Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Khuyến nông Yên Bái với công tác xây dựng nông thôn mới

Khuyến nông Yên Bái với công tác xây dựng nông thôn mới
Tác giả: KS. Đặng Thành Trung
Ngày đăng: 21/04/2022

Thành công này có được nhờ sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, sự đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong đó có vai trò không nhỏ của hệ thống khuyến nông. Các hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM tại địa phương.

Xác định được vai trò, nhiệm vụ của mình, thời gian qua toàn hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển khai các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại địa phương đặc biệt là tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Nhờ chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc, gắn lý thuyết với thực hành đã giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác thông tin, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chính là cầu nối đưa tri thức đến với nông dân. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tham quan trực tiếp cho các hộ dân. Phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới và không ngừng cải tiến theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể.

Với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, ở mỗi lớp tập huấn, các cán bộ sẽ truyền tải thông tin theo phương thức trao đổi hai chiều để người học cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, để người dân dễ hiểu, dễ áp dụng, trong các lớp tập huấn, các cán bộ ngành nông nghiệp đều lựa chọn các phương pháp, nội dung truyền tải đơn giản, tập huấn lý thuyết các kỹ thuật đến đâu đều được gắn kết với tăng cường tập huấn hướng dẫn hiện trường đến đó, qua đó mang lại hiệu quả tuyên truyền cao hơn. Thông qua các lớp tập huấn sẽ là cơ sở để bà con nông dân áp dụng vào mô hình của gia đình từ đó xây dựng các chương trình sản xuất tại địa phương một cách hợp lý và phù hợp với thổ nhưỡng địa hình.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, hàng trăm chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về công tác khuyến nông. Năm 2021, khuyến nông tỉnh đã tổ chức 43 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 1.600 học viên tham gia với các nội dung trọng tâm như tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quế bền vững, kỹ thuật vận hành bảo dưỡng máy làm đất đa năng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khôi tía… Từ những lớp tập huấn này, người dân đã dần nâng cao được kiến thức trong sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, sản lượng; cơ cấu câu trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, dự án hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.

Là 1 trong 22 hộ dân của xã Đại Đồng, huyện Yên Bình được lựa chọn tham gia Dự án “Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô được công nhận”, gia đình anh Trần Quý Thuận ở thôn Hồng Bàng thực hiện trồng trên diện tích 3 ha. Trước đây cũng với diện tích này gia đình anh trồng keo, bồ đề nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi tham gia vào dự án với giống bạch đàn cự vĩ DH 32-29, anh Thuận đã thấy rõ hiệu quả mà cây trồng mới này mang lại: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tôi tham gia trồng giống bạch đàn cự vĩ DH 32-29. Đến nay chỉ hơn 6 tháng nhưng đã có nhiều cây cao tới gần 5m, độ đồng đều cây tương đối cao và tỉ lệ sống của cây đạt hơn 95%”.

Nhiều mô hình, dự án với những loại cây trồng, vật nuôi mới như: Mô hình nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải; Mô hình nuôi gà thịt thương phẩm chất lượng cao tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên; Mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc tại xã An Bình, huyện Văn Yên; Mô hình sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm... bước đầu đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong xây dựng nông thôn mới, nếu khẳng định “Phát triển sản xuất là gốc” thì “Nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu” và “Lợi ích mang lại cho người dân là động lực”. Với những ý nghĩa đó, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Phú Yên hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn một số giống lúa mới Phú Yên hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn một số giống lúa mới

Sáng ngày 14 tháng 04 năm 2022 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Hòa (Phú Yên).

20/04/2022
Sơn La chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài năm 2022 Sơn La chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài năm 2022

Dự kiến ngày 18/5, UBND tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022.

20/04/2022
Chi hội nông dân ấp Tân Lợi nỗ lực xây dựng nông thôn mới Chi hội nông dân ấp Tân Lợi nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Chi hội nông dân ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành.

21/04/2022