Khi vương quốc trái cây giật mình thức tỉnh
Trước thực trạng trên, vùng ĐBSCL phải tự cứu mình bằng cách đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị, gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Báo NTNN/Dân Việt làm rõ điều này với loạt bài “Loay hoay xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”.
Ngoài thiệt hại do đại hạn, mặn lịch sử gây ra, nguyên nhân khiến nông nghiệp vùng ĐBSCL lao dốc trong thời gian gần đây là do mải mê sản xuất theo kiểu phong trào trong khi đó việc chuyển đổi theo hướng mới thì gặp trở ngại ở khâu liên kết.
“Chết yểu” vì sản xuất theo phong trào
Trao đổi với phóng viên NTNN về những khó khăn của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện nay, GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cho rằng, thu nhập người dân lâu nay vẫn thấp do tập quán “hùa nhau”, bắt chước trồng, chặt và bất chấp nhu cầu thị trường có hay không.
“Khi hùa nhau trồng thì diện tích tăng, kéo theo sản lượng tăng hơn nhu cầu của người mua.
Vì vậy, cảnh “được mùa mất giá” xảy ra liên tục.
Sau khi thu hoạch lúa xong, người dân phải bán lúa tươi chưa kịp phơi khô để lấy tiền trả cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật hoặc ngân hàng” – GS Xuân nói.
Người dân huyện Tam Bình (Vĩnh Long) thường xuyên không bán được lúa khi vào mùa thu hoạch rộ.
ảnh: Huỳnh Xây
Thực tế như GS Xuân chia sẻ, những ngày này về 2 địa phương trồng mía lớn nhất ĐBSCL là huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) và huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), phóng viên ghi nhận, không ít người dân tìm cách giảm diện tích trồng mía thay vì hùa nhau tăng diện tích liên tục như nhiều năm trước đây.
Thực trạng trên khiến 4 nhà máy đường tại 2 vùng mía không khỏi lo lắng thiếu mía nguyên liệu cho vụ mía 2016-2017.
"Chúng tôi thật sự gặp khó khăn khi nhiều nơi triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn mà chính quyền chưa tham gia tiếp sức”.
Ông Phan Công Bình - Giám đốc DNTN Công Bình (Long An)
Theo Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, biết rõ những hạn chế trên, những năm qua, các địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo được những mô hình như tôm – lúa; chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa kết hợp với 1 vụ màu.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi trên vẫn bị giới hạn trong điều kiện cụ thể của từng nơi.
Liên kết vẫn lỏng lẻo
TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho rằng: Giá trị các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL trong thời gian qua rất kém.
“Do người dân làm tự phát, không theo khuyến cáo và giám sát của ngành chức năng nên sản phẩm làm ra chưa được đa dạng và không đảm an toàn cho người tiêu dùng” - TS Dũng nói.
Đến nay, kể cả liên kết 4 nhà vẫn còn rất lỏng lẻo, nhất là trong sản xuất và tiêu thụ lúa.
Bởi thực tế, trên cùng một cánh đồng lúa có nhiều loại giống khác nhau được gieo sạ, theo đó chất lượng cũng không đồng đều.
Đây cũng là lý do tại sao lúa gạo Việt Nam đang có giá thấp nhất so với các quốc gia xuất khẩu gạo.
Mặt khác, ĐBSCL đã xây dựng được khoảng 500.000ha lúa trong mô hình cánh đồng lớn nhưng mô hình này đã bắt đầu chựng lại, một số nơi có dấu hiệu co hẹp và “chết yểu” do nhiều nguyên nhân.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho biết, dù đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng mẫu lớn đã triển khai nhưng tỷ lệ thành công những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn thấp, riêng đối với lúa chỉ từ 20-30%.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp còn cho rằng, nguyên nhân liên kết 4 nhà chưa được chặt chẽ là do tính pháp lý, tính ràng buộc trách nhiệm trong các hợp đồng ký kết liên kết, bao tiêu lúa hàng hóa chưa cao và chưa phù hợp.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng: “Thực tế các mặt hàng nông – thủy sản ở các tỉnh, thành cũng gần như tương đồng.
Sản lượng lúa, thủy sản, trái cây… trong vùng lớn, tỉnh nào cũng có.
Tuy nhiên, nếu đối tác nước ngoài cần số lượng lớn trái cây đạt chuẩn GlobalGAP chẳng hạn, một địa phương khó đáp ứng số lượng theo quy chuẩn.
Đây là một ví dụ nhỏ minh họa cho sự cần thiết liên kết vùng”.
“Thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ lâu nay là điều làm chúng ta ray rứt.
Cần tạo điều kiện để nông dân liên kết sản xuất hàng hóa lớn, gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể.
Làm được điều đó câu chuyện liên kết sẽ rất ý nghĩa.
Trước tiên chúng ta cần hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cho sự phát triển sản xuất nông – thủy sản toàn vùng, gắn với thị trường.
Nhà nước phải có chính sách đặc thù mới tăng chuỗi giá trị liên kết hiệu quả.
Cần tầm vĩ mô để giải quyết bài toán này!” – ông Chánh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua trên một số trang mạng xuất hiện tin đồn nhiều thương lái Việt tìm thu mua bọ hung ở một số địa phương vùng cao như Yên Bái, Lạng Sơn để bào chế làm thuốc cải thiện chuyện “chăn gối” khiến dư luận hết sức hoang mang.
Do thời tiết nắng nóng kéo dài ở các xã ven biển nên lượng rau ngò (miền Bắc gọi là rau mùi) không đủ cung cấp dẫn đến lượng rau tăng giá gấp đôi.
Ba ba, gà sao, chim trĩ, sâm cầm, mòng két màng trắng… vốn rất kén người nuôi nhưng nhờ sự khéo léo và kiên nhẫn, anh Phạm Văn Hiển ở xã Hiệp Hòa (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) đã thuần dưỡng thành công và làm giàu.