Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Khó khăn vụ lúa - tôm

Khó khăn vụ lúa - tôm
Tác giả: Liêu Hỏn
Ngày đăng: 10/03/2016

Sau hai lần cấy với hơn 1,5 ha lúa trên đất nuôi tôm, ông Lê Tấn Hoà, ở Khóm 6, thị trấn Thới Bình ngậm ngùi nhìn từng bụi lúa chết dần cùng gần 2.000 con tôm sú được hai tháng tuổi cũng đỏ thân và không sống nổi. Ông cho biết, do nắng quá nóng, độ mặn và phèn trong vuông tăng cao nên mới xảy ra tình trạng trên.

Sau vụ lúa không hiệu quả, ông Sơn Thành, ở ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Đông, thả tôm giống nuôi trên diện tích hơn 1,5 ha. Hiện tôm được hơn tháng tuổi nhưng rất chậm lớn. Theo ông Thành, năm nay thời tiết thất thường, đầu tháng 11 âm lịch chỉ có vài đám mưa nhỏ; gần Tết thì chuyển sang lạnh và hiện tại là nắng nóng dữ dội làm cho độ mặn trong vuông tăng cao, tôm không phát triển được.

Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, cho biết, xã có diện tích sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều nhất trong toàn huyện với hơn 4.200 ha. Hiện có hơn 3.000 ha bị thiệt hại từ 70-100%, diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 30 đến gần 70%, riêng diện tích tôm nuôi cũng thiệt hại trên 60%. Sau khi huyện có chỉ đạo, xã đang đi điều tra và niêm yết danh sách hộ có diện tích lúa - tôm bị thiệt hại để bà con xem xét, thống nhất, sau đó báo cáo huyện tổng hợp.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, bước vào sản xuất vụ lúa - tôm năm nay, nông dân trong huyện đã gieo cấy trên 23.500 ha, tăng hơn 100 ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do tình hình nắng hạn và hiện tượng El Nino nên diện tích lúa - tôm của huyện cũng như diện tích lúa hai vụ bị ảnh hưởng khá lớn. Qua bước đầu điều tra rà soát, toàn huyện Thới Bình có trên 18.000 ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại và đã có báo cáo sau khi UBND tỉnh ký quyết định công bố thiên tai. Trong đó, diện tích bị thiệt hại tập trung nhiều ở các xã: Biển Bạch Đông, Thới Bình, Hồ Thị Kỷ, Tân Bằng, Tân Lộc Đông và Biển Bạch. UBND huyện đang tập trung chỉ đạo thành lập các tổ để rà soát lại diện tích thiệt hại của từng hộ để trên cơ sở đó, khi tỉnh có nguồn vốn hỗ trợ thì triển khai ngay để bà con xở gỡ khó khăn chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Được biết, hiện nay nhiều diện tích tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Thới Bình đang có dấu hiệu dịch bệnh đỏ thân, chết dần do nắng nóng và phèn mặn. Ngành chức năng khuyến cáo bà con không nên nóng vội bơm nước cải tạo thả nuôi vụ mới do độ mặn, phèn tăng cao.

Theo dự báo của ngành chức năng, thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng mưa ít và có những đợt nắng nóng kéo dài. Chính vì thế, bà con cần theo dõi thường xuyên khuyến cáo của ngành nông nghiệp để chủ động trong sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.


Có thể bạn quan tâm

Ngư dân nghề lặn mất mùa lộc biển đầu năm Ngư dân nghề lặn mất mùa lộc biển đầu năm

Trước ảnh hưởng của thời tiết xấu nên vùng biển ven bờ trong tỉnh liên tục có sóng to gió lớn. Theo đó đã làm nhiều ngư dân hành nghề lặn để bắt tôm nhí (tôm hùm con) không thể hành nghề.

10/03/2016
Nông dân thả nuôi vụ tôm mới Nông dân thả nuôi vụ tôm mới

Tuần qua, nông dân đã thả giống hơn 12.970ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu gần 102.960ha. Trong đó, diện tích tôm nuôi chiếm khoảng 102.750ha, còn lại là cá, thủy sản khác. Đồng thời thu hoạch trên 55.930ha với tổng sản lượng 1.359 tấn.

10/03/2016
Nghề nuôi nghêu không còn dễ ăn Nghề nuôi nghêu không còn dễ ăn

Khoảng 5 năm trở về trước, nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công (Tiền Giang) được xem là “siêu lợi nhuận” (đầu tư 1 có thể lời 4 - 5 lần) do tỷ lệ hao hụt trong nuôi nghêu thấp, nghêu không có tình trạng bị chết hàng loạt, giá nghêu nằm ở mức cao (có lúc giá nghêu tại bãi lên tới 36.000 đồng/kg), tiêu thụ dễ dàng...

10/03/2016