Kỹ thuật gieo mạ vụ xuân
Để hạn chế thiệt hại của bệnh lùn sọc đen, trước khi đem mạ đi cấy, nên phun phòng trừ rầy
Trong kỹ thuật thâm canh cây lúa, cấy mạ non là tiền đề giúp cây lúa đẻ khỏe, đẻ tập trung, bông to, năng suất cao. Do vậy biện pháp làm mạ nền cứng rất thích hợp cho thâm canh lúa xuân. Đặc biệt trong vụ xuân năm nay, khi ngâm ủ cần áp dụng đúng kỹ thuật để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, tăng khả năng chống chịu của cây mạ với điều kiện bất thuận. Xin hướng dẫn kỹ thuật làm mạ nền cứng có che phủ nilon như sau:
1.Xử lý hạt giống
Trước khi ngâm nên phơi hạt dưới nắng nhẹ 1-2 giờ để diệt một số nấm bệnh trên hạt và kích thích hạt hút nước nhanh, hạt giống sẽ mọc đều.
2. Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống
* Lượng giống: Lúa lai gieo 1kg/1sào; giống lúa thuần hạt nhỏ (BT7, T10...) 1-1,2 kg/1 sào; giống lúa thuần hạt to (Q5, N87...) 1,2-1,5 kg/1 sào.
* Kỹ thuật ngâm, ủ: lúa thuần ngâm từ 48-60 tiếng hoặc hơn tùy từng giống lúa, lúa lai ngâm theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên vỏ bao. Trong quá trình ngâm nước cứ 6-8 tiếng với các giống lúa lai và 10-12 tiếng với các giống lúa thuần phải rửa chua, thay nước một lần. Ngâm đến khi hạt no nước (hạt sưng mép) thì ủ nóng cho hạt nứt nanh. Có thể ủ trong thùng xốp hoặc đào hố đất để ủ. Khi lô hạt giống đã nứt nanh đều thì xử lý mộng mạ như sau: tốt nhất là ngày ngâm nước, đêm ủ ấm, liên tiếp như vậy khoảng 2-3 ngày đến khi mộng bằng 1/3-1/2 hạt thóc là gieo.
* Kỹ thuật ngâm với KH Thanh Hà
Để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm, giúp cây mạ cứng cây, chống chịu tốt với các điều kiện bất thuận, hạn chế chết chòm có thể dùng KH Thanh Hà để ngâm. Cách làm:
Pha 1 gói KH với 15-20 lít nước sạch như nước mưa, nước máy, không dùng nước giếng khoan hay nước ao tù để ngâm, sau đó cho hạt giống vào ngâm, cứ 1kh thóc ngâm trong 1 lít nước đã pha. Cứ ngâm 10-12 tiếng thì vớt ra khoảng 30 phút rồi lại đổ vào ngâm tiếp nước KH đó đến khi hạt thóc no nước (hạt sưng mép) thì đem đi ủ như bình thường. Nước KH sau khi ngâm hạt tiếp tục cho vào bùn gieo.
3. Kỹ thuật làm mạ
* Chuẩn bị
- Nền gieo: Chọn nơi bằng phẳng, thoát nước, tráng nắng: vườn, bờ mương máng, hay trên sân... tốt nhất là gieo trên nền đất nơi khuất gió bấc. Nếu gieo trên nền đất cần lót nền bằng bao dứa, hoặc nilon có chọc lỗ… Diện tích khoảng 3 - 4 m2/1 sào ruộng cấy.
- Bùn: Lấy ở ao hồ, mương máng, sông ngòi ... nơi tráng nắng, không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng. Chủ động lấy bùn sớm cho hả hơi và trộn đảo đều với trấu xay sau đó vun gọn và phủ nilon giữ ẩm cho bùn. Tốt nhất trộn vào bùn khoảng 0,5kg lân Supe đã đập mịn hoặc 1 kg phân vi sinh Azotobacterin để gieo 3-4 m2 mạ.
* Cách gieo
Đánh bùn nhuyễn và đều, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1-1,5cm. Gieo đi gieo lại nhiều lần cho đều, nên gieo vào buổi sáng để tranh thủ tận dụng nhiệt độ ấm vào ban trưa.
* Chăm sóc mạ
- Trong vụ xuân, giai đoạn gieo mạ thường nhiệt độ còn thấp, phải chống rét cho mạ bằng cách làm khum vòm che phủ kín bằng nilon trắng để phát huy hiệu ứng nhà kính. Như vậy nhiệt độ trong luống mạ cao hơn nhiêt độ bên ngoài 5-6oC. Do đó chỉ che nilon kín khi trời rét. Nếu trời ấm phải mở dần nilon, trước hết mở dần nilon 2 đầu sau đó mở 2 bên cạnh cho mạ làm quen với môi trường, hạn chế chết rét sau cấy. Nếu đêm rét ngày ấm thì ngày mở đêm che kín.
- Khi mạ lên mũi chông có thể phun KH, Penac hay tưới bằng phân Vi sinh… để tăng sức chống chịu của cây mạ.
- Giữ ẩm thường xuyên cho mạ, tuyệt đối không để mạ khô nứt nẻ.
- Trước cấy 1-2 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên.
- Khi mạ có 2,5-3 lá thật và nhiệt độ >15oC thì tiến hành cấy.
Lưu ý:
- Để giúp hạt giống khỏe, phòng tránh được một số loại sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu trong giai đoạn mạ, nên xử lý hạt giống trước khi gieo bằng một trong những loại thuốc sau: Cruiser Plus 312,5FS, Enado 40FS, Gaucho 600FS…
- Để hạn chế thiệt hại của bệnh lùn sọc đen, trước khi đem mạ đi cấy, nên phun phòng trừ rầy bằng một số loại thuốc: Penalty 40WP, OShin 20WP, Sutin 5EC, Chess 500WG... Nếu cây mạ có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen thì tuyệt đối không cấy ra ruộng, mà nên tiêu hủy ngay để tránh nguy cơ lây lan trên đồng ruộng.
- Trong vụ xuân, mạ sân hay bị hiện tượng chết chòm, nếu xuất hiện hiện tượng này cần thay đổi môi trường nền gieo bằng 1 trong các cách:
+ Nếu mạ đủ tuổi cấy và nhiệt độ >15oC tiến hành cấy ngay.
+ Nếu mạ chưa đủ tuổi cần: Gửi mạ ra ruộng hoặc be bờ xung quanh luống mạ, đưa nước sạch vào ngâm qua 1 đêm hôm sau tháo hết đi, làm liên tiếp 2-3 lần sẽ hạn chế chết chòm.
Có thể bạn quan tâm
Sau Tết Nguyên đán, ban ngày trời nắng, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và một số dịch hại trên lúa đông xuân.
Thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp. Để vụ đông xuân giành thắng lợi và đạt năng suất cao, bà con nông dân miền Bắc cần ứng phó với các yếu tố bất lợi
Cỏ dại và ốc bươu vàng là đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng; làm giảm đáng kể năng suất cây trồng