Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỹ Sư Mai Quốc Thái Thành Công Lớn Với Hoa Lan Ngoại

Kỹ Sư Mai Quốc Thái Thành Công Lớn Với Hoa Lan Ngoại
Ngày đăng: 28/08/2014

Giữa trưa hè bên cạnh hồ Dầu Tiếng (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), 4 ha hoa lan denro của kỹ sư sinh học Mai Quốc Thái đua nhau khoe sắc.

Có thể nói, ở Việt Nam, kỹ sư Thái được xem là người tiên phong trong việc trồng lan denro, một loại lan được xem là khó tính và khó trồng nhất ở Việt Nam hiện nay, với diện tích lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khó người thành dễ ta

Kỹ sư Mai Quốc Thái, từng có kinh nghiệm 12 năm giảng dạy tại khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm (từ năm 1977-1988).

Sau khi rời giảng đường ông bắt tay vào làm kinh tế. Từ số vốn kha khá ban đầu, ông đã chọn Bình Dương để quyết tâm làm giàu từ đất và cây trồng. Nơi ông đến là xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng). Tại đây, ông đã phát triển được vườn cao su lên đến 38 ha. Sau đó, ông đầu tư thêm 52 ha cao su nữa ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.

Dù có trong tay 90 ha cao su, lợi nhuận ròng tiền tỷ mỗi năm nhưng ông Thái vẫn không dừng bước. Là một kỹ sư sinh học ông luôn nghĩ rằng cần phải tạo sự khác biệt bằng nhiều loại cây trồng khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cả cây cao su.

Chính vì thế, ông mày mò nghiên cứu trồng vài ha xoài, bưởi. Dự án trồng xoài sau đó thất bại, thua lỗ nặng nhưng ông vẫn không nản chí.

Đến năm 2009, khi vợ ông - vốn là đội trưởng đội hoa viên của Thảo cầm viên ở TP.HCM nghỉ hưu và hai cô con gái đều tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm, ông quyết định đưa cả gia đình đi Thái Lan… học trồng lan. Về Việt Nam, cả nhà ông tiếp tục đến các vườn lan lớn ở Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… học tập kinh nghiệm trồng lan.

Những chuyến đi thật bổ ích vì ông có cơ sở và niềm tin để quyết tâm trồng lan denro, một loại lan được xem là khó tính và khó trồng nhất ở Việt Nam hiện nay. Cây lan denro tuy cho bông đẹp, được thị trường đón nhận và phù hợp với thời tiết, khí hậu nắng nóng, hanh khô ở Bình Dương nhưng lại rất khó chăm sóc.

Tuy nhiên, ông Thái lại có quan điểm riêng: “Cái gì khó người mới dễ cho ta. Vì lan denro khó trồng đối với người khác nên tôi càng phải làm cho thành công. Sản phẩm làm ra sẽ không vấp phải sự cạnh tranh và khi đó sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi chọn trồng denro thay vì loại dễ trồng, dễ chăm sóc”.

Ông Thái nhẩm tính, một cây giống lan denro nhập từ Thái Lan về Việt Nam có giá 8.000 đồng, tiền chậu tốn thêm 2.000 đồng nữa. Trong khi đó, giá ra thị trường của một chậu lan trưởng thành là 30.000 đồng.

Với diện tích tăng dần, số lượng chậu lan denro tăng vọt từ năm 2009 đến nay, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng và tiền lương nhân công, ông còn thu lãi khoảng 10 tỷ đồng. Tính ra mỗi năm vườn hoa lan denro cho ông thu lãi trên 2 tỷ đồng, một con số đáng mơ ước đối với người làm nông nghiệp hiện nay.

Khát vọng cho lan Việt

Chia sẻ băn khoăn của chúng tôi là hiện nay ở Việt Nam có nhiều người trồng lan denro nhưng ít người thành công như ông, ông Thái cầm chậu hoa lan rồi chỉ vào những bông hoa rực rỡ sắc màu, nói: “Quan trọng là mình phải nắm kỹ thuật cho thật vững.

Vì sao Thái Lan họ làm được còn người Việt mình không làm được? Điều đó làm tôi băn khoăn lắm! Chính vì thế, vừa phát triển vườn cây tôi vừa phải học tập và trả giá nhiều lần mới được như ngày hôm nay”.

Thành công của trại hoa lan Mai Quốc Thái là nhờ nắm vững kỹ thuật và duy trì được lòng đam mê.

Đối với ông Thái, chăm lan denro cũng giống như chăm con mọn. Đến từng khoảng cách giữa các chậu, các luống hay khoảng cách mành lưới, thậm chí là sức gió trong khuôn viên vườn lan rộng 4 ha, cũng đều phải có sự tính toán chi li, khoa học.

Ông không chấp nhận sự cố sâu bệnh trong vườn nhà như người khác. Mọi tình huống giả định đều được ông lập ra và phòng ngừa ngay từ đầu. “Lan cũng như người, phòng bệnh hay hơn chữa bệnh”, ông Thái nói.

