Kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm giống thịt
1. Giai đoạn 1-4 tuần tuổi:
Còn gọi là giai đoạn úm. Giai đoạn này có ý nghĩa quyết định tới tốc độ tăng trọng, tỉ lệ hao hụt và hiệu quả kinh tế.
Qua khảo sát thực tế nhiều hộ chăn nuôi, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp úm gà đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với sinh lý phát triển của gà con.
- Phòng úm: Nên chọn phòng kín úm, không có gió lùa, được vệ sinh sát trùng sạch sẽ.
- Quây úm: Thường làm bằng cót ép, quây có hình tròn, chiều cao quây 40 đến 50 cm, mỗi quây có đường kính 3 m úm được 500 con.
Chú ý: Về mùa đông quây úm được che kín bằng bạt, có chỗ thoát khí.
- Nền chuồng: Rải trấu sạch, khô. Mùa hè độ dầy của trấu là 5-7 cm, mùa đông là 10-15cm.
- Nguồn nhiệt: dùng bóng sưởi có công suất 200-250W. Bóng sưởi được treo ở giữa quây, cách nền trấu từ 30-35cm.
* Chú ý: Không treo bóng sưởi trên máng ăn, máng uống. Dưới tác dụng của nhiệt sẽ phân huỷ các Vitamin làm gà còi cọc chậm lớn.
- Máng ăn: dùng khay vuông hoặc mẹt, mỗi khay cho 50 gà.
- Máng uống: Dùng máng uống galon loại 1,8 lít hoặc 3,8 lít. Mỗi máng tính cho 50 gà.
Các máng ăn, máng uống xếp xen kẽ nhau để tiện cho gà ăn uống.
- Phương pháp úm gà: Trước khi nhận gà về phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị và tiến hành làm quây úm theo yêu cầu đã trình bày ở trên.
Quây úm phải bật điện sưởi trước 2 giờ sau đó mới thả gà vào.
Đồng thời cho gà uống nước có pha thuốc bổ: Đường Glucoza 50g + vitamin C 1g + Bcomplex 1g/1lít nước.
Sau khi cho gà uống đủ nước 1-2 giờ mới cho gà ăn cám để tránh hiện tượng bội thực cho gà.
- Cám gà nên chọn loại thức ăn thơm ngon, chất lượng đảm bảo, pha trộn theo dúng tỉ lệ của hãng sản xuất. Cứ 2-3 giờ sàng loại bỏ tạp chất và bổ xung thức ăn mới.
- Yêu cầu nhiệt độ:
Giai đoạn úm gà nhiệt độ là quan trọng nhất.
Tuần thứ nhất: Nhiệt độ quây úm từ 32 - 330C.
Tuần thứ hai: 30-320C.
Tuần thứ ba: 28-300C.
Tuần thứ tư: 25-280C.
Trong thực tế phương pháp nhận biết gà đủ hay thiếu nhiệt bằng cách quan sát:
+ Nếu đủ nhiệt gà sẽ tản ra xung quanh quây, ăn uống bình thường.
Thiếu nhiệt gà chụm lại dưới bóng đèn.
Thừa nhiệt gà tập trung quanh máng uống.
+ Khắc phục hiện tượng thừa hoặc thiếu nhiệt bằng cách thêm vào hoặc rút bớt bóng sưởi.
- Dãn quây gà: Vào mùa hè ta nới rộng quây vào khi gà 5 hoặc 7 ngày tuổi, mùa đông khi 7 hoặc 10 ngày tuổi.
Khi dãn quây đồng thời nhỏ vaccin Lasota và chủng đậu theo lịch.
- Máng ăn, máng uống: Từ tuần thứ 2 trở đi thay dần khay vuông hoặc mẹt bằng máng P50, máng uống Galon bằng chậu có vòng bảo vệ để giữ cho nước uống được sạch.
2. Giai đoạn 4 tuần tuổi đến khi xuất gà:
Giai đoạn này gà nuôi tự do trong chuồng. Lưu ý mật độ 6-8 con/m2 (mùa hè thấp hơn).
Đặc biệt lưu ý vệ sinh phòng bệnh.
Yêu cầu chuồng trại vệ sinh tốt, thoáng mát. Bố trí máng ăn, uống hợp lý, đủ cho lượng gà.
Cần thường xuyên dùng thuốc phòng bệnh theo định kỳ và tuyệt đối tuân thủ quy trình dùng vaccin phòng bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh Marek là một bệnh truyền nhiễm của gà do một loại vi rút thuộc nhóm herpes (hecpec) gây ra. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh cao độ tế bào limphô dưới hình thức khối u ở tổ chức thần kinh ngoại biên, các cơ quan nội tạng, da và cơ làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động và bại liệt. Tùy thuộc độc lực của vi rút và sức đề kháng của cơ thể, bệnh có thể ở thể cấp tính, hoặc mãn tính.
Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo là một giống gà nội địa của Việt Nam có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh, chúng nuôi giữ giống gốc là một trong những giống gà đặc sản. Giống gà H’Mông là giống gà quý hiếm, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người tộc H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khỏe. Hiện nay gà H’Mông thương phẩm được coi là món ăn đặc sản.