Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Kiên Giang: Nhanh chóng hỗ trợ hộ nuôi thủy sản

Kiên Giang: Nhanh chóng hỗ trợ hộ nuôi thủy sản
Tác giả: Lâm Du
Ngày đăng: 27/06/2017

Vụ việc thủy sản nuôi chết một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang bị chết hàng loạt thời gian qua, đến nay dù đã có nguyên nhân ban đầu nhưng người nuôi thủy sản vẫn đầy lo lắng.

Nghêu chết trắng ở Kiên Giang   Ảnh: CTV

Đã có manh mối ban đầu

Từ ngày 5 - 11/5, tại khu vực ven biển huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên đã xảy ra hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Theo thống kê, huyện Kiên Lương có hơn 3.000 tấn nghêu, sò huyết, sò lông và hơn 23.000 cá nuôi lồng bè bị chết, ước thiệt hại gần 69 tỷ đồng; còn tại thị xã Hà Tiên có 17 hộ nuôi nghêu bị thiệt hại trên diện tích 42,5 ha, sản lượng khoảng 139 tấn. Ước thiệt hại chung ban đầu lên đến gần 70 tỷ đồng.

Ông Đặng Trung Tín, Chủ tịch UBND xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, cho biết, hơn một nửa hộ dân trong xã sống dựa vào việc nuôi trồng thủy sản. Khi xảy ra sự cố, địa phương đã khuyến cáo người dân hạn chế lấy nước vào ao, vuông để nuôi trồng thủy sản; đồng thời, yêu cầu người dân không tiêu thụ, buôn bán số lượng hải sản đã chết.

Trước tình hình trên, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra thực tế tại khu vực xảy ra tình trạng cá và các loại nhuyễn thể hai mảnh chết hàng loạt ở huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên và đã lấy một số mẫu để đưa đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cũng gửi đồng thời 6 mẫu nước lên TP Hồ Chí Minh xét nghiệm. UBND tỉnh Kiên Giang và Sở NN&PTNT tiếp tục đi khảo sát tại khu vực thủy sản chết.

Mới đây, sau khi nghe báo cáo kết quả xác định hiện tượng thủy sản chết bất thường, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã thông báo kết quả “phân tích bước đầu” xác định nguyên nhân. Kết quả phân tích mẫu nước và mẫu động thủy sản của các cơ quan chuyên môn có thể nhận định, nguyên nhân gây thủy sản chết hàng loạt có nhiều khả năng là do nguồn nước biển ở khu vực này tại thời điểm đó bị ô nhiễm cục bộ bởi hiện tượng tảo “nở hoa” sinh độc tố và gây thiếu ôxy vào ban đêm. Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn cũng loại trừ yếu tố do biến đổi thời tiết bất thường, ô nhiễm môi trường trên diện rộng (thủy triều đỏ) và dịch bệnh trên động vật thủy sản. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, cần tiếp tục nghiên cứu xác định tác nhân, nguồn gốc gây ô nhiễm thực sự...

Giải pháp khắc phục

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Kiên Giang, hiện tại, khu vực huyện Kiên Lương và các vùng lân cận không còn hiện tượng nghêu, cá chết. Sở đang phối hợp với UBND huyện Kiên Lương và UBND thị xã Hà Tiên thành lập tổ kiểm tra và xác minh số lượng, chủng loại, mức độ thiệt hại cụ thể để báo cáo UBND tỉnh.

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho những hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại tại địa phương, Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu xác định nguyên nhân chính xác làm ô nhiễm môi trường gây hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Cùng đó, tăng cường công tác quan trắc, giám sát môi trường nước để kịp thời cảnh báo người dân trong vùng cũng như ứng phó hiệu quả với những thay đổi bất thường. Ngoài ra, khuyến cáo người dân an tâm sản xuất, có thể lấy nước nuôi thủy sản vì hiện nay môi trường nước đã cơ bản ổn định và thủy sản nuôi, thu hoạch tự nhiên qua kết quả giám sát đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, loài tảo Leptocylindrus danicus hiện diện với mật độ cao (304.200 - 1.668.600 tế bào/l) gây hiện tượng “nở hoa” làm thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm, dẫn đến tình trạng thủy sản chết hàng loạt.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá hồi bằng hệ thống đóng kín trong Nuôi cá hồi bằng hệ thống đóng kín trong

Mỗi cấu trúc 20.000 m3 có khả năng sản xuất đến 1.000 tấn cá hồi, mật độ thả khoảng 1,3 lần hiện đang được sử dụng trong lồng bút.

27/06/2017
Thêm nhiều điển hình tiên tiến Thêm nhiều điển hình tiên tiến

Nghệ An giới thiệu những gương điển hình trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần… tiêu biểu để tôn vinh.

27/06/2017
Mô hình nuôi cá chép thương phẩm ở Hồng Phong Mô hình nuôi cá chép thương phẩm ở Hồng Phong

Đầu năm 2017, từ nguồn Quỹ HTND tỉnh, HND TX Đông Triều đã triển khai dự án nuôi cá chép thương phẩm tại khu nuôi trồng thuỷ sản thôn Triều Khê

27/06/2017