Khởi sắc trên những làng quê vùng biển
Gần một năm trôi qua kể từ ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, những hệ lụy trước mắt và lâu dài vẫn còn đó. Song, không vì thế mà người dân vùng biển chùn bước trước khó khăn, họ thích ứng và vượt qua bằng nhiều cách khác nhau. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai những phương án, kế hoạch giúp người dân chuyển đổi sinh kế, cải thiện thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế trong tỉnh đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả khả quan.
Trong ảnh: Nghề sơ chế cá ở Gio Việt, Gio Linh. Ảnh: Trần Tuyền
Vĩnh Giang là một xã bãi ngang của huyện Vĩnh Linh, có hệ thống đất đai đa dạng, diện tích đất có mặt nước chuyên dùng ao hồ, đầm đìa khá lớn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, với thực trạng nguồn lao động trên địa bàn đông, thiếu việc làm, mặt khác do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên số lượng lao động không có việc làm trên địa bàn càng tăng cao, đặc biệt là số lao động đánh bắt, nuôi trồng, kinh doanh dịch vụ thủy sản.
Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Giang đã tiến hành kịp thời chuyển đổi sinh kế cho người dân. Chị Phan Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, cho biết: “Để thực hiện chuyển đổi sinh kế cho người dân trên địa bàn sau sự cố môi trường biển, xã đã triển khai các biện pháp cần thiết và phù hợp. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là vấn đề then chốt. Ngoài cây hồ tiêu và lúa, chúng tôi hướng dẫn người dân mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn có chất lượng cao như đậu xanh, mướp đắng, khoai lang, lạc, ném, sả… kết hợp với hình thức trồng thuần, luân canh, xen canh gối vụ thích hợp để tăng hệ số sử dụng đất và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Quy hoạch tổng thể vùng trồng rau bao gồm toàn bộ diện tích vùng đất trồng lạc của 2 hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ và Cổ Mỹ với tổng diện tích 56 ha để thực hiện mô hình trồng rau củ tập trung”. Xã Vĩnh Giang đã lập kế hoạch cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi cá nước ngọt, đồng thời phát triển trồng cỏ trên các bờ ao để chăn bò, quy hoạch các vùng đất mặt nước chuyên dùng, sửa sang hệ thống ao hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Để quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, xã thực hiện hỗ trợ người dân chuyển đổi mục đích từ nuôi tôm sang nuôi cá tại vùng 773, Di Loan với diện tích 4,6 ha và tại hồ tôm lương thực Tùng Luật với diện tích 6 ha. “Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng phát triển, mở mang thêm các cơ sở chăn nuôi gia trại như mô hình nuôi bò nhốt, lợn nái, lợn thịt, chăn nuôi gà, vịt… tại vị trí đất của các hộ dân bị ảnh hưởng ở các thôn; chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, duy trì và khuyến khích người dân đầu tư mở rộng các ngành nghề dịch vụ như mộc nề, xay xát, gia công cơ khí, làm bún bánh, các dịch vụ kinh doanh ăn uống… để đảm bảo nguồn thu nhập; tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương, đặc biệt là tranh thủ các khoản vay ưu đãi của ngân hàng để giúp nhân dân mở rộng sản xuất, yên tâm canh tác”, chị Liên cho biết thêm.
Rời Vĩnh Linh, chúng tôi tìm về xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong), một trong những địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi sinh kế cho người dân sau sự cố môi trường biển. Với đặc thù là một xã vùng biển bãi ngang nên hướng phát triển kinh tế chính của Triệu Vân trong những năm qua luôn đặt mục tiêu vào lĩnh vực khai thác, chế biến nguồn lợi thủy sản từ biển. Lực lượng lao động chính tại địa phương cũng hầu hết làm ngư nghiệp và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Từ sau sự cố môi trường biển, nhiều hộ ngư dân và các cơ sở chế biến, khai thác hậu cần nghề cá cũng như kinh tế địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Để người dân có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, xã Triệu Vân đã triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Hồ Xuân Đức cho biết: “Toàn xã hiện có 730 hộ với 3.217 nhân khẩu phân bố trên địa bàn 4 thôn (trong đó 3 thôn giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 6,4 km). Toàn xã có tổng số lao động trong độ tuổi là 1.305 người, trong đó số người làm trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản là 987 người (chiếm 75,63 %). Những năm trước, vào quãng thời gian khai thác, đánh bắt thủy sản vụ Nam thường xuất hiện nhiều loài cá như các trích, cá nục, cá chai, cá đục…
