Kỹ thuật ngâm, ủ giống lúa Nhật Japonica
Thời vụ đang đến gần, tại Hà Nội cơ bản các huyện, thị đã có kế hoạch sản xuất lúa vụ mùa nói chung và sản xuất lúa Nhật Japonica nói riêng.
Cấy lúa đổi công. Ảnh: Dương Đình Tường.
Sản xuất lúa mùa thường hay sử dụng giống liền vụ từ vụ xuân, thời gian chuyển vụ rất ngắn, vì vậy kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống là rất quan trọng để hạt giống nảy mầm tốt, đảm bảo đủ lượng giống cấy và thuận lợi cho sự phát triển của cây mạ sau này.
Đặc biệt là đối với các giống lúa Nhật Japonica, thường khó nẩy mầm hơn các giống lúa thuần khác bởi hạt to, vỏ trấu dày, thời gian ngâm ủ đòi hỏi lâu và kỹ thuật khác với kiểu ngâm ủ truyền thống.
Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng mộng mạ trước khi gieo, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội xin hướng dẫn các cán bộ kỹ thuật dưới cơ sở cùng bà con chú ý, thực hiện theo đúng quy trình ngâm, ủ giống như sau:
1. Xử lý hạt giống trước khi ngâm:
Trước khi ngâm phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ từ 2 – 3 tiếng để tăng sức hút nước của hạt. Sau đó loại bỏ hạt lép, lửng, cỏ dại, tạp chất, nấm bệnh bằng nước muối 15%: Pha 1,5 kg muối ăn với 10 lít nước sạch, khuấy đều cho tan hết, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ một phần thóc ba phần nước, ngâm 10 - 15 phút, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch.
2. Xử lý phá ngủ, kích thích nảy mầm:
Nếu sử dụng các giống lúa liền vụ cần có biện pháp phá ngủ bằng các phương pháp sau:
- Dùng Lufain 91A (1 gói Lufain/10 kg thóc giống): Hòa 1 gói Lufain 91A với 8 - 10 lít nước ấm 540C ngâm thóc giống trong 24 giờ, sau đó đãi sạch, rồi ngâm tiếp bằng nước sạch
- Dùng supe lân (500g supe lân/10 kg thóc giống): Hòa 500g supe lân với 10 lít nước, khuấy đều, sau khi đã lắng cặn gạn lấy nước rồi đem ngâm cùng thóc giống trong 24 giờ, sau đó đãi sạch, rồi ngâm tiếp bằng nước sạch.
3. Kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống lúa Japonica:
* Kỹ thuật ngâm: Hạt giống lúa Japonica có đặc điểm là vỏ trấu dày nên thời gian ngâm cũng dài hơn so với các giống lúa khác.
- Sau khi phá ngủ lúa được vớt ra rửa sạch rồi ngâm tiếp 24 – 48 giờ (tổng thời gian ngâm khoảng 48-72 giờ tùy theo từng giống).
Lưu ý: Trong quá trình ngâm, cứ 10 – 12 tiếng rửa và thay nước một lần.
Nước dùng để ngâm lúa giống phải là nước sạch (như nước giếng khoan đã qua bể lọc, nước mưa, nước máy). Khi ngâm để chỗ thoáng mát.
* Kỹ thuật ủ hạt giống lúa Japonica:
Khi thấy phôi hạt lúa giống đã trắng đều, sưng mép (hạt no nước) thì tiến hành đãi sạch chua, để ráo nước. Đổ hạt lúa giống vào túi vải hoặc bao tải thoát nước (không dùng tải dứa có tráng nhựa kín), chia nhỏ lượng lúa giống để ủ (3 - 5 kg lúa giống/túi ủ), để vào nơi có mái che, cao ráo, kín gió.
Sau ủ khoảng 1 ngày (24 tiếng) kiểm tra nếu thấy lúa ủ khô phải tưới nước hoặc sấp nước bảo đảm đủ ẩm và đảo để cho hạt giống nảy mầm đều. Tuyệt đối không để đọng nước khi ủ. Khi lúa giống nhú mầm như gai dứa hoặc mầm dài bằng 1/3 hạt lúa, rễ dài bằng 1/2 hạt lúa là đạt yêu cầu đem gieo.
Lưu ý khi kiểm tra:
+ Nếu thấy khối giống ủ quá nóng cần phải bỏ bớt lớp phủ phía trên.
+ Nếu thấy thóc giống ủ có mùi chua phải đem rửa kỹ bằng nước sạch để ráo nước rồi lại ủ tiếp./.
Hiện đang có nhiều dòng, giống lúa Nhật nhưng đều có đặc điểm chung là hạt to, tròn, vỏ trấu rất dày, chất lượng gạo thường từ khá đến tốt, cơm ăn dẻo và rất đậm đà. Các giống này được du nhập vào Việt Nam chừng trên dưới 10 năm nay, lúc đầu được trồng thử nghiệm ở một số nơi, do bà con chưa quen đều kêu là khó nảy mầm bởi áp dụng kiểu ngâm ủ theo truyền thống.
Dần dà khi đã có kinh nghiệm, mọi thứ từ đó trở nên đơn giản, việc ngâm ủ lúa Nhật đã không còn khó khăn nữa. Vẫn nhiệt độ kiểu “ba sôi hai lạnh” đấy nhưng phải tưới nước thế nào để hạt giống không bị “no” quá cũng không bị “đói” quá, thời gian ngâm ủ phải để lâu gấp hai đến ba lần lúa thông thường (khoảng 50-70 tiếng tùy theo giống). Nếu có điều kiện thì nên sử dụng các hóa chất hoặc supe lân để “phá ngủ” cho hạt thóc để đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất.
Ở miền Bắc, Ứng Hòa (thành phố Hà Nội) trở thành huyện cấy nhiều lúa Nhật nhất với tổng diện tích hơn 2.200 ha trải dài qua 19 xã, thị trấn.
Lúc đầu bà con còn đôi chút e ngại bởi giống mới, kỹ thuật mới nhưng huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần giống và một phần thuốc bảo vệ thực vật cũng như cử cán bộ sát cánh người dân trong công tác phòng trừ dịch bệnh hại theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Nông dân mê chất lượng của hạt gạo Nhật còn thương lái thì mê tốc độ tiêu thụ nhanh chóng của người tiêu dùng nên từ đó mà phong trào cấy lúa Nhật lan tỏa ra rộng khắp.
Không chỉ trong vụ xuân-vụ thích hợp nhất của giống lúa này mà một số xã đã thử nghiệm trồng cả trong vụ mùa như Hòa Phú đã cấy cả hàng trăm ha và một số xã khác cũng cấy khoảng vài chục ha để luôn có gạo tươi, gạo mới phục vụ cho nhu cầu ăn trong gia đình cũng như xuất bán.
Có thể bạn quan tâm
Vụ xuân năm 2020 nắng mưa thất thường, từ đầu tháng 3, trời nồm ẩm kèm sương mù, mưa phùn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sâu bệnh
Giống lúa thuần TBR117 là giống cảm ôn, ngắn ngày, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm
DT 45 là giống lúa thuần được TS. Phạm Ngọc Lương và nhóm tác giả của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chọn tạo và công nhận tạm thời từ năm 2010