Kinh Nghiệm Trồng Rau Ma
Rau má là một loại rau rất quen thuộc với nhiều người dân ở nước ta. Do tính thích nghi của loại rau này rất rộng nên từ vùng miền núi, trung du, đến đồng bằng đâu đâu cũng có thể thấy mặt cây rau má.
Trước đây, do nhu cầu về loại rau này không nhiều nên người ta thường chỉ tận dụng những cây rau má mọc hoang dã trong tự nhiên để sử dụng, nhưng sau này, do nhu cầu sử dụng ngày một nhiều, nên để đáp ứng được nhu cầu, người ta phải gieo trồng chúng như những loại rau khác, đặc biệt là đã có những nơi trồng trên diện rộng bạt ngàn ở nhiều cánh đồng với diện tích hàng chục, hàng trăm ha theo hướng tập trung chuyên canh để sản xuất hàng hoá. Xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang cũng là một địa phương có vùng chuyên canh cây rau má hàng chục năm nay. Do trồng chuyên canh đã từ lâu nên bà con ở đây có rất nhiều kinh nghiệm canh tác loại rau này.
Sau đây là một số kinh nghiệm của bà con mà chúng tôi đã thu lượm được nhân dịp về tham quan tìm hiểu loại cây này. Theo bà con ở đây thì rau má có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng loại đất thích hợp nhất cho chúng vẫn là loại đất phèn. Nếu được trồng trên loại đất này rau má sẽ phát triển rất tốt, cho năng suất cao và ăn cũng ngon hơn. Hiện ở vùng này đang có hai giống: một giống có lá lớn, lá tròn, dầy, có răng cưa hoặc không, gốc trắng hoặc tím, sinh trưởng mạnh, chịu phân, cho năng suất cao, giống này được ưa thích và đang được trồng phổ biến ở đây; một giống có lá nhỏ, mỏng, thân trắng, phát triển chậm, cho năng suất thấp, ít được trồng hơn. Rau má có thể trồng quanh năm, nhưng trồng vào cuối mùa mưa, thường cho năng suất cao hơn, và đặc biệt là khi thu hoạch sẽ vào mùa khô nên bán được giá cao hơn.
Về cách trồng, bà con tiến hành như sau:
Lên liếp rộng khoảng 5-8 mét, để mương rộng khoảng 2,5-3m, đào mương sâu 1,2-1,5m. Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu đưa tầng đất mặt lên trên mặt liếp. Băm đất cho thật nhỏ. Trước khi trồng một tuần, rải cho mỗi công (1.000m2) khoảng 80-100 kg vôi bột, tưới nước cho vôi lọt xuống các kẽ đất, trước khi trồng tưới nước rồi băm lại đất cho thật nhỏ.
Trồng với khoảng cách 20x20cm, mỗi khóm trồng 3-4 đoạn thân, mỗi đoạn dài 15-20cm. Muốn cho tỷ lệ sống cao và cây nhanh ra rễ nên tưới nước tạo cho đất ẩm trước khi trồng.
Nếu có điều kiện bón cho mỗi ha đất khoảng 10-15 tấn phân hữu cơ đã hoai mục (phân trâu, bò, gà, heo… ủ mục) 2-3 tấn tro trấu, 300-400kg Supe lân, 300-350 kg Urea, 250-300 kg DAP. Rồi chia làm 5 lần bón như sau:
- Lần 1: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, tro trấu và Supe lân.
- Lần 2: Khoảng 10 ngày sau khi trồng, gồm 50kg DAP.
- Lần 3: Khoảng 20 ngày sau khi trồng, gồm 100kg Urea và 100kg DAP.
- Lần 4: Khoảng 40 ngày sau khi trồng, gồm 100-150kg Urea và 100-150kg DAP.
- Lần 5: Khoảng 50 ngày sau khi trồng, 100kg Urea còn lại.
Cây rau má có thân bò sát mặt đất, từ các đốt trên thân mọc ra lá, rễ và nhánh, khi già thì cũng ra hoa từ đó, vì vậy muốn thu được năng suất cao cần làm sao kích thích cho các đốt lá phát nhánh nhiều, tức là phải chăm sóc cho cây luôn ở trong tình trạng ra nhiều nhánh non, không ra được hoa, trái. Muốn vậy phải luôn tưới đủ nước và bổ sung phân bón cho cây (ưu tiên nhiều phân đạm hơn).
Ngoài những lần bón phân cơ bản như đã nêu trên, sau mỗi lần thu hoạch rau phải bổ sung phân cho rau bằng cách rải đều phân lên liếp rau sau đó tưới nước cho phân tan và ngấm dần xuống rễ rau. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất, nhất là vào mùa khô, kể cả các đợt hạn hán kéo dài trong mùa mưa.
Sau khi trồng khoảng 3-5 ngày dùng thuốc Ronstar 25EC hoặc Canstar 25EC; Bihoxa 25EC phun diệt cỏ cho ruộng rau.
Bà con cho biết: trên rau má thường có một số sâu bệnh hại như: Sâu đỏ, cắn phá đọt non, đây là loại sâu nguy hiểm nhất, có thể làm giảm 30-50% năng suất. Sâu ăn tạp, cắn phá lá rau, thường gây hại nhiều trong mùa khô, với hai loại sâu này có thể diệt trừ bằng những loại thuốc trừ sâu thông thường như: Sumicidin 10EC; Basudin 40EC; Basitox 40EC… Ngoài ra trên rau má còn có bệnh rỉ sắt, bệnh đốm lá, có thể dùng thuốc CopperB 75WP; Copper-Zinc 85WP; Bayfidan 25EC; Lunasa 25EC; Anvil 5SC… để phòng trị. Rau má là một loại rau ăn lá, vì thế không được phun xịt thuốc tràn lan, phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định có nên xịt thuốc hay không. Đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thời gian cách ly của thuốc.
Sau khi trồng, cây rau má có khả năng ra rễ, phục hồi rất nhanh, chỉ sau 60 ngày đã cho thu hoạch đợt rau đầu tiên. Sau khi thu hoạch tiếp tục bón phân hai lần vào ngày thứ 10 và 20 thì đến ngày thứ 30-35 sẽ cho thu hoạch lứa kế tiếp. Với cách làm này mỗi năm rau má có thể cho thu hoạch từ 8-10 đợt.
Có thể bạn quan tâm
Rau má hay tích tuyết thảo hoặc lôi công thảo (danh pháp khoa học: Centella asiatica) là một loài cây một năm thân thảo trong phân họ Mackinlayoideae của họ Hoa tán (Apiaceae)
Kỹ Thuật Trồng và bón phân cho cây rau má - Kỹ thuật
Rau má có tính mát, chứa nhiều loại vitamin, chất xơ và các vi lượng tốt cho sức khỏe giúp thanh nhiệt, giải độc, chống oxy hóa, đẹp da, chữa rôm xảy, hạ sốt và còn có lợi cho những người bị bệnh về gan và tim mạch.
Rau má là loại cây dễ trồng, mau cho thu hoạch (khoảng 20 - 25 ngày một lứa), cho lợi nhuận khá cao. Theo kinh nghiệm của anh Huỳnh Văn Thắng (huyện Châu Thành, Hậu Giang) thì muốn đạt hiệu quả kinh tế cao khi trồng rau má cần lưu ý:
Rau má là cây cho lợi nhuận khá cao, nhưng trồng rau má phải dày công chăm sóc và xuống giống đúng thời vụ (hợp lý nhất là tháng giêng Âm lịch).