Kinh nghiệm nuôi ngan Pháp thương phẩm hiệu quả cao
Nuôi ngan Pháp khó hơn các loại thủy cầm khác, do ngan dễ mắc dịch bệnh. Bài viết sau đây, nongnghiep.vn xin giới thiệu kỹ thuật nuôi ngan Pháp đạt hiệu quả.
Ngan Pháp thương phẩm có tốc độ tăng trọng nhanh.
Theo chia sẻ của ông Sơn, ngan Pháp có tốc độ tăng trọng nhanh, thể trọng lớn (2,5-5,5kg/con), chất lượng thịt tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao (67-70%).
Đặc biệt, chuồng trại nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, nhanh cho thu nhập (65-80 ngày), hiệu quả sản xuất cao. Tuy nhiên, đây là vật nuôi dễ mắc dịch bệnh.
Để khắc phục nhược điểm này, nhà nông nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, bao gồm: chọn con giống tốt; vacxin phòng dịch đúng lịch; thức ăn, nước uống và chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh.
Kỹ thuật chọn giống:
Giống tốt là giống được mua từ các cơ sở sản xuất có uy tín. Con giống phải khỏe mạnh, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, không hở rốn, không dị tật và đúng giống.
Nuôi các dòng ngan Pháp R31 hoặc R71 là tốt nhất, vì có tỷ lệ thịt xẻ cao (68-70%), chất lượng thịt tốt.
Ngan Pháp được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn, vì đem lại hiệu quả cao.
Vacxin phòng bệnh:
Vacxin phòng dịch cho ngan gồm 4 bệnh chính: Cúm gia cầm, dịch tả ngan, viêm gan do virus và hen ghép Ecoli.
Ngoài ra, ngan nuôi ở giai đoạn trên 40 ngày tuổi hay mắc bệnh rụng lông, tuy không chết nhưng sẽ bị còi cọc, chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi, tiêu tốn nhiều thức ăn, chăn nuôi không có lãi.
Để phòng ngừa bệnh rụng lông, cần vacxin phòng dịch cho ngan đúng lịch thú y, đảm bảo thức ăn, nước uống, chuồng trại luôn sạch sẽ và hợp vệ sinh, bổ sung cho ngan ăn/ uống thêm các loại vitamin nhóm B, men tiêu hóa, chất điện giải và các khoáng vi lượng Canxi (Ca), Phốt pho (P), Lưu huỳnh (S), Sắt (Fe), Mangan (Mn), Iot (I), ADE.
Khi thấy ngan biếng ăn, ít uống phải tách nuôi riêng, để điều trị theo phác đồ của bác sĩ thú y.
Chuồng nuôi ngan Pháp:
Chuồng trại nuôi ngan phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vệ mùa đông. Thông dụng nhất hiện nay là nuôi ngan trên sàn lưới thép. Sàn làm cách biệt mặt nền 1 viên gạch nghiêng hoặc 2 viên gạch nằm.
Chuồng nuôi luôn thoáng mát.
Nền chuồng cũng phải có thảm bê tông láng bóng, để tiện cho bơm nước phụt rửa vệ sinh sàn/nền 2-3 lần/ngày.
Vào những ngày nắng nóng oi nồng, cần phun nước làm mát mái chuồng và bật quạt thông gió trong trại ngan, kết hợp với tắm cho ngan 1-2 lần/ngày. Mùa đông có thể 1-2 ngày mới tắm cho ngan 1 lần, tùy theo thời tiết.
Định kỳ 5-10 ngày/lần phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, 1 tháng/lần rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi.
Thức ăn cho ngan:
Thức ăn, nước uống cho ngan phải luôn mới. Ngan ăn hết mới bổ sung thêm, để tránh thức ăn bị ẩm mốc, ôi thiu. Các dụng cụ cho ngan ăn uống phải được tẩy rửa sạch sẽ thường xuyên.
Cần đầu tư hầm Biogas để xử lý chất thải và lấy khí làm chất đốt sinh hoạt gia đình.
Mật độ nuôi:
Mật độ phù hợp cho nuôi ngan trên sàn là 4-5 con/m2. Nhiệt độ thích hợp nhất cho ngan tăng trọng là 22-25oC.
Tỷ lệ hao hụt trong nuôi ngan lớn nhất là ở giai đoạn úm giống (dưới 20 ngày tuổi), ngan con thường bị chết sau tiêm vacxin 1-2 ngày, tỷ lệ chết trên ngan đực thường cao hơn ngan cái.
Để giảm thiểu hao hụt, cần chọn mua con giống khỏe, nở đúng ngày (ngày thứ 34 hoặc 35), vệ sinh diệt trùng và làm ấm chuồng trại trước khi đưa ngan con vào úm. Sau khi thả con giống vào quây, cần cho ngan uống nước sạch 3-4 giờ rồi mới cho ăn.
Kỹ thuật chăm sóc qua từng giai đoạn sinh trưởng:
Cần giữ nhiệt úm khoảng 31-33oC sau đó cứ mỗi ngày giảm 1oC. Ngan 15 ngày tuổi tối thiểu phải đảm bảo nhiệt độ úm 26-27oC.
Từ 28 ngày tuổi trở lên, để ngan nuôi ở nhiệt độ tự nhiên. Chú ý quan sát, nếu ngan con nằm dồn đè lên nhau là nhiệt độ chuồng úm thấp, phân tán đều khắp chuồng là đàn ngan khoẻ mạnh, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu.
Ngan nằm há mỏ giơ cánh lên là nhiệt độ chuồng quá cao. Ngan dáo dác khát nước, dồn vào khu vực nhất định là bị gió lùa; lông bết dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém...
Lưu ý:
Để tăng hiệu quả chăn nuôi, nhà nông nên tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp (bã đậu, bã rượu, bã bia, cơm thừa từ bếp ăn tập thể, rau bèo, tôm tép các loại), phối trộn với cám ngô, cám gạo và cám viên công nghiệp hoặc cám công nghiệp đậm đặc.
Giải pháp này giúp giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng thịt thương phẩm (nhiều nạc, ít mỡ), dễ bán được giá cao hơn so với ngan nuôi cho ăn thuần cám viên công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu cuốn lá nhỏ non tiếp tục hại. Sâu đục thân 2 chấm non gây bông bạc trên trà lúa trỗ sau 5/9.
Cà chua, mướp đắng chung giàn, vừa nhàn, hiệu quả lại cao” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ nhân của mô hình trồng cà chua chung giàn với mướp đắng
Các mô hình nông nghiệp thông minh tiết kiệm diện tích mà vẫn hiệu quả luôn rất được quan tâm. Mô hình nuôi lươn theo chuỗi liên kết đang khẳng định điều đó.