích thước đồng đều, chiều dài thân 8 - 10 cm, trọng lượng từ 20 - 25 g/con, không có dấu hiệu bệnh lý, hoạt động bình thường, bơi lội nhanh nhẹn.

Thả cá: Trước khi thả cá kiểm tra bệnh VNN (Viral nervous necrosis) một loại bệnh hoại tử thần kinh và thuần hóa độ mặn cho phù hợp với vùng đặt lồng nuôi. Thả bao cá xuống nước để cân bằng nhiệt độ, tránh hiện tượng sốc nhiệt, từ từ cho nước biển vào bao để cá thích nghi dần với môi trường mới. Tắm cá bằng nước ngọt hoặc formol nồng độ 20 ppm trong 10 - 15 phút, trong quá trình tắm phải cung cấp sục khí. Mùa vụ thả vào tháng 3 - 4 hàng năm. Nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trong thời gian đầu thả nuôi với mật độ từ 40 - 50 con/m3, sau 1 - 2 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 100 - 150 g, lúc này giảm mật độ xuống còn 20 - 25 con/m3. Trong quá trình nuôi tùy theo mức độ phân đàn của cá để phân cỡ cá, kết hợp san thưa mật độ cho đến khi thu hoạch còn 10 - 15 con/m3.

4. Cho ăn

Thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm 45%, kích thước viên phù hợp với giai đoạn phát triển cá. Cá có trọng lượng <100 g/con, kích thước viên thức ăn phù hợp 1 - 2 mm, khẩu phần ăn 3 - 4% trọng lượng thân. Cá có trọng lượng 100 -250 g/con, kích thước viên thức ăn 3 - 4 mm, khẩu phần ăn là 2 - 3% trọng lượng thân. Cá có trọng lượng >250 g, kích thước viên thức ăn là 5 mm, khẩu phần ăn là 1,5 - 2%. Cho cá ăn ngày 2 lần, buổi sáng 8 giờ và buổi chiều 5 giờ. Thường xuyên theo dõi thời tiết, hoạt động bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Để tăng sức đề kháng và hạn chế bệnh đường ruột cần bổ sung một số loại chế phẩm sinh học bằng cách trộn vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cho ăn theo định kỳ 3 ngày/tuần, mỗi ngày cho cá ăn hai lần.

5. Chăm sóc

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, hàng tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng và bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Có sổ nhật ký theo dõi tốc độ tăng trưởng, phương pháp cho ăn, quản lý dịch bệnh, yếu tố môi trường…

Thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão.

Định kỳ 1 - 2 tháng phân cỡ để giảm sự cạnh tranh thức ăn giữa cá lớn và cá bé ảnh hưởng đến sinh trưởng và nâng cao tỷ lệ sống. Kết hợp phân cỡ với thay lưới lồng nhằm tăng khả năng lưu thông của nước giảm bệnh tật cho cá. Lưới lồng thường bị hàu, vẹm, rong… bám cản trở dòng chảy, gây thiếu ôxy cho cá, làm nặng lồng; do vậy, phải định kỳ vệ sinh loại bỏ sinh vật bám bắng cách xịt rửa lưới bằng vòi cao áp. Tùy theo mức độ bám của sinh vật bám vào lồng và cỡ của cá để có kế hoạch thay lưới lồng, khi thay tránh gây xây xát và sốc cho cá.

6. Phòng trị bệnh

Trong quá trình nuôi cá thường hay bị bệnh ký sinh trùng bám ngoài da, đặc biệt là rận cá, điều này dễ làm cá bị tổn thương bề mặt cơ thể, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.

Bằng mắt thường có thể nhận biết bệnh do vi khuẩn đường ruột với các biểu hiện như bụng cá trương lên và có xuất huyết ở hậu môn, mắt lồi cá chết rải rác. Lúc này cần ngừng cho cá ăn, trộn thuốc vào thức ăn theo hướng dẫn nhà sản xuất cho cá ăn để trị bệnh.

Phòng bệnh tổng hợp: Dụng cụ phải được sát khuẩn trước và sau khi dùng, kiểm tra bệnh VNN, tắm nước ngọt trước khi thả cá. Cho cá ăn đầy đủ về lượng và chất, định kỳ trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng với lượng 2 g/kg thức ăn. Thức ăn không được ẩm mốc.   

Sau thời gian nuôi 10 - 12 tháng cá đạt cỡ thương phẩm 0,7 - 1,2 kg thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 2 ngày ngừng không cho cá ăn. Thông thường, tỷ lệ sống giai đoạn nuôi thương phẩm đạt từ 50 - 80%.


Có thể bạn quan tâm

Làm thế nào Na Uy có thể đánh bại bệnh viêm tuyến tụy ở cá hồi? Làm thế nào Na Uy có thể đánh bại bệnh viêm tuyến tụy ở cá hồi?

Làm thế nào Na Uy có thể đánh bại bệnh viêm tuyến tụy ở cá hồi? Bằng cách phát hiện bệnh nhanh hơn.

20/07/2020
Bí quyết nuôi tôm 3 giai đoạn, cứ 1ha bắt lên 48 tấn, dân trúng lớn Bí quyết nuôi tôm 3 giai đoạn, cứ 1ha bắt lên 48 tấn, dân trúng lớn

Anh Lư Trần Hải Đăng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) phấn khởi với thành công của dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo

21/07/2020
Aquamimicry: Một khái niệm mang tính cách mạng cho nuôi tôm Aquamimicry: Một khái niệm mang tính cách mạng cho nuôi tôm

Công nghệ đã đạt được thành công trên toàn thế giới bằng cách cân bằng sinh vật phù du tự nhiên

21/07/2020
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.