Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Kỹ thuật nuôi cá bớp trong lồng HPDE

Kỹ thuật nuôi cá bớp trong lồng HPDE
Tác giả: Diệu Châu
Ngày đăng: 14/09/2021

Ngoài ưu điểm tăng trọng nhanh, cá bớp còn có tính thích nghi cao, kháng bệnh tốt nên được nuôi khá phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển nước ta. Trong đó, nổi bật là hình thức nuôi bằng lồng HPDE cho hiệu quả cao.

Vị trí

Lồng nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo, tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.

Địa điểm đặt lồng cần có chất lượng nước tốt. Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/s, hàm lượng ôxy từ 4 – 6 mg/lít, nhiệt độ 25 – 30 độ C, pH từ 7,5 – 8,5, độ mặn từ 20 – 34‰, độ trong của nước từ 0,5 – 4 m.

Độ sâu từ đáy lồng nổi cách mặt đáy biển ít nhất 5 – 10 m khi thủy triều xuống thấp nhất.

Cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng dễ dẫn đến tình trạng cá thiếu ôxy yếu dần và chết.

Tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.

Chuẩn bị lồng

Lồng có nhiều dạng (tròn hoặc vuông), có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE thuần chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10 m, sâu lưới 5 – 6 m, thể tích 500 m3; lồng tròn đường kính 12 m, sâu lưới 6 – 7 m, thể tích 800 m3; lồng tròn, đường kính 16 m, sâu lưới 7 – 8 m, thể tích 1.500 m3; lồng vuông kích thước 5×5 m, sâu lưới 5 m, thể tích 125 m3… Người nuôi cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để lựa chọn loại lồng có kích thước phù hợp. Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị ôxy hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây giềng. Dây neo là loại dây Polypropylene (PP) bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo chống lại tác hại của dầu mỡ chống bào mòn. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo tăng trưởng của cá.

Chọn giống

Cá giống có màu nâu sáng, 2 dải trắng bạc dọc theo chiều dài thân phải rõ nét (cá trắng bệch hoặc đen sẫm toàn thân, 2 dải trắng bạc mờ đi không còn trông thấy thì cá đã yếu hoặc mắc bệnh). Cá giống thả nuôi cần có cỡ đồng đều, cá giống thả trong cùng một lồng hơn kém nhau không quá 3 cm chiều dài. Cá khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không dị hình, dị tật, không bị xây xát. Kích cỡ 10 – 12 cm đối với giống nhỏ, cá giống lớn  ≥ 18 cm.

Cỡ giống cần lớn hơn kích thước khe lồng và lớn hơn kích thước mắt lưới, đảm bảo cá không lọt ra ngoài.

Vận chuyển và thả cá

Vận chuyển cá bằng túi khí có bơm nước và ôxy, với nhiệt độ trung bình là 20 – 22 độ C

Cân bằng nhiệt độ túi khí và nước biển bằng cách ngâm túi cá giống dưới nước biển trong khoảng 10 – 15 phút trước khi thả cá vào khu vực lồng nuôi. Sau đó mở miệng túi cho nước tràn vào từ từ, nghiêng túi cho cá bơi dần ra ngoài.

Trước khi thả cá cần tắm cá qua 5 – 10 phút kết hợp với sục khí để loại mầm bệnh ký sinh trên cá, hoặc tắm thuốc tím nồng độ 5 ppm trong thời gian 15 – 20 phút. Nên thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất.

Thức ăn

Cá tạp: Cá phải tươi, lựa bỏ tạp chất, loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá nuôi. Thời kỳ đầu cá tạp được băm thành cỡ 1 – 3 cm tùy theo cỡ cá nuôi, khi cá trên 2 kg/con trở lên có thể cho ăn cá tạp cỡ 10 – 15 cm (để nguyên con).

Thức ăn tự chế: Có hàm lượng protein 42%. Dùng máy đùn viên dạng sợi ẩm, đường kính sợi khác nhau tùy theo kích cỡ cá nuôi. Cho ăn 1 lần/ngày vào buổi sáng. Cần rải mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi. Cho cá ăn từ từ đến khi cá ngừng ăn thì dừng lại tránh để thức ăn rơi xuống đáy lồng.

Thức ăn công nghiệp: Người nuôi cũng có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá bớp, cho cá ăn ngày 2 lần, sáng và chiều, lượng thức ăn khoảng 1,5 – 2% khối lượng cá/ngày.

Chăm sóc, quản lý

Sử dụng cá tạp tươi, thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt. Thức ăn công nghiệp phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt không sử dụng thức ăn đã hết hạn.

Trong quá trình nuôi cần giữ cho môi trường nước sạch sẽ, lồng lưới thông thoáng. Sau một thời gian nuôi khoảng 1 tháng, lưới lồng sẽ bị các sinh vật biển bám và phá như hàu, vẹm, thủy tức, rong biển… Vì vậy, nên thường xuyên cọ rửa lưới hoặc định kỳ 1 – 2 tháng thay lưới một lần.

Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi đề phòng lồng bị hư hỏng. Định kỳ phân cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý có hiệu quả.

Định kỳ đo các chỉ tiêu môi trường nước (hàm lượng ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím để phòng bệnh cho cá.

Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Thu hoạch

Cá bớp có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 4 – 6 kg sau một năm nuôi. Cỡ cá thu hoạch tốt nhất từ 5 – 10 kg. Trong quá trình nuôi, khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch và bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.


Có thể bạn quan tâm

Những chất kích thích miễn dịch bổ sung cho cá rô phi nuôi Những chất kích thích miễn dịch bổ sung cho cá rô phi nuôi

Trong chuỗi bài viết về phụ gia bổ sung vào thức ăn cho cá rô phi nuôi thì đây là phần quan trọng, bởi trong điều kiện nuôi thâm canh mật độ cao

09/09/2021
Giá cua biển bất ngờ tăng vọt, thủy sản bắt đầu tăng giá trở lại Giá cua biển bất ngờ tăng vọt, thủy sản bắt đầu tăng giá trở lại

Ngay khi các địa phương ĐBSCL nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng thủy sản bắt đầu nhúc nhích tăng giá trở lại. Đặc biệt giá giá cua biển bất ngờ tăng vọt

14/09/2021
Ngao xuất khẩu - Kỳ vọng vượt tầm Ngao xuất khẩu - Kỳ vọng vượt tầm

Những năm gần đây, các mặt hàng nhuyễn thể, trong đó có ngao/nghêu không chỉ được ưa chuộng, tiêu dùng trong nước, mà còn thuộc nhóm thủy sản xuất khẩu chủ lực

14/09/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.