Kỹ thuật chăm sóc cây hoa mai trước và sau tết
Kỹ thuật chăm sóc mai nở rộ, rực rỡ đúng dịp tết và sau tết cây khoẻ mạnh để năm sau tiếp tục cho hoa là điều mà rất nhiều nhà vườn quan tâm.
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cây mai ra hoa và nở đúng dịp Tết Nguyên đán vẫn là thời tiết. Nếu dự báo trước được (từ 15 tháng Chạp) đến nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khí trời ấm áp thì chắc chắn hoa sẽ nở sớm, bạn nên lặt (vặt lá, tuốt lá) lá trễ từ 16 đến 18 tháng Chạp. Ngược lại, nếu nửa tháng cuối năm có những cơn mưa trái mùa, khí trời chuyển se lạnh thì mai sẽ nở trễ, khi đó chúng ta phải tiết hành lặt lá mai sớm hơn từ 12 đến 15 tháng Chạp để mai nở vào dịp đêm 30 và những ngày tết.
Để có một chậu mai đẹp chơi tết cần lưu ý các việc sau:
1. Chọn giống mai: Để mai ra hoa to, đẹp và khỏe, việc chọn giống mai vô cùng quan trọng. Có thể bạn đã biết bên cạnh loại mai vàng, mai tứ quý (mai truyền thống), còn có cả mai trắng nữa. Để chơi tết, người ta ưu tiên giống mai vàng hơn.
2. Đất trồng thích hợp: Khi trồng mai cần chọn loại đất mềm, tơi xốp và dễ thoát nước. Người trồng luôn phải chú ý chọn các loại đất phù sa có nhiều chất dinh dưỡng, không bị chua, nhiễm mặn hay ngấm phèn (pH quá thấp < 4,0 hoặc cao pH > 7.0).
Mai trồng trực tiếp trên nền đất hay trồng trong chậu đều được. Quan trọng là loại đất phải tốt và cách trồng phải đúng kỹ thuật. Nếu trồng trực tiếp trên nền đất người ta thường trộn thêm những phân hữu cơ hoai mục hay mụn dừa trộn lẫn tro trấu để giúp đất tơi và dễ thoát nước hơn. Mai rất dễ chết nếu bị úng nước nên hãy chọn vị trí trồng cao, thoáng mát và cách xa nguồn nước.
Nếu trồng trong chậu, cần có các loại chậu có lòng sâu để cho rễ phát triển là điều luôn được lưu tâm. Cần thay chậu và đất trồng mới sau 1 năm cho cây mai.
3. Cách chăm sóc:
Bón phân cho mai: Phân tốt nhất cho mai là phân hữu cơ. Vào khoảng đầu tháng 10 âm lịch, bạn không nên bón phân có hàm lượng đạm cao, chỉ sử dụng những loại khác. Việc bón phân sẽ hạn chế dần cho đến cuối tháng 11 âm lịch thì ngưng lại. Lúc này cây mai sắp ra hoa nên bước ngưng bón phân sẽ chuẩn bị cho việc tuốt lá. Nếu cây mai kém phát triển thì bón thêm NPK (20-20-15 + TE) hiệu Đầu Trâu.
Tưới nước: Việc tưới nước sẽ xiết lại từ đầu tháng 10 cho đến cuối tháng 11 âm lịch. Chỉ tưới một cách hạn chế. Trước lúc tuốt lá khoảng 2 – 3 ngày thì không tưới nữa để cho lá hoa đanh lại, gân lá nổi lên. Sau khi tuốt lá 2 ngày mới tiếp tục tưới nước.
Trừ sâu và diệt cỏ: Nếu trồng mai trong chậu, bạn có thể lót sỏi quanh gốc để tránh cỏ mọc. Nếu trồng trên nền đất trực tiếp thì dùng kéo cắt ngang thân, giữ gốc lại để làm ấm đất. Đừng để cỏ mọc cao và dày sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây mai.
Chăm sóc mai sau tết:
- Sau tết (từ 7 - 10 tháng giêng) cần tỉa cành, tạo dáng cho năm sau. Cần lặt hết những quả, nụ mai còn trên cây mai để tập trung dinh dưỡng cho cành mới phát triển. Cần bón phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ chế biến + NPK (20-20-15 +TE) hiệu Đầu Trâu. Cây mai hồi phục và phát triển tốt là tiền đề cho vụ mai tết năm sau.
Có thể bạn quan tâm
Một số bài học về các nguy cơ, con đường lây nhiễm và cách phòng ngừa, có thể được rút ra sau 4 năm diễn ra Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) ở Trung Quốc.
Từ chỗ chỉ độc canh cây mía, đến nay, cây chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) đã thế chân cây mía, cho “trái ngọt” trên vùng phèn mặn
Chà là ưa nắng gió, không chỉ cho quả giá trị cao mà còn có triển vọng phủ xanh đất cát ven biển miền Trung, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái.