Khởi nghiệp thành công từ đôi bàn tay trắng với cây hoa huệ
Chị Nguyễn Thị Ngân (32 tuổi) ở ấp Đông Thạnh B (xã Đông Thạnh, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những phụ nữ khởi nghiệp thành công từ đôi bàn tay trắng với cây hoa huệ.
Mô hình trồng huệ của chị Ngân cho thu nhập khá
Mô hình trồng 5 công công hoa huệ của chị Ngân cho thu nhập khá, bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Nói về cơ duyên đến với mô hình trồng hoa huệ mang lại hiệu quả, chị Ngân tâm tình: “Tôi mới lập gia đình năm 2014, thì năm 2015 cha mẹ cho ra ở riêng. Nhờ được người quen làm lái buôn hoa huệ nên tôi được giới thiệu đi tham quan các mô hình trồng huệ ở tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, năm 2016, tôi bàn với ông xã mạnh dạn vay qua kênh Hội Phụ nữa 40 triệu đồng, vay chương trình hộ nghèo 12 triệu nữa làm vốn thuê 5 công đất tại huyện Bình Tân trồng huệ”.
Theo chị Ngân, đặc điểm của huệ là ra bông quanh năm. Thời gian ra hoa từ lúc trồng đến cắt bông khoảng 4 tháng, cứ cách 5 ngày là có bông cắt 1 lần. Huệ cho bông liên tục khoảng 3 - 4 năm mới phải trồng lại đợt mới. Tại huyện Bình Tân hoa huệ tỏ ra thích nghi phù hợp thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, cho năng suất cao so với các nơi khác.
Huệ ta hay còn gọi là cây Dạ Lai Hương (tức cây thơm vào ban đêm), có bông trắng đẹp tinh khiết, mùi thơm dễ chịu, dáng cây vươn thẳng nên được lựa chọn là loại hoa cúng trong các dịp lễ, tết, đình đám… Nhu cầu sử dụng hoa huệ quanh năm. Thị trường ổn định, ít biến động.
Giá hoa huệ luôn ổn định, bình quân dao động từ 2.000 - 2.500 đồng/bông trong ngày thường; từ 3.000 - 4.000 đồng/bông vào ngày rằm, mùng một; từ 10.000 - 13.000 đồng/bông vào dịp tết.
Huệ cho thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác. Năm đầu cây chưa cho năng suất cao, gia đình chị Ngân bán được 160 triệu đồng đủ tiền thuê đất, mua giống, lao động, phân thuốc… tính ra cũng hòa vốn. Tới năm thứ 2, cây đạt độ trưởng thành cao nhất, cho năng suất khá nên năm đó chị bán được hơn 400 triệu, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu. Năm qua chị Ngân thu nhập cũng được 300 triệu, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Nói về thành công của mô hình, chị Ngân tâm đắc: “Trồng hoa huệ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng góp phần tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đối với những người nghèo ít vốn nên có chương trình hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn với lãi suất thấp, thời gian thu hồi vốn dài, đủ để họ thực hiện ý tưởng lập nghiệp như tôi”.
Mô hình sản xuất của chị Ngân được đề cử là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương và của Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long. Chị Ngân cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tái đầu tư lại nguồn giống để cây cho năng suất cao.
Có thể bạn quan tâm
Giới thiệu một số thông tin về bệnh cúm trên gia cầm và cách phòng chống bệnh: nguyên nhân và đặc điểm chung của bệnh, con đường lây lan, triệu chứng
Vài năm trở lại đây, trên diện tích đất trồng mầu, cây khoai tây mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập cho người dân
Do được chăm sóc kịp thời, chu đáo ngay sau khi gieo cấy nên toàn bộ diện tích lúa xuân của tỉnh đều sinh trưởng, phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh