Trang chủ / Rau củ quả / Trồng cải

Kỹ thuật bón phân cho bắp cải, cà chua vụ đông

Kỹ thuật bón phân cho bắp cải, cà chua vụ đông
Tác giả: TS Cao Kỳ Sơn
Ngày đăng: 18/11/2020

Vụ đông tuy là vụ phụ nhưng lại trở thành thu nhập chính của nhiều người nông dân nếu biết cách chọn đối tượng trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật…

Chúng tôi xin được giới thiệu những kỹ thuật cơ bản nhất đối với hai đối tượng cây trồng chính ở vụ đông là bắp cải và cà chua cho bà con tham khảo, áp dụng. 

Cây bắp cải

Cây bắp cải có nguồn gốc từ loài cải bắp dại ở dọc bờ biển nước Anh và Tây Nam châu Âu. Hạt bắp cải nẩy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18 - 20 độ C và cây phát triển thuận lợi nhất ở 15 - 18 độ C.

Cải bắp có 3 loại: Bắp cải trắng, bắp cải đỏ và bắp cải xoăn. Các giống bắp cải thường được trồng là CB26, CB1, giống Hà Nội (Phù Đổng), giống Sa Pa, giống Lạng Sơn, giống Bắc Hà, KK Cross, KY Cross, NS Cross…

Yêu cầu về đất và dinh dưỡng

Có thể trồng bắp cải trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, đất phù sa trung tính có pH = 6 - 6,5, hàm lượng hữu cơ trên 1,5%. Độ ẩm đất thích hợp nhất đối với cải bắp là 75 - 85%, ẩm độ không khí là 80 - 90%. Khi gặp độ ẩm đất trên 90% kéo dài 3 - 5 ngày sẽ làm rễ cây bị nhiễm độc.

Bắp cải cần nhiều đạm và kali lớn gấp 2 - 3 lần so với lân. Hàm lượng dinh dưỡng tính theo chất khô trong lá bọc ngoài bắp ở giai đoạn đã thành bắp là: 3,3% N; 0,5 % P; 3,1% K; 0,4% Mg; 1,6% Ca; 0,2% S; 19 ppm Fe; 10 ppm Mn; 9 ppm Zn; 5 ppm Cu; 17 ppm B; 2 ppm Mo.

Để tạo thành 1 tấn bắp cải, cây cải bắp lấy đi từ đất: 3,75 kg N; 1,23 kg P2O5; 4,30 kg K2O; 0,05 kg MgO; 0,21 kg CaO.

Thời vụ và kỹ thuật trồng

Trên vùng cao như Đà Lạt, Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo có thể trồng bắp cải quanh năm. Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên thì trồng vụ đông xuân.

Có 3 vụ chính: Vụ sớm gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9, thu hoạch vào tháng 11, tháng 12; Vụ chính gieo tháng 9 và tháng 10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11, thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau; Vụ muộn gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12, thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau.

Làm đất, lên luống rộng 1 - 1,2 m, luống cao 15 - 20 cm. Trồng hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 35 - 40 cm hoặc 50 cm tùy theo giống bắp to hay nhỏ. Mật độ khoảng 28 - 35 - 40 nghìn cây/ha. Rạch 2 hàng dọc theo luống, bón phân lót, trộn đều với đất, lấp lớp đất mỏng rồi trồng theo kiểu nanh sấu. Tưới nước đủ ẩm sau trồng và tưới nước hàng ngày đến khi cây bén rễ, hồi xanh.

Sử dụng phân bón Lâm Thao NPK-S*M1

Bón phân theo các thời kỳ như sau: Bón lót trước khi trồng; Bón thúc lần 1 sau trồng 20 - 25 ngày; Bón thúc lần 2 khi cây trải lá bàng. Lượng phân bón tính trên 1 ha như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 14-20 tấn/ha; NPK-S*M1 5.10.3-8 : 500 - 610 kg/ha.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S*M1 10.5.10-5: 360 - 500 kg/ha.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S*M1 10.5.10-5: 610 - 690 kg/ha.

Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc bộ (360 m2) như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 0,5-0,7 tấn; NPK-S*M1 5.10.3-8 : 18 - 22 kg.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S*M1 10.5.10-5: 13 - 18 kg.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S*M1 10.5.10-5: 22 - 25 kg.

Cây cà chua

Cà chua là cây thân thảo, mọng nước có nguồn gốc ở Pêru và được thuần hóa ở Mexico. Cà chua sinh trưởng và phát triển bình thường khi nhiệt độ không khí trong khoảng 18 - 29 độ C, nhưng nếu ban ngày nóng trên 32 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C thì hoa bị rụng, không đậu quả hoặc quả kém. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với cà chua là 21 - 24 độ C, nếu nhiệt độ ban đêm thấp hơn ban ngày 4 - 5 độ C thì cây cho nhiều hoa.

Cà chua có 2 dạng, sinh trưởng vô hạn và sinh trưởng hữu hạn. Phần lớn hiện nay trong sản xuất trên đồng ruộng sử dụng dạng cà chua sinh trưởng hữu hạn. Dạng cà chua sinh trưởng vô hạn được sử dụng trong các vườn nhà hoặc trong nhà xanh (plastic).

Yêu cầu về đất và dinh dưỡng

Cà chua có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là trên đất phù sa trung tính pH = 6 - 7, chủ động tưới và tiêu nước. Hàm lượng dinh dưỡng tính theo chất khô trong lá non vừa trưởng thành ở giai đoạn sinh trưởng đã thu được một nửa số quả là 2,7% N; 0,5% P; 2,9% K; 0,4% Mg; 1,2% Ca; 0,3% S; 119 ppm Fe; 76 ppm Mn; 24 ppm Zn; 7 ppm Cu; 25 ppm B; 0,16 ppm Mo.

Cây cà chua cần lượng kali gấp 5 - 6 lần và lượng đạm gấp 3,5 - 4 lần so với lân. Để tạo nên một tấn quả, cà chua lấy đi từ đất 4,48 kg N; 1,19 kg P2O5; 7,33 kg K2O; 0,24 kg MgO; 2,02 kg CaO.

Thời vụ và kỹ thuật trồng

Ở vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ chính là vụ đông xuân; ở vùng cao như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có thể trồng cà chua quanh năm.

Có 3 vụ chính: Vụ sớm gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng tháng 8 và tháng 9, thu hoạch cuối tháng 10 và tháng 12; Vụ chính gieo từ tháng 9 và đến cuối tháng 10, trồng từ tháng 11, thu hoạch tháng 2, tháng 3 năm sau; Vụ muộn gieo tháng 11, trồng tháng 12, thu hoạch tháng 3 - 4 năm sau.

Làm đất, lên luống rộng 0,9 - 1,0 m, cao 20 - 30 cm (vụ sớm hoặc vụ xuân hè phải lên luống 25 - 40 cm). Đối với cà chua sinh trưởng hữu hạn: Trồng 2 hàng dọc theo luống, hàng cách hàng 50 - 60 cm, cây cách cây 30 - 40 cm, tương ứng mật độ 30 - 39 nghìn cây/ha.

Đối với cà chua sinh trưởng vô hạn: Trồng 2 hàng dọc theo luống, hàng cách hàng 60 - 70 cm, cây cách cây 40 - 50 cm, tương ứng mật độ 24 - 25 nghìn cây/ha. Tạo hốc, bón phân vào hốc, trộn đều với đất, lấp lớp đất mỏng rồi trồng cây, sau đó tưới đẫm nước và tưới nước hàng ngày cho đến khi cây bén rễ hồi xanh.

Sử dụng phân bón Lâm Thao NPK-S

Bón phân cho cà chua theo các giai đoạn sau: Bón lót trước khi trồng; Bón thúc lần 1 sau trồng 20 - 25 ngày; Bón thúc lần 2 khi cây ra hoa rộ, hình thành quả. Lượng phân bón tính trên 1 ha như sau:

- Bón lót: phân chuồng 14 -20 tấn/ha; NPK-S*M1 5.10.3-8 : 500 - 610 kg/ha.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 610 - 690 kg/ha.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 500 - 610 kg/ha.

Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc Bộ (360 m2) như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 0,5 - 0,7 tấn; NPK-S*M1 5.10.3-8 : 18 - 22 kg.

- Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 22 - 25 kg.

- Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 18 - 22 kg.

Đối với cà chua thu hoạch nhiều lứa quả hoặc dạng cà chua sinh trưởng vô hạn thì có thể thêm một lần bón thúc 3 sau thu quả đợt 1. Lượng bón tương tự như lần bón thúc 2.  


Có thể bạn quan tâm

Bệnh thối nhũn bắp cải Bệnh thối nhũn bắp cải

Cải bắp là một trong những loại rau được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ quanh năm, với số lượng lớn. Vì vậy trồng cải bắp thường cho thu nhập kinh tế cao.

27/11/2019
Bệnh héo xanh cây cà chua Bệnh héo xanh cây cà chua

Bệnh héo xanh là bệnh khá phổ biến đối với cây cà chua trên thế giới, nhất là ở các vùng nhiệt đới.

18/01/2020
Bệnh cháy bìa lá bắp cải Bệnh cháy bìa lá bắp cải

Bắp cải là loại rau được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ quanh năm nên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, tuy nhiên hay bị sâu bệnh hại gây bệnh.

25/09/2020
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.