Khởi nghiệp từ trang trại tổng hợp kiểm tỷ đồng/năm
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nắm thời cơ cùng với quyết tâm vượt khó, anh Đào Văn Tạ ở thôn Cuống, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mỗi năm, trang trại tổng hợp cho gia đình anh lãi gần 1 tỷ đồng.
Đàn lợn giống trong trang trại của anh Tạ
Liều… ăn nhiều
Bất cứ ai đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Đào Văn Tạ đều phải choáng ngợp với một trang trại rộng hơn 6ha kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Đây là một mô hình SXNN cho hiệu quả kinh tế nhất nhì ở xã Tả Phời. Nhiều người trong xã coi anh như một người thầy, một kỹ sư “chân đất” có hạng.
Sinh ra tại quê lúa Thái Bình, nhưng số phận đã đưa đẩy anh Tạ đến với mảnh đất biên giới Lào Cai xa xôi, lập gia đình rồi sinh con. Anh Tạ chia sẻ, năm 2000 cả gia đình tới đây, một nơi gắn với từ “không”: Không điện, không nước, không đường đi. Xung quanh chỉ toàn núi đồi, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt. Cả gia đình trông chờ vào ít lúa nương và hai sào lúa nước. Nhiều đêm vắt tay lên trán, anh trăn trở suy nghĩ làm gì để thoát cảnh đói nghèo?
“Năm 2005, giữa lúc chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển SX theo hướng đi mới. Tôi đã mạnh dạn bàn với vợ tận dụng diện tích đất trồng lúa nương khó canh tác, hiệu quả thấp để phát triển mô hình trang trại tổng hợp”, anh Tạ nhớ lại.
Qua tìm hiểu, anh Tạ nhận thấy chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được một người bạn giới thiệu, anh Tạ về tận nhà anh Sinh, một người làm kinh tế giỏi nổi tiếng ở Vĩnh Phúc để học hỏi mô hình nuôi lợn.
Sau 6 tháng "nằm gai nếm mật", đủ tự tin với kiến thức học hỏi được, anh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm các loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng để phát triển mô hình. Với xuất phát ban đầu là 4 con lợn nái, anh đã gây dựng nên hệ thống trang trại với gần 70 con lợn nái, 150 con lợn thịt và nhiều lợn giống. Hệ thống chuồng trại được gia đình đầu tư gần 2 tỷ đồng, xây dựng quy củ, khép kín, lắp đặt hệ thống hầm bể biogas để xử lý chất thải.
Từ 4 ô chuồng nuôi ban đầu, đến nay anh Tạ đã mở rộng lên 50 ô chuồng. Riêng chuồng nuôi lợn nái gia đình anh Tạ áp dụng xây dựng theo công nghệ hiện đại với 50 lồng giai đoạn chửa, 16 lồng cho lợn nái đẻ và nuôi con. Ưu điểm của hệ thống nhà chuồng này là tự động điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ, nhiệt độ để lợn sinh trưởng phát triển, không bị bệnh dịch và tiện lợi cho việc chăm sóc. Với 70 con lợn nái trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa cung cấp đủ giống nuôi lợn thịt từ 300 - 400 con/năm.
“Đầu năm 2016, tôi xuất chuồng 20 tấn lợn thương phẩm thu về gần 1 tỷ đồng. Tới cuối năm, tuy giá lợn giảm sâu, tôi vẫn xuất được 15 tấn lợn, thu về 450 triệu đồng, trừ mọi chi phí vẫn có lãi. Tôi tận dụng được nguồn nước tự nhiên trên núi để xây bể tích nước ở trên cao dẫn về các chuồng lên không mất tiền nước lẫn điện như các hộ khác. Từ lợi thế đó, gia đình cũng tiết kiệm được một khoản chi phí lớn”, anh Tạ chia sẻ.
Anh Tạ đang chăm sóc đàn trâu sinh sản
Làm giàu cho nhiều người
Ngoài nuôi lợn, anh Tạ còn nuôi thêm 6 con trâu, vài trăm con gà và trồng 700 hốc mía. Bên cạnh đó, anh còn mở một cửa hàng vật tư nông nghiệp nhỏ, máy xát gạo phục vụ người dân, mỗi năm thu nhập khoảng 350 triệu đồng. Có đồng vốn trong tay, gia đình anh mạnh dạn mua thêm 4ha đất trồng cây hàng năm của các hộ liền kề để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, trồng rau theo hướng công nghệ cao. Nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư đúng hướng, mô hình trang trại tổng mỗi năm mang về cho gia đình anh gần 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, hàng năm, gia đình anh Tạ còn phổ biến kinh nghiệm cho vài chục hộ dân về chăn nuôi, trồng rau sạch. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ từ 5 - 7 hộ nghèo, hộ chính sách về cây giống, phân bón...
Ông Trần Văn Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Phời nhận xét, anh Đào Văn Tạ là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua SX kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy xuất phát điểm thấp, nhưng qua học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những cái hay, cái mới trong SX và áp dụng thành công, đến nay mô hình của anh cho thấy hiệu quả thiết thực, được địa phương quan tâm và nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng nhãn Idor của ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1957) ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với 1.000m2 đất ươm trồng, mỗi năm vườn nho giống, nho cảnh của ông Nguyễn Trường Lang (phường Mỹ Hải - Ninh Thuận) cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng
Sau hơn 15 năm lên bờ, Có một điều rất trân quý, khi đã trở nên giàu có, vợ chồng ông Thú không quên những người nghèo một thời lênh đênh sông nước với mình.