Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Kính nể nơi trồng hành lá thu 21 tỷ đồng/năm

Kính nể nơi trồng hành lá thu 21 tỷ đồng/năm
Tác giả: Minh Tuấn
Ngày đăng: 28/10/2017

Phường Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 560 hộ tham gia trồng hành lá với diện tích 60ha, mỗi năm thu về trên 21 tỷ đồng.

Hàng chục ha diện tích ruộng lúa kém hiệu quả, bỏ hoang ở phường Hương An được phủ xanh bởi những ruộng hành

Giàu lên

Những năm trước, do hiệu quả kinh tế đem lại từ việc SX cây lúa nước thấp, cùng với giá thuê nhân công cao nên người dân Hương An không mấy mặn mà với việc trồng lúa, tình trạng cho người ngoài xã mượn đất canh tác, thậm chí bỏ đất trống ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nhận thấy diện tích lúa kém hiệu quả và nguồn nước tưới dồi dào, đặc biệt có nhiều diện tích không bị ảnh hưởng do lũ, chính quyền phường Hương An đã triển khai mô hình trồng hành lá để giải bài toán phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, mô hình trồng hành ở phường Hương An đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét. Toàn phường có 7 tổ dân phố tham gia trồng hành hàng hóa với diện tích khoảng 60ha. Mỗi ngày, Hương An xuất ra thị trường từ 12 - 15 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Nhờ nguồn nước và chất đất phù hợp nên hành Hương An có mùi thơm hơn những nơi khác nên được thị trường ưa chuộng, SX đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thời điểm thu hoạch, thương lái khắp nơi đến tận ruộng để thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Đang ôm những bó hành xanh mượt vừa thu hoạch, ông Hồ Phước Dũng (Tổ dân phố An Lưu, phường Hương An) vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi hiện trồng 4 sào hành. Trồng cây này không vất vả như trồng lúa mà hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Hành lá được trồng với chu trình sản xuất từ 30 - 35 ngày sẽ cho thu hoạch 3 vụ, bình quân một sao cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn/năm. Với giá bán hiện nay dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, 4 sào hành cho gia đình tôi thu nhập trên 150 triệu đồng”.

Người dân Tổ dân phố An Lưu thu hoạch hành vụ 3

“Năm trước mỗi ha hành cho thu nhập 240 triệu đồng, nhưng năm nay đã tăng lên 360 triệu. Với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg thì 60ha hành của địa phương đã thu về trên 21 tỷ đồng/năm”, ông Phan Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An cho hay.

Ông Phan Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, mưa lũ đến muộn nên thời điểm này (tháng 10 dương lịch) bà con vẫn duy trì diện tích trồng khá lớn. Bên cạnh đó, một số địa phương bị lũ lụt tàn phá nên lượng rau xanh khá hạn chế. Vì thế cây hành năm nay được giá hơn so với mọi năm. Hiện mỗi kg hành lá mua tại ruộng của nông dân có giá 25.000 đồng/kg. Nhờ đó mà kinh tế các thành viên phát triển, xóa bỏ nhà tạm và xây được nhà kiên cố, con cái cũng được ăn học đầy đủ.  

Xây dựng thương hiệu

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Hương An đã phối hợp với ĐH Nông lâm Huế tập huấn kỹ thuật trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Hiện HTX có 177 hộ tham gia trồng hành theo quy trình này với diện tích khoảng 17ha. Trồng hành theo tiến bộ kỹ thuật vừa đảm bảo sức khỏe người trồng, vừa an toàn cho người tiêu dùng nên ngày càng được thành viên hưởng ứng.

Chị Hồ Thị Nhạn (trồng 2 sào hành) cho biết, để cây hành phát triển tốt thì khâu làm đất, lên luống rất quan trọng, mùa hè phải tưới nước đầy đủ

Quy trình chăm sóc hành VietGAP đòi hỏi nhiều công sức nhưng thành quả mang lại là rất lớn. Giá hành bán được cao hơn, uy tín của sản phẩm hành lá ngày càng được nâng cao. Để xây dựng thành công thương hiệu hành lá Hương An thì việc đầu tiên và quan trọng nhất phải nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Lộc nói.

Để giải quyết khó khăn về nguồn nước, HTX Hương An đã chủ động tu sửa, mở rộng hệ thống kênh mương, đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước đến các ruộng hành của bà con. Bên cạnh đó, sâu bệnh lâu nay vốn là nỗi lo của người nông dân nhưng nhờ sự hỗ trợ từ phía các kỹ sư nông nghiệp của ĐH Nông lâm Huế, thiệt hại do sâu bệnh đã được kiểm soát. Người trồng hành cảm thấy phấn khởi với mô hình này.

Nói về hướng phát triển trong tương lai, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương An bộc bạch: “HTX có ý tưởng xây dựng cơ sở chế biến hành khô nhằm chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con, bởi nếu như không tiêu thụ hết trong ngày hành sẽ nhanh chóng bị hỏng, héo úa. Khi xây dựng thành công cơ sở này giá trị cây hành được tăng lên, tiêu thụ ổn định hơn và ít bị thương lái ép giá".

Ông Phan Lộc tự hào khi HTX Hương An được chứng nhận quy trình VietGAP

Vừa qua, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản TT - Huế đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình và trao cho HTX Nông nghiệp Hương An giấy chứng nhận SX hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích được chứng nhận là 8,43ha, đưa tổng diện tích sản phẩm hành lá đã được chứng nhận VietGAP tại phường Hương An lên 16,53ha trên tổng số 60ha.

Đặc biệt, thông qua hội nghị, một số nhà kinh doanh như siêu thị BigC, các cửa hàng rau sạch, thương lái... đã quan tâm hơn đến cây hành lá được SX theo hướng an toàn và cam kết sẽ phối hợp với HTX Hương An để mở rộng tiêu thụ sản phẩm...


Có thể bạn quan tâm

Nhóm giống hoa lily trồng phổ biến Nhóm giống hoa lily trồng phổ biến

Những năm gần đây các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển hoa, cây cảnh đã chọn lọc thành công nhiều giống hoa lily cho sản xuất đại trà.

27/10/2017
Cà chua ghép trong nhà lưới sai trĩu quả, tạo ra 'luồng gió mới' ở Ea H'leo Cà chua ghép trong nhà lưới sai trĩu quả, tạo ra 'luồng gió mới' ở Ea H'leo

Mô hình trồng chủ yếu cây cà chua ghép (xuất xứ từ Đà Lạt). Sau hai tháng trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hiện đại, vườn sai trĩu quả.

28/10/2017
2 giống lúa vượt trội 2 giống lúa vượt trội

Cả 2 giống lúa được gieo cấy và chăm sóc như nhau, có thời gian sinh trưởng tương đương đương nhau. Đây là 2 giống lúa vượt trội

28/10/2017