Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Không chủ quan nguy cơ bệnh lùn sọc đen

Không chủ quan nguy cơ bệnh lùn sọc đen
Tác giả: Lê Bền
Ngày đăng: 09/08/2021

Các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ lúa mùa và hè thu muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.

Tập huấn xét nghiệm giám định virus LSĐ. Ảnh: TL.

Còn hơn 200 nghìn ha có nguy cơ nhiễm bệnh

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc có hơn 840.000 ha, trong đó lúa sớm – chính vụ giai đoạn đứng cái – làm đòng; lúa muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ có 311.000 ha, trong đó lúa hè thu giai đoạn trỗ - chín sáp; lúa mùa chính vụ giai đoạn đứng cái – làm đòng, lúa mùa muộn đẻ nhánh – đứng cái.

Trong tuần qua, các địa phương đã chỉ đạo phòng trừ rầy và sâu cuốn lá nhỏ, trong đó diện tích nhiễm tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ nhiễm 6.889 ha (cao hơn 5.667 ha so với kỳ trước, cao hơn 5.585 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 1481 ha, phòng trừ 2.371 ha.

Diện tích nhiễm rầy là 262 ha (cao hơn 181 ha so với kỳ trước, nhưng thấp hơn 9.585 ha so với cùng kỳ năm trước), đã phòng trừ 875 ha (trong đó diện tích phun trừ rầy để hạn chế bệnh lùn sọc đen là 503 ha).

Kết quả giám định virus lùn sọc đen (LSĐ) đầu tháng 8/2021 của Trung tâm BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV) vẫn phát hiện có 9/515 mẫu rầy dương tính với bệnh LSĐ tại Hải Phòng và Nam Định. Tuy tỷ lệ mẫu nhiễm bệnh chưa đến 2% nhưng hiện nay ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn khoảng 200.000 ha và các tỉnh Bắc Trung bộ còn khoảng 30.000 ha lúa muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh và có thể bị giảm năng suất nếu nhiễm bệnh LSĐ.

Để bảo vệ sản xuất lúa an toàn, Cục BVTV đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác điều tra phát hiện, khoanh vùng lúa bị nhiễm sâu bệnh theo giai đoạn sinh trưởng để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống, đặc biệt là với rầy lưng trắng truyền bệnh LSĐ trên các diện tích lúa muộn, lúa chậm phát triển đang giai đoạn đẻ nhánh rộ.

Ngoài sâu cuốn lá nhỏ và bệnh LSĐ, các địa phương vẫn phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng chống các sâu bệnh hại lúa khác nơi có mật độ, tỷ lệ cao để bảo vệ sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho xã hội nói chung, cho công tác BVTV nói riêng.  

Cục BVTV đã có Công văn số 1151/BVTV-TV ngày 14/6/2021 về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh LSĐ hại lúa vụ hè thu, lúa mùa 2021; Công văn số 1186/BVTV-TV ngày 19/6/2021 về chỉ đạo phòng chống bệnh LSĐ hại lúa vụ mùa 2021.

Theo đó, phải khoanh vùng nơi có mẫu rầy dương tính với virus gây bệnh LSĐ để phun trừ rầy môi giới truyền bệnh; tiến hành thu thập mẫu rầy lưng trắng, chủ động giám định virus gây bệnh LSĐ để nhận định nguy cơ và có biện pháp chủ động phòng chống kịp thời hiệu quả.

Những lưu ý về bệnh lùn sọc đen

Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân gây bệnh LSĐ hại lúa là virus lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus này. 

Triệu chứng và tác hại:

Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.

Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Khi bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Ở giai đoạn trỗ bông, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các dảnh trên cùng một khóm, hoặc chỉ ở một số dảnh, các dảnh khác vẫn phát triển bình thường.

Côn trùng môi giới truyền bệnh và cơ chế lan truyền của bệnh:

Rầy lưng trắng là côn trùng môi giới chính truyền bệnh LSĐ hại lúa. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.

Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus không truyền qua trứng rầy, do vậy ấu trùng nở ra từ các trứng này cũng không mang mầm bệnh.

Bệnh không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh với cây khỏe. 

Biện pháp phòng trừ: 

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh LSĐ. Để hạn chế thấp nhất tác hại của bệnh, phải thực hiện tốt việc phòng bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy triệt để cây bệnh, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại. Làm đất kỹ, làm ải đối với ruộng cao, làm dầm đối với ruộng trũng. Sử dụng vôi bột để rắc xung quanh bờ ruộng và toàn bộ ruộng cấy (20-25 kg/sào).

- Sử dụng giống lúa có chất lượng tốt, những giống nhiễm rầy phải tuân thủ theo quy trình thâm canh, quản lý rầy nghiêm ngặt.

- Gieo cấy tập trung, đúng lịch, thời vụ theo hướng dẫn. 

- Áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, không bón thừa đạm tạo cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và chống chịu, hạn chế sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh.

- Thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ.

- Đối với vùng đã có mầm bệnh từ trước, cần chủ động xử lý mầm trước khi gieo bằng thuốc đặc hiệu Victory 585EC, Penalty 40WP, Bassa 50EC, …để trừ rầy ngay từ giai đoạn đầu của cây lúa.

- Áp dụng các biện canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ, nhất là giai đoạn lúa non để tăng sức đề kháng của cây.

Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh LSĐ để phát hiện rầy lưng trắng. Khi phát hiện có rầy lưng trắng, tiến hành phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trỗ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp.

Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời gian.


Có thể bạn quan tâm

Sử dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau Sử dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau

Từ khi áp dụng mô hình bẫy dính màu, bà con nông dân trồng rau tại Tiền Lệ, Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội giảm được hai lần phun thuốc BVTV trên mỗi lứa rau.

07/08/2021
Giải pháp xử lý đất bằng chất cải tạo SEA cho vườn cây ăn trái Giải pháp xử lý đất bằng chất cải tạo SEA cho vườn cây ăn trái

Nhờ sử dụng SEA, vườn sầu riêng của ông Phương xanh tốt, ít sâu bệnh, đồng nghĩa giảm công chăm sóc, từ đó giúp tiết kiệm chi phí đầu tư.

07/08/2021
Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao

HTX Trường Anh, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh miền núi Cao Bằng.

09/08/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.