Khởi nghiệp từ mô hình rau thủy canh khá độc đáo ở ĐBSCL
Khởi nghiệp từ nông nghiệp đang là xu hướng của nhiều thanh niên. Tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình một hướng đi phù hợp với khả năng nên bước đầu gặt hái nhiều kết quả khích lệ.
Anh Ngô Hữu Anh Khôi giới thiệu cây cải phát triển nhờ bộ rễ hút nước từ ống dẫn nước
Điển hình như anh Ngô Hữu Anh Khôi, 35 tuổi, quê ở ấp Phước Trinh A, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai trồng rau thủy canh, một mô hình độc đáo.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Cần Thơ (ngành Công nghệ thực phẩm) năm 2005, anh Khôi đã làm việc ở nhiều nơi. Sau một thời gian bươn trải, anh chứng kiến cảnh nông dân lạm dụng hóa chất và thuốc BVTV phun lên hoa màu, cây ăn trái ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Từ đó anh nung nấu tự mình phải sản xuất rau an toàn. Thế là anh cùng vợ là chị Dương Thùy Cẩm Tú (cử nhân ngành Chế biến và bảo quản nông sản, ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) lên Lâm Đồng và Bình Phước để nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng rau an toàn.
Khi hỏi về lý do tại sao hai vợ chồng có công việc ổn định, lương cao mà lại bỏ nghề chuyển sang trồng rau an toàn? Anh Khôi chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã say mê trồng trọt. Hơn nữa, gần đây, dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng phản ánh gay gắt về thực phẩm không an toàn, trong khi đó giá rau sạch, nhất là rau Đà Lạt lại quá cao. Sau khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường, tôi đã nẩy sinh ra ý tưởng trồng rau sạch. Cả hai vợ chồng đều hạ quyết tâm sẽ chọn mô hình rau thủy canh để khởi nghiệp".
Tại Bình Phước anh đã được bạn bè ở Hợp tác xã Rau sạch Nguyên Khang tận tình hướng dẫn và chuyển giao công nghệ. Sau khi nắm vững kỹ thuật, tháng 2/ 017 vợ chồng anh bắt đầu xây dựng nhà lưới và hệ thống dẫn nước trên diện tích 1.000m2, chi phí ban đầu là 1,2 tỷ đồng. Sau một thời gian thử nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần, tháng 9/2017 coi như các thiết bị đã hoàn hảo, mô hình trồng rau sạch của anh đã hình thành và đi vào hoạt động.
Về kỹ thuật trồng, anh đã áp dụng 2 mô hình khác nhau. Một mô hình trồng trên mặt phẳng của tấm tôn chiếm diện tích khá lớn. Mô hình thứ hai là một giá thể hình chữ A từ cao xuống thấp gồm 10 ống nhựa 90. Mô hình này trồng được nhiều cây, năng suất cao hơn.
Đặc điểm của rau thủy canh là người trồng dùng máy bơm nước và máy làm mát nguồn nước hoạt động xuyên suốt nhằm cung cấp nước sạch cho từng bộ rễ của các chậu rau thông qua ống dẫn nước.
Với phương pháp đó, người trồng không sử dụng nhiều phân bón mà chỉ cần bổ sung khoáng vi lượng và đa lượng qua hệ thống dẫn nước. Trồng trong nhà lưới cây trồng không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Các loài côn trùng cũng không xâm nhập vào được, do đó người trồng không cần đến thuốc BVTV.
Rau thủy canh trồng theo mô hình mặt phẳng
Hiện anh Khôi đã trồng được 5 loại rau Nhật và Hà Lan như Cherokee (giống như sà lách Đà Lạt); lô lô tím, lô lô xanh và các loại cải nấu canh. Mỗi loại rau từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch mất 45 ngày. Bình quân mỗi ngày anh thu hoạch trên 100kg rau tươi cung cấp cho siêu thị Coopmart và các hợp tác xã. Tính bình quân mỗi kg lời 10.000đ, như vậy mỗi ngày lời trên 1 triệu đồng.
Về giá cả, anh Khôi cho biết giá một kg rau tươi Đà Lạt tại Cần Thơ là 60.000đ, anh chỉ bán 40.000đ (cùng loại). Lý do giá thành giảm là nhờ trồng đạt năng suất cao và khỏi phải tốn tiền vận chuyển từ xa. Về chất lượng, anh khẳng định rau trồng ở miền Tây rất ngon, giòn, ngọt và bảo quản cũng lâu hơn nhờ trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Hiện số lượng rau chưa đủ để cung cấp cho thị trường. Anh đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích 3.000m2 và đầu tư thêm các thiết bị kỹ thuật để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào trong canh tác và tăng cường SX thêm các loài rau ăn trái.
Hiện vườn rau thủy canh của anh Khôi đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận và cấp phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Hội Nông dân xã cũng đã giới thiệu cho nhiều người đến tham quan học hỏi mô hình rau sạch của anh.
Có thể bạn quan tâm
Bà Vũ Thị Yến (Ninh Bình) đã quyết định mở một trang trại trồng nấm, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Loại cây này gắn bó với người dân ấp Mỹ Thạnh A hơn 10 năm nay. Củ sắn thích hợp với đất cù lao, bình quân mỗi công củ sắn cho năng suất từ 10 - 12 tấn.
Được xem là "thần dược" có giá trị cao, trước đây nhiều người dân ở Thuận Bắc (Ninh Thuận) đổ xô lên núi đào cây xáo tam phân về trồng, song đều thất bại.