Kỹ sư giao thông đam mê cây ăn quả nhập nội
Say mê với nông nghiệp, anh Hoàng Hùng Hiển đã bước đầu thành công trong việc trồng nho hạ đen không hạt cũng như một số cây ăn quả nhập nội.
Anh Hà Hùng Hiển (bên trái) chia sẻ về cách chăm sóc cây nho hạ đen không hạt với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hải Đường.
Bén duyên với nho hạ đen
Anh Hoàng Hùng Hiển (sinh năm 1993), tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Giao thông vận tải Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành xây dựng cầu đường. Một chuyên ngành mà các doanh nghiệp xây dựng luôn chờ sẵn ở cổng trường để mời về làm việc.
Nhưng đam mê của Hiển lại là làm giàu trên mảnh đất quê hương, làm sao để biến những quả đồi trọc thay thế cho những rừng thông sau khai thác. Bởi nếu tiếp tục trồng thông thì phải 15 – 20 năm sau mới cho thu hoạch, mà thực tế thì giá trị kinh tế cũng không cao, khoảng 300 triệu/ha cho chu kỳ từng ấy thời gian.
Anh Hiển kể: Trong thời gian làm quản lý cho một doanh nghiệp khai khoáng ở Bản Diếu (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn), có thời gian rảnh rỗi là anh lại đọc báo, xem trên internet các mô hình trồng cây cho thu nhập cao, nhất là loại cây phù hợp với khí hậu mát mát mẻ vào ban ngày, lạnh về đêm, mùa đông nhiệt độ rất thấp ở vùng núi Ngân Sơn hay không.
Nhận thấy cây nho hạ đen không hạt, có nguồn gốc từ Mỹ và đã được thuần hóa ở Quảng Tây, Trung Quốc có hiệu quả cao, anh đã tìm hiểu kỹ, rồi đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, sau đó quyết định thỏa thuận với người dân, với địa phương để thuê lại ban đầu diện tích 1,5 ha đất rừng đang bỏ hoang ở địa phương.
Theo anh Hiển, nho hạ đen có ưu điểm chịu được lạnh, sinh trưởng khỏe, quả tròn, thịt dày, ngọt, không có hạt và nhanh cho thu hoạch. Quê hương anh lại có địa hình cao, khí hậu mát mẻ nên phù hợp với loại cây nho hạ đen. Vì vậy, anh đã quyết định đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Lạng Sơn để phát triển loài cây ăn quả mới này tại địa phương.
Sau thời gian nghiên cứu, gia đình anh Hiển đã vận động Hợp tác xã Nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện Ngân Sơn góp vốn trồng thử nghiệm. Tháng 3/2018, anh Hiển đã trồng 1.500 cây nho hạ đen không hạt trên diện tích 5.000 m2. Đến năm 2019, cây nho đã bói quả nhưng ngắt bỏ hết để cây phát triển. Đến năm 2020, cảm thấy cây vẫn chưa khỏe, nên anh chỉ để vườn nho cho ra một ít quả.
Khi mới trồng, anh Hiển gặp rất nhiều khó khăn do đây là loài cây ăn quả mới, vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến các bệnh phấn trắng, sương mai, kèm theo nhiều loại sâu bệnh khác. Vì thế, thời gian đầu, gia đình anh rất vất vả phòng trừ sâu bệnh. Về sau, càng làm càng có thêm nhiều kinh nghiệm, cây được chăm sóc tốt nên phát triển nhanh hơn, cho năng suất cao hơn, chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Anh Hiển cho biết: Chỉ đến vụ ra hoa vào tháng 2/2021 thì mới cho đậu quả, nhưng cũng phải chọn lọc chứ không để ra quả tự do. Mỗi cây ra tầm hơn 30 chùm hoa, nhưng cắt đi chỉ để lại từ 10 – 14 chùm/cây, cây to khỏe cũng chỉ để tối đa là 16 chùm.
Để cây phát triển tốt, bền vững, anh hoàn toàn dùng phân hữu cơ bón cho cây, chứ không dùng phân hóa học, giúp chất đất không bị chai hóa. Để quả không bị ảnh hưởng bởi mưa, nắng, anh đã đầu tư làm giàn che phủ bằng nilon. Ngoài ra, còn trồng thêm cỏ lạc dại để đất tơi xốp, loại cây này cũng giúp tăng đạm tự nhiên cho đất.
Theo anh Hiển, đến tháng 6 vừa qua, vườn nho hạ đen đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên được khoảng 3 tấn. Chủ yếu bán khách đến tham quan với giá 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhà vườn của anh còn bán cho các cửa hang hoa quả sạch ở Thành phố Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội với giá sỉ là 130.000 đồng/kg. Tổng thu vụ nho hạ đen vừa rồi của anh đạt hơn 400 triệu đồng.
