Không để thời tiết chuyển mùa ảnh hưởng đến tôm nuôi
Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, phèn cũng như những chất dơ bẩn, cặn bả hữu cơ trên bờ ao thường được tích tụ trong suốt thời gian dài trong mùa nắng, nên khi có sự xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa, những chất có hại này sẽ theo nước mưa trôi xuống ao nuôi tôm.
Điều này khiến cho môi trường ao tôm bị thay đổi đột ngột, độ mặn, nhiệt độ, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bị phân tầng. Đặc biệt, các yếu tố môi trường như pH, NH3, H2S... sẽ biến động mạnh, làm tôm nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ bị bệnh, hoặc ít nhất cũng gây ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi.
Tuy nhiên, những cơn chuyển mùa thường xuất hiện đột ngột, không có dự báo trước, nên người nuôi tôm thường không có sẵn các dụng cụ, hóa chất, chế phẩm sinh học... tại ao tôm, nên khi có các cơn mưa trái mùa xảy ra, người nuôi không thể có đầy đủ dụng cụ, hóa chất, để xử lý ngay các yếu tố bất lợi nêu trên.
Để bảo đảm môi trường nước ổn định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm nuôi trước những cơn mưa lớn bất ngờ, người nuôi tôm cần chủ động dự trữ các loại vôi, hóa chất, chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng để xử lý môi trường nước. Nên bón vôi xung quanh bờ ao và xả bỏ nước tầng mặt trong những cơn mưa lớn, tăng cường chạy quạt để tránh sự phân tầng nước.
Người nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao tôm và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi. Nếu không thực sự cần thiết, người nuôi không nên sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào ao nuôi tôm, mà cần lấy nước qua ao lắng và xử lý nước trước khi bơm vào ao nuôi tôm.
Khi có những hiện tượng bất thường, người nuôi tôm nên liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở, để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại. Cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, từ đó, chủ động hơn trong việc ứng phó với những cơn mưa chuyển mùa lớn xuất hiện đột ngột.
Bên cạnh, người nuôi tôm phải bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn tôm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, nhằm chống chịu lại điều kiện thời tiết bất thường. Việc thường xuyên kiểm tra ao, đầm nuôi sẽ kịp thời phát hiện những diễn biến mầm bệnh xảy ra, nhất là vào những ngày mưa to kéo dài, nhiệt độ tăng cao.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong tháng 5/2016 sẽ có những cơn mưa chuyển mùa với lượng nước lớn, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với hoạt động nuôi tôm nước lợ. Do đó, ngay từ bây giờ, người nuôi tôm nên chủ động có những giải pháp phòng tránh thiệt hại do những cơn mưa chuyển mùa gây ra, nhằm góp phần đem lại mùa tôm bội thu.
Có thể bạn quan tâm
Đó là khẳng định của ông Đỗ Bá Vọng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương - khi trao đổi với phóng viên NTNN về giải pháp hỗ trợ nông dân các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng bị thiệt hại do hiện tượng giống lúa thiên ưu 8 bạc trắng bông bất thường.
Việc xác định phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian qua đã biến Hóc Môn – một địa phương đất ít, người đông trở thành một trong những huyện có nền nông nghiệp phát triển mạnh nhất TP. HCM.
Việc nhập khẩu điều thô nguyên liệu đang gặp khá nhiều khúc mắc, vì vậy doanh nghiệp (DN) nên lập thành nhóm và để 1 - 2 đại diện đàm phán nhập khẩu chung nguồn nguyên liệu cho cả nhóm (khoảng 100.000 tấn). Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas).