Kinh nghiệm nuôi tôm thành công tại Bến Tre
Nhờ việc xử lý tốt môi trường nước, lựa chọn con giống chất lượng, thức ăn, chế phẩm sinh học… nhiều hộ ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nuôi tôm thành công.
Thu hoạch tôm tại gia đình anh Phạm Quốc Hưng, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú
Chú trọng khâu chăm sóc
Mới bước chân vào nghề nuôi tôm vụ đầu tiên, anh Phạm Quốc Hưng, tại ấp 5, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú có 2 ao nuôi, diện tích 1.200 m2/ao, thả 340.000 post, anh thu 4,5 tấn/ao, size 45 con/kg, thời gian nuôi 95 ngày. Anh Hưng chia sẻ: “Đây là lần đầu nuôi tôm nhưng tôi thấy mùa vụ đều thuận lợi. Sau khi chuẩn bị ao đầm cẩn thận, tôi sử dụng tôm giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung; tôm giống khỏe, phát triển nhanh. Trong khi nuôi, cần theo dõi sát quá trình tôm phát triển. Kiểm tra sàng ăn thường xuyên, cho tôm ăn lượng vừa đủ, không để dư tránh ô nhiễm môi trường nước. Chỉ duy nhất là giá năm nay có giảm nhiều so với những năm trước”.
Tương tự, ông Trịnh Trần Kinh Luân, xã Giao Thạnh cũng có một vụ nuôi tôm tương đối thành công. Ông Luân thả 350.000 post, thu 7 tấn, tôm size 52 con/kg, giá bán 110.000 đồng/kg, lãi không nhiều. Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, anh Luân bày tỏ sự lo lắng trước môi trường nước ngày càng ô nhiễm cùng với biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, rủi ro tăng cao, gây tác động xấu đến nuôi. Để nuôi tôm thành công, anh Luân chia sẻ kinh nghiệm, người nuôi cần quan tâm nhất là môi trường nước nuôi tôm, chọn con giống chất lượng, có qua kiểm định, sử dụng thuốc, thức ăn của cơ sở uy tín… Cẩn thận từ những khâu đầu tiên nhờ đó tôm khỏe, phát triển nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao giúp mùa vụ thành công…
Chuẩn bị vụ nuôi mới
Mặc dù không được lãi lớn vì giá giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng người nuôi tôm Bến Tre vẫn lạc quan chuẩn bị cho vụ tôm mới. Những hộ nuôi tôm ở huyện Thạnh Phú đã cải tạo xong ao đìa, chờ tình hình thuận lợi để thả nuôi tiếp.
Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh, hiện nay, điều kiện thời tiết dần ổn định, độ mặn giảm và các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi có chiều hướng giảm; bên cạnh đó, nhu cầu mua tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang duy trì, giá tôm đang ở mức người nuôi có lãi. Nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới dự báo sẽ tăng mạnh trở lại khi một số nước đã khống chế thành công đại dịch COVID-19. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để phục hồi sản xuất.
Dựa trên tình hình thực tế, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã ban hành công văn khuyến cáo thả nuôi tôm khôi phục sản xuất; theo đó, khuyến cáo người nuôi căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi của mình đẩy nhanh tiến độ thả giống tôm biển.
Trước khi thả nuôi, hộ dân nên lưu ý một số vấn đề như: độ mặn thích hợp từ 10 - 15‰, chọn nguồn gốc tôm giống rõ ràng, mật độ thả nuôi phù hợp (TTCT từ 60 - 80 con/m2, cỡ PL≥12 mm; tôm sú 20 - 25 con/m2, cỡ PL≥15 mm), thường xuyên nên theo dõi thời tiết và kết quả quan trắc môi trường… Trong khi thả nên chú ý áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý nước đến chọn con giống. Người nuôi cũng nên rải vụ tránh ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu.
Đối với những hộ có điều kiện nên áp dụng biện pháp ương tôm giống trước trong diện tích nhỏ (gièo hoặc ao đất, ao lót bạt), mật độ 1.000 con/m2, ương từ 25 - 30 ngày, khi điều kiện thuận lợi thì tiến hành thả ra ao nuôi để rút ngắn thời gian, giảm dịch bệnh và giảm chi phí sản xuất.
Khuyến khích người nuôi tôm áp dụng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn; đầu tư nuôi theo bể tròn, nổi; ao nuôi lót bạt che lưới lan… nhằm giảm dịch bệnh, tôm thu hoạch size cỡ lớn (20 - 25 con/kg) cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Màu sắc bể ương là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tỉ lệ sống của ấu trùng cá nước ngọt.
Nhờ chuyển đổi từ đất chuyên lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh hay tôm sú, nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang đã ăn nên làm ra
Bấy lâu nay, xuất khẩu ra thế giới luôn là định hướng doanh nghiệp cá tra Việt Nam hướng đến.