Theo anh, nhu cầu thị trường đặt hàng nho hạ đen trên thị trường hiện khá lớn, nhưng sản phẩm của anh mới có hạn nên không đủ cung cấp.
Tới thăm vườn nho hạ đen của anh Hiển, chúng tôi thấy cây phát triển đều, cây cao khoảng 2m, tán rộng 1m, thân cây khỏe mạnh. Mỗi chùm quả đạt khoảng 500g, quả chín có màu đen, ăn có vị ngọt dịu, không chua, không chát và không có hạt. Có thể khẳng định chất lượng không thua kém những loại nho Mỹ nhập khẩu.
"Mát tay" với cây ăn quả nhập ngoại
Không chỉ thành công với vườn nho hạ đen không hạt, anh Hiển cũng cho thấy mình mát tay với một loại cây trồng nhập ngoại có giá trị kinh tế cao khác là cây táo đỏ New Zeland. Anh đã mạnh dạn trồng thử 60 cây táo đỏ New Zeland vào năm 2019. Hiện cây đã sinh trưởng nhanh cao gần 3m, đã ra hoa và đậu quả bói, hứa hẹn thành công với loài cây này.
Ngoài ra, anh Hiển còn có thu nhập lên tới gần trăm triệu nhờ ươm bán cây sim rừng. Loại cây bản địa, được người chơi dưới các thành phố và các tỉnh miền xuôi ưa chuộng, trồng làm cây cảnh trong vườn nhà.
Trong năm 2021, anh Hiển cũng mua thêm được 5 hecta đất đồi cách khu vực vườn nho khoảng 300m, sau đó đã cải tạo để trồng bưởi da xanh.
Để có được thành công như hôm nay, cũng như vững chắc trong tương lai, anh Hiển thổ lộ rằng, mình đã không ngừng học hỏi về kinh nghiệm, có thời gian là tìm hiểu. Mỗi khi rảnh rỗi là lên mạng internet xem kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, lên mạng xã hội facebook tham gia vào các hội, nhóm trồng nho, trông cây ăn quả trên toàn quốc để tìm tòi thông tin, rồi nhờ mọi người chỉ dẫn về những vấn đề mình còn chưa rõ.
Anh chia sẻ: “Ước mơ của mình là phát triển những loại cây trồng nhập ngoại có giá trị cao ra thành một vùng rộng lớn ở Bản Diếu, thậm chí là nhiều khu vực của xã Thượng Quan và huyện Ngân Sơn. Điều đầu tiên là mở rộng diện tích vườn của gia đình mình, tận dụng mọi quỹ đất có thể và mua thêm đất để sản xuất”.
Anh Hiển cũng thẳng thắn nhìn nhận, nếu chỉ một mình anh phát triển các loại cây ăn quả thì không thể hình thành vùng hàng hóa được, không thể nâng cao thương hiệu được. Vì thế, anh mong muốn sẵn sàng mời người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện sản xuất cây ăn quả, nhất là cây nho hạ đen không hạt. Ai tham gia, anh sẽ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và ủng hộ, hợp tác hết mình...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 445 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, với 34 HTX, 36 tổ hợp tác, 376 cá nhân. Trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi chiếm chủ yếu, lên tới 316 mô hình kinh tế.
Một số mô hình tiêu biểu như: HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) có doanh thu khoảng 9 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho hàng trăm hộ dân và nhiều lao động thanh niên; HTX Thanh niên Như Cố (xã Nhu Cố, huyện Chợ Mới), có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng dưa lưới, bún khô Quân Nguyệt, mướp đắng rừng, mật ông hoa rừng.
Huyện Bạch Thông có HTX Nông nghiệp Hợp Giang, với các sản phẩm như: sản phẩm giò nấm, trà linh chi, mọc nhĩ thái sợi,…
Các mô hình do thanh niên làm chủ đã tạo được thương hiệu và uy tín, với các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận OCOP chiếm khoảng 70% số lượng.
Một số sản phẩm đã cung cấp vào các chuỗi siêu thị lớn như Big C, Vinmark, với các sản phẩm như: bí xanh thơm Ba Bể, dưa lưới, nấm hương; cùng các sản phẩm về thịt gà đồi, lợn mán,…
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay ở ĐBSCL lúa giá cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020-2021, nông dân đang xuống giống gieo sạ sớm vụ hè thu 2021.
Ngành nông nghiệp Nam Định yêu cầu các địa phương tập trung phòng trừ rầy lưng trắng nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa.
Do đặc tính, thói quen hoạt động của chuột, việc áp dụng cả thuốc bả và bẫy bán nguyệt mang lại hiệu quả cao nhất trong diệt chuột tập trung.