Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Kinh Nghiệm Gieo Mạ Khay Cấy Máy

Kinh Nghiệm Gieo Mạ Khay Cấy Máy
Ngày đăng: 30/04/2014

Mạ gieo khay để cấy máy là một phương thức gieo cấy mới đối với nông dân tỉnh Thái Bình. Cấy máy giúp nông dân giảm công cấy, thời gian nhanh hơn mà vẫn đảm bảo được kỹ thuật.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã áp dụng mô hình này thành công như Thụy Dân, Thụy Phúc, Thụy Lương, Thụy Sơn... huyện Thái Thụy; Vũ Hòa, Lê Lợi - huyện Kiến Xương. Qua tổng kết, một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình là kỹ thuật gieo và chăm sóc mạ.

Xin giới thiệu qui trình kỹ thuật gieo mạ khay cấy máy như sau:

1. Chuẩn bị mộng mạ

- Lượng thóc giống 1 sào: lúa lai 1 kg, lúa thuần 1,2-1,5 kg tùy giống.

- Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ: cần phơi qua dưới nắng nhẹ để diệt nấm bệnh trên vỏ hạt và tăng khả năng hút nước của hạt khi ngâm. Đối với các giống lúa thuần để tăng chất lượng cây mạ nên cho hạt giống qua nước muối 10% để loại bỏ lép lửng.

Cách làm như sau: Pha 1kg muối trong 10 lít nước sạch xử lý cho 5-7 kg thóc. Cho lượng thóc giống vào thùng nước muối đã pha, sau đó vớt bỏ hết các hạt lép lửng nổi phía trên, đãi, rửa thật sạch lượng thóc đã lọc rồi tiến hành đem ngâm bằng nước sạch.

- Ngâm thóc giống: Yêu cầu hạt thóc phải no nước. Đối với lúa thuần ngâm 48-72 giờ, lúa lai ngâm 10-24 giờ tùy theo hướng dẫn ghi trên bao bì của từng giống. Lưu ý trong quá trình ngâm cứ 10-12 giờ thì thay nước đãi chua 1 lần. Để tăng khả năng chống chịu đối với ngoại cảnh bất thuận và giúp cho mầm và rễ mạ khỏe bà con nên ngâm với chế phẩm KH.

Cách làm như sau: Pha 1 gói KH (10-15 ml) vào 10 lít nước sạch và ngâm cho 5-7kg thóc giống. Cứ ngâm 10-12 giờ thì bà con vớt lên để ráo 1 giờ rồi lại ngâm tiếp đến khi hạt no nước rồi đem ủ bình thường. Trong quá trình ngâm không phải thay nước.

- Ủ hạt giống: Để hạt nứt nanh nhanh cần ủ nóng. Vụ xuân nhiệt độ thấp, do vậy cần phải kích nhiệt cho hạt trước khi ủ bằng cách đun nước nóng rát tay, đổ ra chậu, lăn đảo hạt giống cho đều rồi đem ủ. Có thể ủ ở đống rơm rạ ẩm hoặc ủ dưới hố trong vườn hay trong thùng xốp giữ nhiệt khoảng 20-24 giờ.

Đối với mạ gieo để cấy máy yêu cầu mộng mạ nứt nanh gai dứa là vừa, nếu ủ nhiều, rễ và mầm dài không gieo được dầy, khi cấy bằng máy sẽ không đảm bảo mật độ.

2. Gieo mạ

- Lượng khay/sào: Đối với những máy cấy mật độ 26-28 khóm/m2 thì cần 6-7 khay, với máy cấy mật độ cao trên 30 khóm/m2 thì cần 8-9 khay.

- Chuẩn bị giá thể: Có thể sử dụng đất bột hoặc bùn để làm giá thể gieo mạ khay.

* Giá thể bằng đất bột: 1m3 đất bột + 0,5 m3 mùn cưa hoặc trấu xay + (10kg lân super + 1,6 kg đạm + 1,6 kg kali) trộn đều. Lượng giá thể trên gieo cho 200 khay mạ (cấy khoảng 1 ha).

Kỹ thuật gieo: Cho lượng giá thể đã chuẩn bị sẵn vào khay, gạt phẳng với độ dầy 1,5-2cm. Xếp các khay thẳng hàng trên mặt sân, tưới thật đẫm nước rồi tiến hành gieo hạt.

Chú ý gieo dầy, gieo đi gieo lại cho đều và gieo cả các mép khay. Gieo xong tưới nước lại một lần nữa rồi phủ kín hạt bằng lớp đất bột. Gieo xong có thể chồng các khay lên nhau và phủ nilon giữ ấm để giúp mạ nhanh mọc.

* Giá thể gieo bằng bùn: Đất bùn sạch 10 xô (10 lít) + xỉ than hoặc trấu mục 2-3 xô (10 lít) + 0,3 kg lân trộn đều. Một ít đất bột và xỉ than phủ mặt. Lượng trên gieo cho 8-9 khay mạ.

Cách gieo: Cho hỗn hợp bùn đã trộn vào khay, độ dầy bùn là 2cm. Chú ý không làm bùn quá lỏng khi gieo sẽ bị chìm mộng mạ và sau này khi bùn khô sẽ co lại, độ dầy đất bùn không đảm bảo cho việc cấy máy.

Khi gieo cần đảm bảo hạt được gieo đều các mép khay, gieo xong phủ kín hạt bằng đất bột rồi cũng chồng các khay lên nhau và phủ nilon giữ ấm để giúp mạ nhanh mọc.

Chú ý: Đối với mạ khay thì sau khi phủ đất kín hạt xong tuyệt đối không được tưới nước ngay nước sẽ làm dí đất, cây mạ sẽ mọc chậm, sinh trưởng kém.

3. Chăm sóc

Khi mạ mũi chông thì dải các khay ra nền phẳng và chăm sóc như mạ nền cứng thông thường. Khi mạ có 2,5-3 lá là cấy được.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn

Cây lúa rất mẫn cảm với đất phèn. Vì vậy, khi trồng lúa trên nền đất phèn, nông dân phải có giải pháp canh tác thông minh trước khi xuống giống.

18/05/2020
Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

Tổn thất sau thu hoạch của ngành lúa gạo khoảng 14% tương đương với hàng nghìn tỷ đồng bị mất mỗi năm, chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi và sơ chế, bảo quản

23/05/2020
Sản xuất lúa Nhật (Japonica) theo chuẩn VietGAP Sản xuất lúa Nhật (Japonica) theo chuẩn VietGAP

Năm 2020 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội làm mô hình 300 ha lúa Japonica chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn, chất lượng đồng thời gia tăng

23/05/2020
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa Nhật (Japonica) Phòng trừ sâu bệnh hại lúa Nhật (Japonica)

Vụ xuân năm 2020 nắng mưa thất thường, từ đầu tháng 3, trời nồm ẩm kèm sương mù, mưa phùn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sâu bệnh

23/05/2020
TBR117 - giống lúa thuần triển vọng TBR117 - giống lúa thuần triển vọng

Giống lúa thuần TBR117 là giống cảm ôn, ngắn ngày, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm

25/05/2020