Kinh nghiệm đánh bắt cá của người Khơ Mú
Có tập quán sinh sống ở gần sông, suối từ bao đời nay nên người Khơ Mú đánh bắt cá rất giỏi.
Theo ông Quàng Văn Cá, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên), trước khi đánh bắt cá, người Khơ Mú thường tiến hành nghi thức cúng cầu mong các vị thần sông, suối phù hộ cho bà con khi đi đánh bắt cá được một mẻ lưới bội thu.
“Đồ lễ rất đơn giản, mang tính tượng trưng gồm 1 con cá nướng, 2 chén rượu, xôi đồ, 1 bát gạo trên đặt 1 quả trứng gà, 1 chiếc bè nhỏ tượng trưng và vài cái quạt nan được kết bằng lá chuối.
Thầy cúng sẽ khấn mong thần sông, thần suối phù hộ cho bà con đi đánh cá được đầy giỏ, đầy hom.
Mong cho đàn cá sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều để dân bản đánh bắt được nhiều hơn, cho đời sống của bà con ấm no, hạnh phúc.
Cúng xong, thầy cúng sẽ ngắt miếng cá, miếng xôi bỏ lên bè và thả xuống sông, đến lúc này bà con mới bắt đầu mùa kiếm cá” – ông Cá nói.
Trước đây bà con phải đợi ngày lũ, nước đục mới đi đánh bắt nhưng hiện nay, dựa theo kinh nghiệm bà con có thể đánh bắt suốt cả năm.
Ông Cá chia sẻ: “Chúng tôi đánh bắt cá bằng nhiều dụng cụ như chai, vợt, lưới.
Nhưng phổ biến nhất là cất vó, đứng ở trên bờ chứ không lội xuống sông, suối.
Nước càng đục, càng dâng cao cất vó càng được nhiều cá.
Mồi được làm từ cám, gạo đem rang thơm trộn với đất dẻo, vo thành cục nhỏ, tung vào lòng vó.
Thấy mùi cám thơm, cá vào vó ăn, bà con chỉ cần cất vó lên là bắt được cá”.
Theo những người có kinh nghiệm, phải quan sát dòng nước, tìm những nơi cá thích dừng lại để kiếm ăn.
Ví dụ nước đang chảy xiết, có một cục đá chặn ngang, nghe tiếng nước ục ục là nơi cá kiếm ăn.
Mặc dù cá suối bây giờ không còn nhiều, nhưng với người Khơ Mú nhiều kinh nghiệm, chỉ vài ba giờ đánh bắt là bà con đã có giỏ cá đầy bên hông.
Cá mang về được bà con Khơ Mú chế biến thành nhiều món ăn rất ngon như cá nướng, cá chua, canh cá, cá khô...
Có thể bạn quan tâm
Trong khi các doanh nghiệp thu mua hải tồn kho hàng ngàn tấn cá không thể bán được thì các doanh nghiệp chế biến hải sản lại thiếu nguồn nguyên liệu sạch để chế biến. Họ cho rằng nguyên nhân cũng từ việc Formosa xả chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường biển.
Theo dự thảo đề án của Bộ NNPTNT được đưa ra lấy ý kiến trong hội nghị hôm nay (27.8) tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ.
Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, gần 4.000 tấn hải sản đang tồn kho tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế sau sự cố Formosa cần được khẩn cấp lấy mẫu kiểm tra để tiêu hủy đối với hải sản không bảo đảm an toàn.