Kỹ Thuật Bao Trái Ổi Đơn Giản
Thăm trang trại trồng ổi lê Đài Loan của gia đình anh Trần Tiến Hưng và chị Nguyễn Thị Huệ ở tổ 7, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội, Cận tôi ghi nhận một kinh nghiệm hay trong việc tận dụng các loại bao bì bảo quản hoa quả đã qua sử dụng để làm vật liệu bao trái cho ổi nhằm chống lại ruồi vàng đục quả, sâu bệnh hại quả ổi rất hiệu quả. Xin mách nước cho bà con:
Theo anh Hưng thì ổi hay bị các loài sâu ăn lá, râu róm, các loại rệp hại cành, hại chồi non và hại quả. Khi ổi chín thường bị các loại ngài chích hút, các loài ruồi đục quả gây hại làm rụng hàng loạt dễ gây thất thu lớn. Vì là giống ổi thu quả liên tục nhiều lứa nên không thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học.
Trong những trường hợp hạn hữu như mật độ nhiều, sức gây hại lớn trong một thời gian ngắn thì gia đình anh chỉ sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh để phun trừ hoặc sử dụng các loại bẫy Pheromone của viện BVTV để diệt ruồi vàng, hạn chế phun thuốc trừ sâu bệnh nhằm tránh ngộ độc cho người sử dụng và đảm bảo tiêu chuẩn quả sạch cho nguyên liệu chế biến.
Ngoài ra, kinh nghiệm của trang trại Hưng-Huệ là sử dụng kỹ thuật bao trái ngay từ khi quả ổi còn nhỏ để bảo vệ cho quả sạch, ngoại hình đẹp, không bị sâu bệnh tấn công, quả lớn nhanh, khách hàng ưa chuộng nên bán được giá cao. Túi bao trái có thể sử dụng túi nilon trắng kết hợp tận dụng các túi lưới xốp đã sử dụng để bảo quản rau quả khác nhằm giảm giá thành mà vẫn đảm bảo an toàn cho quả.
Cách làm như sau: Sau khi ổi đã đậu quả được khoảng 2 tuần (quả lớn cỡ ngón tay cái) thì sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bệnh như đã nói ở trên phun xịt qua một lần, chờ 3-4 ngày sau thì tiến hành bao trái. Chú ý phun kỹ trên bề mặt vỏ quả, các chùm quả. Dùng túi nilon, lưới xốp, túi làm bằng vỏ bao xi măng, giấy họa báo v.v… để bao trái, bằng cách luồn túi vào từng quả (với túi nhỏ cỡ 8 x 10cm) hoặc cả chùm (với túi lớn cỡ 15 x 20cm) rồi dùng dây buộc túm miệng túi lại. Phía dưới đáy túi nhớ đục một vài lỗ để không bị đọng nước gây thối quả.
Bằng cách làm này, theo anh Hưng thì chi phí cho công đoạn bao trái chỉ tốn khoảng 500 đồng/kg quả khi thu hoạch mà thực tế đã tiết kiệm được rất nhiều tiền thuốc, công phun, đặc biệt là tăng được sản lượng khoảng 20-25% so với không bao trái (nhờ quả ít bị rụng), chất lượng, mã quả đẹp, giá bán cao hơn nên mức lợi nhuận thực tế cũng cao hơn nhiều so với cách làm cũ.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng ổi. Bọ xít muỗi là một trong những đối tượng gây hại ổi nguy hiểm.
Với nhiều năm chỉ đạo kĩ thuật cho nông dân tại Hải Dương, tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm cần lưu ý khi phát triển cây trồng này như sau:
Hiệu quả kinh tế lớn và có công dụng về y học nên cây ổi được trồng ở nhiều nơi, người nông dân cần tìm hiểu kỹ thuật trồng cây để thu về lượng ổi chất lượng
Để trồng ổi có năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật sau...
Cây sim ổi Nhật nghe có vẻ lạ lẫm với nhiều người nhưng loại quả này lại cực kỳ thơm ngon. Kỹ thuật trồng cây ổi sim Nhật trong chậu tại nhà vô cùng đơn giản