Kiệu đang chết dần vì thiếu nước, người trồng lao đao
Lao đao trên ruộng kiệu
Hàng năm, đến cuối tháng 3 (âm lịch) nông dân trồng kiệu tại Phù Mỹ bắt đầu vào vụ để cung ứng giống sản xuất kiệu dịp tết. Nhưng năm nay, nhiều nông dân đang đối mặt với mất mùa kiệu do nắng nóng kéo dài.
Ông Đỗ Học (trú thôn Tân An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) cho biết: “Vụ hè thu này, gia đình tôi trồng được 2 sào kiệu. Xuống giống vào tháng 3 (âm lịch) nhưng hiện nay có 1 sào đã chết rụi, nắng nóng khiến cây kiệu không mọc nổi rễ, nhổ bụi kiệu lên không thấy có sợi rễ nào. Sào kiệu còn lại, lá đã bắt đầu đỏ đọt, cằn cọc không phát triển”.
Theo ông Học, cuối tháng 6 (âm lịch) sẽ là thời điểm để thu hoạch kiệu giống, sản xuất vụ kiệu tết nhưng nắng nóng cứ kéo dài, lão nông này đang lo rằng những ruộng kiệu tại gia đình không thể sống nổi đến lúc thu hoạch.
“Tôi bỏ tiền triệu xuống ruộng rồi ngày đêm chăm sóc nhưng mùa kiệu giống năm nay mất mùa. Mất tiền, ngày công nhưng lượng kiệu giống thu về không như ý. Vụ kiệu chính năm nay bà con trồng kiệu ở Phù Mỹ chắc chắn sẽ bị thiếu kiệu giống trầm trọng”- ông Học than vãn.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, nắng nóng tiếp tục kéo dài đang khiến cuộc sống nhiều nông dân lao đao. Hiện nay, toàn huyện có 726,3ha cây trồng vụ hè thu bị hạn và bị xâm nhập mặn (trong đó: 90ha lúa bị chết), 21ha lúa bị nhiễm rầy và 43,5ha bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Cạnh ruộng kiệu của ông Học là ruộng của chị Tâm, cũng thôn Tân An (xã Mỹ Quang). Ruộng kiệu của chị Tâm cùng xuống giống với kiệu của ông Học. Thế nhưng, suốt mấy tháng qua cây kiệu không phát triển nổi, đặc biệt khoảng 2 tuần nay, nắng gắt cực điểm đã khiến ruộng kiệu của chị Tâm bắt đầu chết dần.
Do nguồn kiệu giống phụ thuộc các tỉnh thành phía Nam nên cứ đà này, giá sẽ bị đẩy lên rất cao. Giá rơm cũng tăng mạnh lên tới 700.000 đồng/sào rơm. Trồng kiệu thì không thể thiếu rơm. Bởi rơm vừa giúp không cho cỏ mọc, vừa giữ ẩm cho đất. “Kiệu có chất lượng tốt hay kém phần nhiều là nhờ rơm. Vụ này, giá giống kiệu tăng, giá rơm cao, cứ đà này người trồng kiệu như chúng tôi sẽ rất khốn khó” - chị Tâm nói trong lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Tâm cho hay: “Năm trước, 1 sào kiệu giống cho thu hoạch khoảng 3-4 tạ giống. Vừa trồng đủ ruộng nhà vụ kiệu tết, vừa có thừa bán cho bà con trong làng lấy tiền đầu tư cho ruộng kiệu của mình. Nhưng hiện tại, ruộng kiệu giống bắt đầu khô lá, nếu có thu được cũng chỉ chừng 1 tạ giống, không biết có đủ trồng ruộng nhà không”.
Ông Võ Văn Tứ - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Hàng năm, nông dân xã Mỹ Quang trồng khoảng 100 ha kiệu thương phẩm bán tết. Vụ kiệu giống sản xuất trong mùa khô hạn nên gặp khó khăn về nước tưới. Năm nay, nắng nóng kéo dài, đất ruộng trồng kiệu khô rốc, cây kiệu không phát triển được bộ rễ, lá khô dần từ đọt xuống. Khi bộ rễ teo hết thì cây kiệu cũng chết theo”.
Lo “khát” nước sinh hoạt
Theo các nông dân, cứ mỗi sào (500m2) kiệu giống thì trồng được 4 - 5 sào kiệu thương phẩm. Do đó, với 85ha kiệu giống trồng trong vụ hè thu này, nếu được mùa vẫn không cung ứng đủ cho gần 1.000ha kiệu thương phẩm. Như vậy, cứ đến vụ kiệu chính là kiệu giống từ miền Nam đổ về cung ứng cho nông dân.
Ông Nguyễn Thành Lợi- chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Phù Mỹ cho biết: “Vụ hè thu năm nay, nông dân Phù Mỹ trồng được 85ha kiệu giống. Hàng năm, diện tích trồng kiệu thương phẩm để bán tết trên địa bàn huyện đạt bình quân gần 1.000ha”.
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân chuyên trồng kiệu, năm ngoái kiệu giống không mất mùa nhưng đến vụ kiệu chính những hộ không có đất trồng kiệu giống đã phải mua giống với giá 27.000 đồng/kg (chưa lặt rễ). Năm nay, nếu tình trạng nhiều ruộng kiệu bị chết dần do nắng hạn thì giá kiệu giống chắc chắn sẽ còn tăng cao do mặt hàng này khan hiếm, cung không đủ cầu.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, nắng nóng tiếp tục kéo dài đang khiến cuộc sống nhiều nông dân lao đao. Hiện nay, toàn huyện có 726,3ha cây trồng vụ hè thu bị hạn và bị xâm nhập mặn (trong đó: 90 ha lúa bị chết), 21ha lúa bị nhiễm rầy và 43,5ha bị nhiễm bệnh đạo ôn. Đặc biệt, 4.580 hộ dân với 18.917 khẩu tại 13/19 xã, thị trấn đang đối mặt với nỗi lo “khát” nước sinh hoạt.
Ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nói: “Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện đã giao cho Ban quản lý Nhà máy cấp nước sạch Phù Mỹ tiếp nhận quản lý và phát huy hết công suất 2 công trình cấp nước sinh hoạt tại 2 xã (Mỹ Thành, Mỹ Phong) vừa mới nâng cấp. Hai công trình này sẽ cấp nước sinh hoạt cho gần 2.200 hộ dân tại các địa phương nói trên. Bên cạnh đó, sẽ sớm đưa công trình cấp nước sinh hoạt hồ Hóc Môn (xã Mỹ Châu) vào sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng chục hộ nông dân nghèo xã Núi Ngam, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã vươn lên khá giả khi tham gia mô hình chăn nuôi trâu sinh sản theo nhóm hộ.
Mới được đưa về trồng trên cao nguyên Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La) hơn 2 năm nay, nhưng cây chanh leo đã khẳng định được chỗ đứng của mình bằng chính chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đây là một trong các nông sản sạch đang được sản xuất và tiêu thụ theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tại phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh điêu đứng.