Khuyến cáo nuôi tôm trong điều kiện chuyển mùa
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Mỹ Xuyên nói riêng đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa.
Theo dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ nửa cuối tháng 5, tỉnh Sóc Trăng sẽ chính thức bước vào mùa mưa, tuy nhiên nền nhiệt vẫn ở mức cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn (26 - 35 độ C).
Trong điều kiện nắng nóng xen kẻ những trận mưa đầu mùa dể làm cho môi trường ao nuôi bị biến động mạnh, sức đề kháng của tôm nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát triển.
Nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, giảm tỷ lệ tôm thiệt hại, góp phần cho vụ tôm năm 2020 được thành công, Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo người nuôi một số vấn đề cần lưu ý trong thời điểm hiện nay:
- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp; đặc biệt chú ý các yếu tố pH, độ kiềm, oxy, khí độc rất dể biến động theo hướng bất lợi cho tôm sau những cơn mưa lớn.
- Chủ động bón vôi xung quanh bờ ao trước khi mưa: vôi CaCO3 với liều lượng 10kg/100m2, tránh giảm pH, độ kiềm đột ngột và hạn chế nước ao bị đục sau mưa.
- Tháo bỏ phần nước mưa trên mặt (đối với những cơn mưa lớn), tránh gây sốc độ mặn, nhiệt độ đột ngột sau mưa.
- Sau khi mưa kiểm tra lại pH và độ kiềm, sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite khoảng 10-15kg/1.000m3 để điều chỉnh pH và độ kiềm cho phù hợp.
- Định kỳ xử lý nền đáy ao bằng các chế phẩm sinh học và thả ghép với một số loài thủy sản khác như: cá rô phi, cá điêu hồng…. để góp phần xử lý chất thải trong ao, làm sạch môi trường và hạn chế dịch bệnh xảy ra.
- Tăng cường chạy quạt vào ban đêm và sau khi trời mưa để tránh hiện tượng phân tầng nước gây sốc cho tôm.
- Định kỳ sử dụng khoáng tạt vào ban đêm để kích thích tôm lột xác đồng loạt, mau cứng vỏ và hạn chế tối đa tôm bị sốc trong thời điểm lột xác.
- Vào những ngày nắng nóng hoặc mưa liên tục hoặc quan sát thấy tôm lột xác... cần giảm 20-30% lượng thức ăn tránh dư thừa gây ô nhiễm ao nuôi.
- Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa cho tôm.
- Quan sát kỷ hoạt động của tôm, tình hình sức khỏe tôm nuôi (màu sắc, các phụ bộ, đường ruột, khả năng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng,...) để có hướng xử lý kịp thời.
- Định kỳ lấy mẫu nước ao nuôi và/hoặc mẫu tôm đến các Phòng xét nghiệm kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi. Nếu thấy mật độ vi khuẩn vượt ngưỡng giới hạn cho phép cần tiến hành diệt khuẩn.
- Dự trữ đủ các loại vôi, khoáng chất, các chất xử lý môi trường, nhiên liệu,… để xử lý kịp thời các tình huống xấu thường xảy ra trong mùa mưa.
- Đối với những ao chuẩn bị thả giống, cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chọn ngày thả cho thích hợp; tránh thả giống vào những ngày mưa lớn hoặc ngay sau những ngày mưa lớn vì rất dể gây sốc cho tôm con, giảm tỷ lệ sống.
- Thả giống kết thúc trong tháng 6/2020 để đảm bảo thời gian lắp lại vụ lúa, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin diễn biến về môi trường, thời tiết, dịch bệnh để chủ động trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Trong vụ 1/2020, nhiều vùng nuôi ở 2 huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước (Bình Định) tôm nuôi mới hơn 20 ngày tuổi đang bị bệnh gan tụy.
Bệnh do virus Div1 được xem là không nghiêm trọng trên tôm, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.
Nên khử trùng kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống bất cứ lúc nào có thể. Điều này áp dụng đối với bất kỳ cơ sở mới nào đã sẵn sàng khởi nghiệp lần đầu tiên