Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kiếm bạc triệu nhờ cá đặc sản

Kiếm bạc triệu nhờ cá đặc sản
Ngày đăng: 21/07/2015

Trên dọc tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Mỗi năm khi mùa mưa bắt đầu, nước từ thượng nguồn đổ về là thời điểm “ăn nên làm ra” của nhiều ngư dân. Vì nhiều loại cá đặc sản có thói quen hay ngược dòng về vùng đầu nguồn đón dòng nước xiết đổ xuống để sinh sản.

* Săn cá đặc sản

Vào nửa đầu mùa mưa, nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Đồng Nai thường đi “săn” các loại cá đặc sản vào ban đêm. Cuộc hành trình của họ thường bắt đầu vào vào khoảng 5 giờ chiều và đi thâu đêm đến khoảng 4 - 5 giờ sáng hôm sau thì trở về để kịp bán mẻ cá tươi ngon cho các thương lái đợi sẵn trên bến. Các loại cá đặc sản khi đánh bắt được phần lớn các ngư dân đều có sẵn thùng chứa, máy sục khí để giữ cho cá sống, giá sẽ cao hơn nhiều so với cá đã chết.

Ông Đào Văn Quyết ở ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho hay: “Tôi làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai đã gần 30 năm. Vào nửa đầu mùa mưa, một số loại cá đặc sản xuất hiện nên tôi thường giong thuyền tìm bắt. Hôm nào may mắn săn được nhiều cá đặc sản, số tiền kiếm được có khi bằng cả tuần đi đánh bắt ở những mùa khác”. Theo ông Quyết, có những hôm ông đánh bắt được cá leo vài chục kg/con. Giá cá leo lớn bán tại bến cho thương lái là 100 - 120 ngàn đồng/kg. Mắc nhất là cá chình, may mắn bắt được con chừng 4 - 5 kg/con, cầm chắc 2,5 - 3 triệu đồng. Cá chình sông loại lớn tại bến từ 600 - 650 ngàn đồng/kg. Kế đến là cá chạch, vào đầu mùa mưa có người săn được loại 2 - 3 con/kg, và nếu còn sống cá chạch giá khoảng 350 ngàn đồng/kg. Các loại cá đặc sản phần lớn được các nhà hàng tại TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh đặt mua trước.

“Phần lớn những người có kinh nghiệm lâu năm mới biết cách đánh bắt được nhiều cá đặc sản. Do mỗi loại cá có đặc tính khác nhau, như: cá leo, cá lăng, cá chình vào đầu mùa mưa thường tìm về những nơi có dòng nước chảy xiết. Còn cá chạch, cá chốt, cá trèn lại chọn nơi nước yên bình trong eo, ngách của sông” - anh Nguyễn Trí, ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai ở ấp 1, xã Phú Ngọc nói.

* Gian nan theo nghề

Nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai khá vất vả, hầu hết ngư dân phải thức đêm làm việc. Bởi ban đêm là lúc thời tiết mát mẻ, các loại cá rủ nhau đi kiếm ăn. Nghề “săn” cá đặc sản cũng tương tự như vậy. Người có thuyền lớn, kinh nghiệm nhiều thì chọn những vùng nước đầu nguồn đổ xuống mạnh để đánh bắt hoặc ra giữa những khúc sông sâu, rộng để buông lưới. Những hộ có thuyền nhỏ, sức khỏe yếu hoặc mới vào nghề chọn những khúc sông nước chảy êm đềm để đánh bắt.