Sản lượng đánh bắt những tháng cao điểm đạt 40-50 tấn. Nhưng hiện nay, ngư trường đánh bắt thủy hải sản của ngư dân bị thu hẹp, sản lượng giảm, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, xã đã lập phương án chuyển đổi một số bộ phận lao động khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá sang những ngành nghề khác. Cụ thể, đối với những lao động khai thác thủy, hải sản và hậu cần nghề cá, chính quyền địa phương mở những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như lớp nề dân dụng có 30 người; lớp chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà có 50 người và lớp trồng trọt có 30 người”. Trên diện tích đất đã được quy hoạch, xã vận động nhân dân tiến hành thâm canh, xen canh, phát triển trồng vụ hè thu; mở mang thêm các cơ sở chăn nuôi trang trại, gia trại, xây dựng ao nuôi cá nước ngọt; tận dụng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang đưa vào trồng các cây thích hợp với chất đất vùng cát như đậu đen xanh lòng, mướp, kiệu, trồng cỏ nuôi bò…
Đến nay, xã Triệu Vân có 5 trang trại, 40 gia trại được làm mới và 52 gia trại được nâng cấp… Đối với nuôi trồng thủy sản, chính quyền và người dân Triệu Vân tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật nuôi tôm theo quy hoạch. Trong đó, các ao hồ được bố trí diện tích, xử lý nước thải phù hợp, đúng quy trình kỹ thuật; đầu tư, nâng cấp và cải tạo hệ thống giếng lấy nước từ biển, giếng lấy nước ngọt phục vụ nuôi trồng; xây dựng các mô hình nuôi thử nghiệm cá nước lợ…
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu ngành thủy sản, lĩnh vực nông nghiệp vẫn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng thực hiện. Vùng ven biển của huyện Gio Linh gồm các xã Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt và một bộ phận xóm ngư của xã Gio Mai. Sau sự cố môi trường biển vừa qua, thiệt hại ước tính sơ bộ cho nền kinh tế huyện khoảng 320 tỉ đồng, làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vùng biển. Trước thực tế đó, lãnh đạo ban, ngành các cấp đã trăn trở tìm ra hướng đi, hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo đó, huyện Gio Linh đã lập kế hoạch tập trung nâng cấp tàu thuyền, chuyển đổi các nghề khai thác gần bờ sang trung bờ và xa bờ; xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị cho người dân về kiến thức và tay nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, giải quyết nhu cầu việc làm; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chế biến thủy sản theo hướng tổ chức sản xuất tập trung, tăng tỷ trọng chế biến các mặt hàng hấp sấy, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường kết nối thị trường, từng bước hình thành nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu nhằm nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm…
Cùng với những nỗ lực của chính quyền các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Gio Linh đã chủ động chuyển đổi sinh kế bằng các mô hình kinh tế mới, các trang trại, gia trại và mang lại kết quả khả quan. Trong đó phải kể đến trang trại nuôi lợn thả vườn trên vùng cát của anh Hoàng Văn Hoan (sinh năm 1973) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, anh xây dựng hệ thống chuồng trại, hàng rào khép kín, đào ao… để nuôi lợn bản, lợn lai Landrace, gà và vịt. Tất cả con giống đều được anh Hoan lựa chọn kỹ càng. Lợn bản được thả rông, còn lợn Landrace đời lai F1 và lợn nái sinh sản được nhốt chuồng để tiện bề chăm sóc.
Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, anh Hoan còn nuôi thêm gà lấy thịt, gà đẻ trứng và nuôi vịt siêu thịt. Đến nay, trang trại của vợ chồng anh Hoan có 20 con lợn bản bố mẹ, 50 lợn bản lấy thịt, 25 con lợn Landrace đời lai F1 lấy thịt, 5 lợn nái, hơn 200 con gà và 30 con vịt… Không chỉ anh Hoan mà rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Gio Linh mạnh dạn chuyển đổi sinh kế và đạt hiệu quả tốt như: trang trại nuôi gà của anh Trần Tấn Phát (thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang), mô hình nuôi chim yến của anh Phan Văn Trọng (khu phố 2, thị trấn Việt), mô hình trồng ném trên cát ở xã Gio Hải…
Trong không khi se lạnh những ngày cuối năm, đi dọc tuyến đường ven biển huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong, chúng tôi cảm nhận rõ những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc chuyển đổi sinh kế, tìm hướng đi mới sau sự cố môi trường biển. Những kết quả đạt được tuy chưa nhiều nhưng đó là tín hiệu đáng mừng để có thể hy vọng vào những bước đột phá trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Ngành tôm giống nước ta đã đi qua một năm nhiều biến động; Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ngành cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng
Ước tính tổng XK thủy sản của năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD sau một năm với nhiều biến động và căng thẳng cho Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Phát huy thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2017