Sự thành công của ông Mai Quốc Thái trong trồng lan denro cũng gây ngạc nhiên cho chính người thầy của ông trước đây - chuyên gia Nguyễn Thiện Tịch, giảng viên dạy trồng hoa lan trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Ông Tịch cho biết: “Học trò của tôi trong cả nước có đến hơn 1.000 người, nhưng thành công như Mai Quốc Thái thì chỉ có một. Anh Thái có kiến thức cơ bản về nông học, có niềm đam mê và quyết tâm nên xử lý các khâu trồng lan denro bằng cách chưa ai từng đề cập đến”.

Ông Thái cho biết, trong năm 2014 ông sẽ phát triển vườn lan của mình lên đến 10 ha, tùy theo sức mua của thị trường. “Tôi vừa phát triển vừa thăm dò thị trường. Sức mua của thị trường lớn đến đâu thì tôi phát triển vườn lan đến đó, tránh phát triển ồ ạt.

Công nghệ mình nắm rồi, nhưng chỉ cần một bước đi sai lầm dễ dẫn đến thất bại. Tôi nghĩ, nếu có lộ trình phát triển hợp lý, lan của Việt Nam có thể phát triển mạnh, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan trong thời gian tới”, ông Thái nói.

Thành công của trại lan Mai Quốc Thái khiến nơi đây thành địa chỉ tìm đến của nhiều nhà vườn và các chuyên gia. Họ lặn lội vượt hàng trăm cây số để đến với vùng đất xa xôi, nằm bên hồ Dầu Tiếng để học hỏi kinh nghiệm.

Ông Thái bảo, ông sẵn lòng chia sẻ, đúng như tinh thần mà ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị tuyên dương các trang trại, nông dân tiêu biểu tỉnh Bình Dương 2013 vừa qua: “Anh Thái có sự tự tin, có thành công lớn trong việc phát triển hoa lan denro tại Bình Dương.

Tôi mong muốn anh chia sẻ kinh nghiệm với địa phương để phát triển mạnh loại cây trồng này, mang lại cơ hội cho nhiều người khác làm giàu từ cây hoa lan”.

Lan denro của ông Thái phát triển tốt đến mức, người Thái sau khi chuyển giao công nghệ, cung cấp giống nay lại mong được đến Việt Nam, được đến vườn lan để xem cách ông làm. Nhưng ông không muốn thế. Vì theo ông, lan denro do ta trồng có những lợi thế lớn không thể để cho người Thái biết được.

Lâu nay sở dĩ hoa lan denro trong nước còn đứng vững được vì lan của Thái Lan nhập về Việt Nam đều không được tươi lâu, màu sắc kém hơn lan bản địa. Chính vì thế, hoa lan Thái Lan dù nhập về giá rẻ hơn so với lan trong nước nhưng cũng không trụ được. Bí quyết “giữ tiền” trong túi của mình, không cho người Thái biết là nằm ở chỗ đó.


Có thể bạn quan tâm

Bị Đổ Thuốc Sâu 3 Hồ Tôm, Thiệt Hại Hàng Trăm Triệu Đồng Ở Bình Định Bị Đổ Thuốc Sâu 3 Hồ Tôm, Thiệt Hại Hàng Trăm Triệu Đồng Ở Bình Định

Sáng 22.4, có mặt tại 3 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng từ 1 đến 2 tháng tuổi, với tổng diện tích 2,1 ha của ông Huỳnh Văn Nắm (46 tuổi, ở thôn Huỳnh Giảng Bắc, xã Phước Hòa, Tuy Phước - Bình Định) thuốc trừ sâu vẫn còn bốc mùi, tôm chết trắng cả 3 hồ.

23/04/2012
Ngư Dân Miền Trung Được Mùa Khai Thác Thủy Sản Ngư Dân Miền Trung Được Mùa Khai Thác Thủy Sản

Sáu tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản tại hầu hết các tỉnh miền Trung đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngư dân các tỉnh đã tích cực đóng mới, cải hoán tàu cá để vươn khơi.

28/06/2012
Phát Hiện Bảo Bối Từ Cây Mướp Phát Hiện Bảo Bối Từ Cây Mướp

Tại huyện Trưởng Phong, mọi người đều biết thành công hôm nay của anh Đồng Trưởng Viễn gắn liền với một quãng thời gian đau buồn trong quá khứ. Anh đã từng phải hứng chịu nỗi đau khi vợ và con gái anh đều qua đời do khó sinh. Để chạy trốn khỏi nỗi buồn, anh đã bỏ công việc làm báo, chuyển về nông thôn ở ẩn. Tuy nhiên, chính bởi giai đoạn chạy trốn nỗi buồn này lại giúp anh trở thành người dẫn đầu trong nghề trồng mướp tại huyện Trưởng Phong.

22/03/2012
Chạy Theo Phong Trào, Hàng Loạt Địa Phương Khổ Vì Dư Thừa Sắn Chạy Theo Phong Trào, Hàng Loạt Địa Phương Khổ Vì Dư Thừa Sắn

Năm 2011, nước ta đã thu được về hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu sắn. Thấy sắn bán được, nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Bất ngờ là năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sắn của VN, dẫn tới giá sắn bị rớt thê thảm tại nhiều địa phương.

21/03/2012
Kinh Nghiệm Chăm Sóc Sầu Riêng Đạt Năng Suất Cao Kinh Nghiệm Chăm Sóc Sầu Riêng Đạt Năng Suất Cao

Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.

28/06/2012