Bà Phạm Thị Thà, ấp 1, xã Phú Ngọc cho hay: “Vào nửa đầu mùa mưa, đi đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai, đặc biệt là đi săn cá đặc sản rất nguy hiểm. Những cá đặc sản lớn thường tìm về thượng nguồn nơi nước đổ về mạnh. Người không có kinh nghiệm, sức khỏe kém không may gặp mưa lớn, dông lốc rất khó chống đỡ”. Tuy nhiên, sự hấp dẫn từ các loài cá đặc sản rất lớn nên nhiều ngư dân vẫn ngược thuyền về thượng nguồn để mong cơ may “săn” được con cá chình, cá leo, cá lăng lớn... sẽ kiếm được vài triệu đồng/đêm. Theo một số ngư dân trên sông Đồng Nai, vào đầu mùa mưa thi thoảng có người bắt được con cá leo chàng bột, cá trắm sọc từ 50 - 60 kg/con.

Bà Trịnh Thúy Nhung, người chuyên mua bán cá đặc sản sông Đồng Nai khu vực Định Quán, chia sẻ: “Các loại cá chình, chạch, lăng, leo khi mua được của ngư dân tôi đều đóng vào các bao nước rồi bơm ô xy giữ cho sống rồi gửi xe ô tô đưa về TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh cho các mối. Với những loại cá trên, càng to thì giá càng cao”. Ngoài các loại cá đặc sản, nửa đầu mùa trên sông Đồng Nai khu vực thượng nguồn còn xuất hiện tôm càng xanh. Nhưng loại thủy sản này ngày càng hiếm, song có những ngày có người đánh bắt được con tôm càng xanh nặng gần 1 kg/con.

Các loại cá đặc sản trên sông Đồng Nai không cần chế biến cầu kỳ nhưng vẫn thành món ăn rất ngon. Ví như cá lăng, cá chình, cá chạch, cá leo có thể nướng muối ớt, nấu lẩu măng chua. Cá chạch còn có thể kho với mắm nêm, dưa ăn với cơm cũng rất ngon miệng.


Có thể bạn quan tâm

Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa Thừa Thiên Huế Mất Lạc, Được Dưa

Phong Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất toàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến nhiều hộ lao đao. Chị Trần Thị Tuyết ở thôn Cổ Bi trồng 5 sào, nhưng chưa bao giờ lại có năng suất thấp như Đông xuân này.

19/06/2014
Thành Tỷ Phú Nhờ Con Sứa Biển Thành Tỷ Phú Nhờ Con Sứa Biển

Nhờ có đầu óc nhạy cảm, chị Thiếc trở thành người Quảng Trị đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này trở thành tỷ phú nhờ con sứa. Cái duyên đến với nghề chế biến, kinh doanh sứa thật bất ngờ với chị. Theo chồng đi biển bao năm nhưng cuộc sống vẫn đói khổ, sức khỏe ngày càng yếu, năm 2012, chị quyết định lên bờ đi bán sứa, đóng gói thuê cho các doanh nghiệp.

26/11/2014
Lai Tạo Thành Công Giống Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolais Lai Tạo Thành Công Giống Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolais

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và Vương quốc Thái Lan về phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Charolais, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình giống bò thịt Charolais. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình cho hiệu quả bước đầu khả quan.

20/06/2014
Anh Anh "Nông Dân" Cử Nhân Đưa Hàng Chục Tấn Rau Sạch Xuất Ngoại

Anh Đức kể, gia đình anh vốn là nông dân nên dường như cái nghiệp này đã “ngấm vào máu” anh từ nhỏ. Mặc dù khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế (năm 2004) anh cũng thử lăn lộn với các nghề khác nhau, nhưng rốt cuộc “tình yêu ruộng vườn” vẫn thắng thế nên năm 2008 anh quyết định về làm nông dân.

26/11/2014
Trồng Rau Tại Nhà Trồng Rau Tại Nhà

Dọc theo tuyến đường Lê Hồng Phong, phường IV, mặc cho sự ồn ào hối hả của xe cộ, những chậu rau của gia đình chị Hồng Đào vẫn âm thầm phát triển tươi tốt. Chị Đào cho biết, tận dụng những chậu hoa tết còn lại ít đất cùng phân hữu cơ, chồng chị đã mang rau vào thay thế.

20/06/2014